Đã trở thành quy luật, mỗi khi đất nước ta có sự kiện chính
trị quan trọng, nhất là đại hội Đảng các cấp, các phần tử xấu, cơ hội chính trị,
thù địch lại coi đây là “thời cơ vàng” để mở các chiến dịch tuyên truyền, chống
phá, đặc biệt là tung lên không gian mạng các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây
chia rẽ nội bộ, phá rã niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân
vào Đảng, Nhà nước, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, tạo
tiền đề để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng và Nhà nước
ta.
1. “Ném đá giấu tay”: Chiêu trò không mới
Càng gần đến ngày diễn ra đại hội Đảng khóa XII, trên
các trang mạng xã hội, facebook, blog… xuất hiện ngày càng nhiều các thông tin
bịa đặt, xuyên tạc, bôi xấu, vu khống suy diễn nhằm hạ thấp uy tín một số tổ chức,
cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta. Hàng trăm trang mạng, blog phản
động ở ngoài nước, nhất là các trang “Cứu nước”, “Đàn chim Việt”, “Người Việt
xa xứ”, “Người Việt vùng Vịnh”... liên tục tán phát trên không gian mạng thông
tin bịa đặt, khoét sâu các vấn đề mà chúng cho là “nóng nhất”, “nhạy cảm nhất”
được “dư luận quan tâm nhất”, như lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, dân chủ,
nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... Chúng còn dựng chuyện, nói xấu, bôi nhọ danh dự,
hạ thấp uy tín các đồng chí nhân sự cấp cao trong Đảng, Nhà nước ta từ nhiều
phía, hòng gây chia rẽ nội bộ, chống phá đại hội các cấp và Đại hội XII của Đảng.
Các phần tử xấu, cơ hội chính trị ở trong nước liên tục
sử dụng facebook, blog, nickname giả mạo, tán phát các thông tin bịa đặt, xuyên
tạc, mượn danh nhân vật này để phê phán, nói xấu nhân vật khác với mục đích đê
hèn, gây nghi ngờ trong nội bộ, tạo cảm giác trong nội bộ ta có “phe, cánh”,
làm phương hại niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các trang mạng, blog, website
như “Dân làm báo”, “Quan làm báo”, “Chân dung quyền lực”... còn mở các “chiến dịch”
tán phát thông tin dựng đứng một số sự kiện để xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, hạ
thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý,
có những phần tử còn núp dưới danh nghĩa đảng viên “trung thành” viết và phát
tán trên internet “Thư ngỏ” bày tỏ quan điểm sai trái, phê phán, thậm chí xuyên
tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ cho
rằng, công cuộc đổi mới do Đảng, Nhà nước ta tiến hành những năm qua hầu như vẫn
giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị, kìm hãm tự do, dân chủ và gây chia rẽ dân
tộc, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Từ những lập luận thiếu căn cứ, bịa đặt
đó, họ còn đưa ra các “kiến nghị” yêu cầu Đảng, Nhà nước ta phải thay đổi Cương
lĩnh chính trị và Điều lệ của Đảng, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ
nghĩa xã hội, đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng…
Cần khẳng định rằng, chiêu
trò “ném đá giấu tay” trên đây không có gì mới trong chiến lược “diễn biến hòa
bình” chống phá Đảng, Nhà nước ta từ trước tới nay. Sâu chuỗi các sự việc thời
gian gần đây có thể thấy rất rõ điều này. Năm 2012, khi Đảng
ta triển khai kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về
xây dựng Đảng hiện nay” thì các trang mạng, blog “Dân làm báo”, “Quan làm báo” liên
tục tán phát các thông tin bịa đặt, xuyên tạc trên không gian mạng cho rằng, việc
kiểm điểm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ là hình thức mị dân, bản
chất bên trong của vấn đề này là sự “đấu đá quyền lực nội bộ”, nhằm tạo ra dư
luận xã hội tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, suy giảm niềm tin của một bộ phận
cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Năm 2013, lần đầu tiên Quốc
hội Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, vẫn chiêu trò
cũ, các trang mạng, blog này lại tung ra các bài viết gán ghép, núp bóng dưới
tên tuổi của các đảng viên “trung thành”, đảng viên “lão thành”, đảng viên “tâm
huyết” phao tin bịa đặt, thêu dệt các câu chuyện xấu xa về đời tư các đồng chí
lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, chúng đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ thông
tin “hậu trường chính trị” của một bộ phận người đọc để tuyên truyền hạ thấp uy
tín cán bộ trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Từ
cuối năm 2014 đến nay, khi Đảng ta chuẩn bị và tiến hành đại hội các cấp tiến tới
Đại hội XII của Đảng, nhất là mới đây Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) tổ chức
Hội nghị lần thứ mười tiến hành quy hoạch, bỏ phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy
viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trên các trang mạng internet lại xuất hiện
hàng loạt thông tin bịa đặt, xuyên tạc về gia đình, đời tư, sức khỏe của một số
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Không dừng lại ở đó, chúng còn suy diễn, dự
báo, bình luận vô căn cứ, hồ đồ theo kiểu “thầy bói xem voi” về nhân sự Đại hội
XII của Đảng với mưu đồ chống phá vừa thâm độc, tinh vi xảo quyệt, vừa trắng trợn
rõ ràng.
Tác
hại của những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ của các phần tử xấu,
cơ hội chính trị, thù địch tán phát trên không gian mạng có thể chưa xác định cụ
thể ở mức độ nào, nhưng ít nhiều nó đã tác động trực tiếp đến dư luận xã hội,
nhất là những người nhẹ dạ cả tin dễ lầm tưởng, ngộ nhận, khiến họ “bán tín bán
nghi”, cho rằng một số cán bộ cao cấp của Đảng đã thoái hóa biến chất về đạo đức,
lối sống, lợi dụng quyền lực để vun vén lợi ích cá nhân, dẫn đến hoang mang,
dao động, lo lắng, phân tâm về tư tưởng.
2. Cảnh giác và tỉnh táo nhận diện
Các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chia rẽ nội bộ của các
thế lực thù địch bản chất là thông tin xấu, độc hại, thêm thắt, nhào nặn, dựng
chuyện, biến sự thật thành sai sự thật, biến vụ việc nhỏ thành vụ việc phức tạp,
tạo bằng chứng giả, gây hoang mang trong dư luận, gây bất ổn chính trị, từ đó tạo
cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Thực tế cho thấy, để đánh
vào tư tưởng, tâm lý tò mò, hiếu kỳ thông tin “hậu trường chính trị” của một bộ
phận người đọc, chúng không từ bất kỳ một thủ đoạn nào dù là xấu xa, bỉ ổi hay
tinh ranh, xảo trá nhất. Bên cạnh việc thêu dệt, tô vẽ những điều
không có thật về sự “xuống cấp” nghiêm trọng về đạo đức và năng lực của cán bộ;
lấy cái hiện tượng quy thành bản chất, dùng cái đơn lẻ quy thành hệ thống, “đổi
trắng thay đen”, chúng còn vẽ ra các cuộc “đấu đá”, “phe nhóm” trong Đảng và
trong hệ thống chính trị. Thâm hiểm hơn, chúng còn cắt ghép hình ảnh lấy từ mạng
internet chụp những ngôi biệt thự, siêu xe sang trọng, cảnh đời tư truỵ lạc để
quy chụp, gán ghép cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta.
Tinh ranh hơn, chúng còn dựng chuyện, bịa đặt chuyện con, cháu các đồng chí
lãnh đạo cấp cao có lối sống buông thả, sa hoa, cậy quyền, cậy chức, dẫn đến
suy diễn lung tung, nhảm nhí, gây hiệu ứng xấu, tạo dư luận bức xúc trong nhân
dân.
Cho dù tinh ranh, xảo trá đến
đâu thì “vải màn không che được mắt thánh”, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, phần
lớn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã sớm nhận rõ bản chất của các
thông tin bịa đặt, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ. Nhiều “cư dân mạng” đã lên tiếng
bác bỏ, vạch trần, bóc mẽ những ý đồ xấu xa của các phần tử xấu, cơ hội chính
trị, thù địch, nhất là những kẻ “vong ơn, bội nghĩa”, những kẻ “nuôi ong tay
áo”, lợi dụng những kẽ hở và tiện ích của các trang mạng internet để reo rắc những
hoài nghi, gây chia rẽ nội bộ, đưa ra các thông tin nhảm nhí, “lá cải” gây dư
luận xã hội phức tạp ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị của quốc gia.
Phải thừa nhận rằng, trong số hơn 90 triệu con dân đất
Việt, chưa kể những người sống xa Tổ quốc, vẫn còn một bộ phận nào đó ý thức cảnh
giác, tính tự giác đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc, bịa đặt còn hạn
chế; hiện tượng bàng quan, thờ ơ, thiếu chính kiến đúng đắn trước các thông tin
bịa đặt, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ vẫn tồn tại. Vì thế, chúng ta phải hết sức
cảnh giác, tỉnh táo nhận diện để chủ động phòng ngừa, đấu tranh bác bỏ loại
thông tin này, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải có lập trường tư tưởng vững
vàng, đề cao tinh thần cảnh giác, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhŕ nước;
nhận thức đúng đắn, đầy đủ những thành quả cách mạng, thành tựu trong công cuộc
đổi mới, phát triển đất nước là công sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện khi tiếp nhận, đánh giá thông tin. Đồng
thời, mỗi cán bộ, đảng viên không những phải “tự đề kháng”, miễn dịch trước những
thông tin bịa đặt, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, không để mắc mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ xấu, của các phần tử thù địch mà
còn phải chủ động đấu tranh phản bác, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng.
Phải tỉnh táo nhận diện các thông tin xấu, độc hại, thận trọng trong phát ngôn,
trao đổi thông tin mỗi khi truy cập, tham gia các diễn đàn trên không gian mạng.
Đặc biệt phải coi trọng việc sử dụng các thông tin chính thống, thông tin có định
hướng một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời để giúp các lực lượng đấu tranh
phản bác các luận điểm sai trái, thù địch, phản động một cách chủ động, khoa học,
có sức thuyết phục.
Phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo nhận diện cho được
các trang mạng, website, blog, blogger “đen”, độc hại mà các cơ quan chức năng
cảnh báo, như “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Chân dung quyền lực”, “Thanh niên
Công giáo”, “Hội Thanh niên dân chủ”, “Hội phụ nữ nhân quyền”... những trang
facebook của số đối tượng phản động, cơ hội chính trị như Huỳnh Ngọc Chênh,
Nguyễn Lân Thắng, Lê Thăng Long, Lê Công Định... để thận trọng trong xử lý, đấu
tranh, phản bác. Cần cảnh giác, nhận diện rõ bản chất vấn đề, xác định cho được
thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bởi các thông tin này thường không có thật hoặc
có thật nhưng đã bị bóp méo, nhào nặn, cắt xén, thêm thắt, suy diễn thiếu căn cứ.
Chẳng hạn khi đưa thông tin bịa đặt bôi xấu cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta,
chúng thường “mạnh mồm” tuyên bố “đây là tài liệu bóc từ băng ghi âm”, nhưng kiểm
chứng lại chúng ta thấy ngay dù đã nhiều lần hứa “tung” băng ghi âm song chưa lần
nào chúng làm được việc đó. Hay chúng có thể “mạnh mồm” tuyên bố cán bộ lãnh đạo
cấp cao của Đảng ta “tham ô, tham nhũng”, đưa ra các thông tin thất thiệt về sự
bất minh về kinh tế, gán ghép cho họ có tài sản “kếch xù”, biệt thự sang trọng.
Chỉ khi bị bóc mẽ, ngôi biệt thự đó là của một đại gia ở nước ngoài, đã từng xuất
hiện trên nhiều báo chí mạng thì mọi việc mới vỡ lẽ rằng đó là những thông tin
bịa đặt, xuyên tạc.
Mặt khác, mọi người cũng cần phải cảnh giác, nhận diện
cho được các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ thông qua những nội
dung thể hiện. Thường thì những thông tin này hoàn toàn bằng tông màu “đen”, tất
cả là phê phán, chỉ trích vô căn cứ; hoặc có những thông tin “trung tính”, mạo
danh tên tuổi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là số đã nghỉ hưu,
song lại có những “kiến nghị” đi ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, chính
sách pháp luật của Nhà nước.
3. Chủ động
ngăn chặn và xử lý kịp thời các thông tin xấu độc, phản động trên không gian mạng
Trước các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ
xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải
chủ động ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần chặn đứng âm mưu, thủ đoạn đê
hèn của các phần tử xấu, cơ hội chính trị, thù địch. Cả trước mắt cũng như lâu
dài, chúng ta cần phải chủ động cung cấp thông tin chính thống một cách chính
xác, kịp thời để làm chủ “trận địa thông tin”, chủ động đấu tranh, phản bác, đập
tan âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Các cơ quan chức năng cần có một cơ chế cung cấp thông
tin thật nhanh và chính xác để các cơ quan báo chí - truyền thông, nhất là các
báo mạng đưa thông tin thật nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu của công chúng,
giúp công chúng có cơ sở để nhận diện và loại bỏ những thông tin xấu, độc hại.
Đồng thời, cần phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và có chế
tài pháp luật xử lý nghiêm những trang mạng xấu độc, thông tin vu khống, bịa đặt,
xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự, uy tín cá nhân, quyền công dân
của người khác. Đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định
72 của Chính phủ về “Quản
lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” và sớm
đề nghị Quốc hội thông qua Luật An toàn thông tin để có đủ chế tài và công cụ
pháp lý đủ mạnh để quản lý thông tin trên không gian mạng ở nước ta.
Đẩy mạnh hoạt động “bút chiến”
với các tin, bài sắc sảo phản bác kịp thời các thông tin bịa đặt, xuyên tạc,
chia rẽ nội bộ, không để cho các thông tin xấu, độc hại này có đất sống, bởi sự thật như ánh sáng, ánh
sáng sẽ xua đi mọi góc tối. Cùng với đó, phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh
đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, giáo dục, quản lý, sử dụng, đánh
giá, nhận xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đảng viên thật sự khách quan, trung thực,
chính xác, dân chủ, trọng dụng người tài để hạn chế từ gốc các biểu hiện
tiêu cực, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - yếu tố cơ bản thúc đẩy “diễn
biến hòa bình” của các thế lực thù địch từ trong nội bộ ta.
Bên cạnh đó, cần chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật
để ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu, độc hại từ các trang mạng “đen”. Với
những trang mạng “đen” đặt máy chủ ở nước ngoài, ta khó có thể tác động trực tiếp
bằng luật pháp hay các công cụ quản lý, vì vậy cần sử dụng “tường lửa” để ngăn
chặn, kiểm soát chặt chẽ các thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Với trang mạng trong
nước vi phạm các quy định pháp luật, nhất là để lộ lọt thông tin bí mật nhà nước
hay đăng tải những thông tin sai trái, vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm để tạo
tính răn đe.
Đấu tranh phản bác các thông tin
bịa đặt, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng và hành động
trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng
nhưng hết sức nặng nề của cả hệ thống chính trị. Với tinh thần cảnh giác và sự
tỉnh táo, cùng với những giải pháp phù hợp, chủ động, kịp thời, chắc chắn chúng
ta sẽ đập tan mọi âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, bảo
vệ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp đổi mới công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, trước mắt là bảo vệ tuyệt
đối an toàn đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
T.M.H
P.V.L
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP,
ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về “Quản
lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”.
(2) Phong Linh, Có những tin đồn độc hơn rắn độc, Báo
Dân trí điện tử, ngày 03/11/2015.
(3) Phùng Kim Lân, Báo Quân đội nhân dân với nhiệm vụ đấu tranh
phản bác những quan điểm sai trái trên internet và các trang mạng xã hội, Tạp
chí Khoa học Chính trị quân sự, số 5 (24) tháng 9&10/2015, tr. 88 - 93.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét