Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Hồi âm bài viết “Yêu nước thế nào cho có văn hóa ?” của Trần Công Hưng trên BBC tiếng Việt

PVL
Có lẽ không phải tranh luận, bàn cãi thì ai cũng hiểu ít nhiều về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Vẫn biết mỗi thời mỗi khác, mỗi người hiểu về lòng yêu nước và thực hành yêu nước theo cách khác nhau. Nhưng phải thấy rằng, dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, thậm chí là “lá rách ít, đùm lá rách nhiều”.
Nếu ai không công nhận, không tán đồng với quan điểm “dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước” thiết nghĩ cũng chẳng sao. Xã hội có người này, người khác, có người nhận thức cao, nhận thức trung bình và nhận thức thấp... song điều quan trọng là họ xem xét về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam bằng thái độ gì? thiện cản, chân thành hay thù hằn, ác ý.
Riêng cá nhân tôi, khi đọc bài viết “Yêu nước thế nào cho có văn hóa?” của tác giả Trần Công Hưng đăng trên trang BBC tiếng Việt, thứ Năm, ngày 18 tháng 9 năm 2014 thì cho rằng: tác giả đúng là người “đã từng là người Việt Nam”, chứ hiện nay thì chắc chắn không phải. Bởi vì, cách suy nghĩ, cách lập luận tưởng chừng như rất “khoa học”, minh chứng rất “lôgic”, lại có kèm theo hình minh họa... song thái độ của tác giả rõ mười mươi là hằn học, ác ý, chê bai, coi thường người dân đất Việt chúng ta.
 Đọc bài viết này, công bằng mà nói tác giả cũng đã đề cập đến những thói hư, tật xấu của người Việt Nam chúng ta. Điều này là hoàn toàn chính xác, không phải chờ đến bài viết này mà nhân dân ta, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học và bạn bè quốc tế mới biết đến vấn đề này. Chúng ta thừa nhận rằng, người Việt Nam vẫn còn những thói hư, tật xấu như: văn hóa tham gia giao thông, sinh hoạt công cộng chưa tự giác; ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt, thậm chí có lúc có nơi có tư tưởng ích kỷ, bản vị, cục bộ địa phương... song không vì thế mà quy kết người Việt Nam thiếu văn hóa, thiếu văn minh, hoặc thể hiện lòng yêu nước, văn hóa yêu nước không phù hợp giống như cách lập luận của tác giả Trần Công Hưng.
Thử hỏi, nếu dân tộc ta không có lòng yêu nước, thiếu văn hóa trong thể hiện lòng yêu nước thì suốt mấy ngàn năm qua, khi bắt buộc phải đối đầu sinh tử với giặc ngoại bang phương Bắc, kẻ thù phương Nam, các thế lực thực dân, đế quốc phương Tây... có tiềm lực về kinh tế, quân sự mạnh gấp nhiều lần dân tộc Việt Nam, chúng dùng đủ mọi thủ đoạn, dã tâm để xâm lược, đô hộ, đồng hóa, thuần phục, bắt nạt dân tộc Việt Nam nhỏ bé mà sao tất cả bọn chúng đều nhận thất bại cay đắng, dân tộc ta vẫn giữ được độc lập, tự do, vẫn hiên ngang đứng vững và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế (?). Thử hỏi, mỗi khi đất nước bị thiên tai, thảm họa như lũ lụt, hạn hán, hỏa hoạn... đã khi nào thế giới nhìn thấy người Việt Nam bàng quan, thờ ơ trước những đau thương, mất mát, thiếu thốn... của đồng bào, đồng chí, đồng hương, đồng tộc hay chưa (?)...
Chắc chắn là trong các cuộc chiến tranh sinh tồn không có sự may mắn; trong những lúc khó khăn, hoạn nạn người dân Việt Nam không bỏ rơi nhau hay trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt giữa Việt Nam với các dân tộc khác, nếu như người dân Việt Nam không có lòng yêu nước, thương nòi, không có tinh thần đồng cam cộng khổ, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, không có văn hóa yêu nước như cách ông Trần Công Hưng lập luận(!).
Khi viết bài báo “Yêu nước thế nào cho có văn hóa”, tác giả Trần Công Hưng chỉ dùng đôi mắt “thiểm cận”, lại đứng quan sát ở tận đẩu đâu do vậy mà “thấy cây nhưng không thấy rừng”, “biết một mà chẳng biết hai”. Tác giả chỉ quan sát từ việc khán giả đến cổ vũ cho đội tuyển U19 Việt Nam trên Sân vận động Mỹ Đình có hiện tượng xô đẩy, chen lấn, la ó, đứng lên ghế, xả rác... mà đã quy kết, đánh giá lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam chỉ là hình thức, thiếu văn hóa... thì quả thật là quá phiến diện, quá sai lầm.
Cá nhân tôi không biết tác giả Trần Công Hưng là ai, ở đâu, làm gì... mà cũng chẳng cần phải biết để làm gì. Nhưng chỉ việc ông này viết bài “Yêu nước thế nào cho có văn hóa?” đăng tải trên BBC tiếng Việt thì cũng đủ thấy rằng trình độ của ông cũng chỉ dừng lại ở trạng thái A, B, C như trẻ mới vào lớp một; thái độ của ông cũng chẳng phải tốt đẹp gì cho cam.
Nói đi thì phải nói lại, tôi vẫn khuyên ông Trần Công Hưng một điều: nên quan sát cho kỹ, tìm hiểu cho rõ, nói năng, viết lách cho cẩn thận... nhất là khi động chạm đến niềm vinh dự, tự hào, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bởi nếu không, chính ông và người thân của ông sẽ trở nên lạc lõng trong dòng đời, bơ vơ trong cuộc sống, trước sau gì cũng chịu những kết cục bị thảm, mà tương lai trước mắt chính là cảnh tha hương, “cù bơ, cù bất” nơi xứ người hoặc sống trên quê hương mà bị nhân dân, bị cộng đồng xa lánh, coi như một thứ bỏ đi, ngoài vòng xã hội. Viễn cảnh ấy, dẫu chẳng ai muốn, nhưng nó sẽ đến với những ai đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, đi ngược lại với dòng chảy cuộc sống đương đại, và không ai khác những người như ông Trần Công Hưng phải hứng chịu đầu tiên./.