Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG VÀ THÚC GIỤC NGUYỄN ÁI QUỐC QUYẾT ĐỊNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC


                                                  -PVL-
-PVM-
Sự kiện ngày 05 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (tên khi còn nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi thành Nguyễn Tất Thành) ra đi tìm đường cứu nước đã diễn ra hơn 100 năm, nhưng mục đích và động cơ của chuyến đi lịch sử này vẫn còn là vấn đề mang tính thời sự. Về phần mình, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” (1). Hơn mười năm sau, Người vẫn nhắc lại quan điểm của mình khi trả lời Nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtam: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái… Người Pháp đã nói thế và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy” (2). Tuy nhiên, một số học giả phương Tây lại có nhận định sai lầm khi họ cho rằng, việc Hồ Chí Minh ra nước ngoài là để tìm kế sinh sống, để mưu cầu danh lợi cá nhân… Nhận định này có thể do hạn chế về thế giới quan, song chủ yếu là ý đồ chính trị đen tối, họ muốn làm giảm giá trị của sự kiện lịch sử này, bôi nhọ và hạ thấp uy tín lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vì vậy, nghiên cứu làm sáng tỏ những nhân tố tác động, thúc giục Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định giá trị lịch sử, đồng thời góp phần làm sáng tỏ thêm nhân cách cao cả, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Chúng ta đều biết, việc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và khát vọng giải phóng dân tộc cháy bỏng, cùng với hoài bão lớn lao của một lãnh tụ thiên tài. Đây chính là động cơ và mục đích của chuyến đi lịch sử ấy. Tuy nhiên, để đi đến quyết định này, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chịu sự tác động và thúc giục của nhiều nhân tố:
1. Tinh thần yêu nước, thương dân, thân dân của gia đình, nhất là ảnh hưởng của người cha đã tác động trực tiếp đến việc hình thành chí hướng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc
Nguyễn Ái Quốc sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước, gần gũi với nhân dân. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan, một người phụ nữ đảm đang, hiền lành, chịu thương chịu khó và giàu lòng nhân ái. Thân phụ là ông Nguyễn Sinh Sắc, một vị Phó bảng, một nhà nho yêu nước, thương dân, có ý chí và nghị lực kiên cường. Sinh trưởng trong một gia đình như vậy đã sớm thắp sáng trong tâm hồn Nguyễn Ái Quốc tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, tình cảm sâu sắc với người dân lao động đang chịu cảnh “nước mất, nhà tan”, “một cổ hai tròng”. Tình cảm yêu nước, thương dân của Nguyễn Ái Quốc được bồi đắp và không ngừng lớn lên do Người chịu ảnh hưởng từ tư tưởng và nhân cách của người cha. Ông Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải chịu nhiều vất vả thiệt thòi. Có tài, có chí, thông minh, hiếu học, mà không được học. Nhờ có bà con làng xóm đùm bọc, nhờ sự giúp đỡ của gia đình cụ Hoàng Đường (ông ngoại của Bác), của người vợ hiền tần tảo; nhờ có trí cao, nghị lực mạnh, kiên trì theo đuổi học hành thi cử, cuối cùng ông đã đạt được chí hướng - đỗ Phó bảng vào năm 1901. Trong 05 năm dạy học ở quê nhà, ông Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện đi sâu tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cùng nhân dân lao động, giao du tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân… Những nơi ông đến đều là những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi và anh dũng. Những người ông kết giao đều là những người có lòng yêu nước, có chí cứu nước.
Trong gia đình, Nguyễn Sinh Cung là người được ông đặt nhiều hy vọng nhất và khi đỗ Phó bảng ông đã đổi tên Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Thành với hy vọng sau này con sẽ thành đạt. Đi đến đâu ông cũng thường cho Nguyễn Tất Thành đi cùng. Nhờ vậy, mọi việc làm, lời nói, cử chỉ hàng ngày của cha và của những người bạn của cha đều tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt, những cuộc đàm luận với các sĩ phu yêu nước đã có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành, góp phần giúp cho người thanh niên trẻ có thêm nhiều suy nghĩ về con đường sẽ lựa chọn.
Thời kỳ này, phong trào yêu nước phát triển mạnh trên phạm vi cả nước với nhiều khuynh hướng khác nhau. Ông Nguyễn Sinh Sắc đi nhiều, thăm dò, đàm luận, đắn đo suy nghĩ nhưng không nghiêng hẳn về một xu hướng nào. Vì thế, ông không hành động theo một tổ chức nào, kể cả phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, người bạn chí thân của ông. Cũng vì thế mà Nguyễn Tất Thành từ chối con đường Đông Du ngay từ khi cụ Phan Bội Châu có ý muốn đưa mình sang Nhật du học. Nguyễn Tất Thành đã ở lại với cha trong ngôi nhà ấm cúng và bắt đầu tham gia những hoạt động yêu nước.
Tư tưởng thương dân và thân dân của ông Nguyễn Sinh Sắc là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc nhất, quyết định nhất đối với sự hình thành chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành. Lòng thương dân, thân dân có gốc rễ sâu xa từ trong chính cuộc đời ông, từ nghèo khổ mà đi lên, chịu ơn sâu nghĩa nặng của nhân dân. Ông hiểu rất rõ nỗi khổ của nhân dân, với nỗi niềm thương dân vô hạn, trước khi vào Huế nhận chức “Thừa biện Bộ Lễ”, ông chỉ để lại một ít ruộng cho con gái, còn một nửa ông bán lấy tiền, giúp cho những người dân trong làng có người thân phải đi phu. Trong thời gian làm quan ngắn ngủi, ông vẫn luôn đứng về phía nhân dân, trừng trị bọn cường hào, tổng lý hay ức hiếp dân để bênh vực cho những người dân nghèo. Tư tưởng tiến bộ, nhân cách cao thượng của người cha đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và đậm nét trong Nguyễn Tất Thành từ lúc thiếu thời, sớm làm nảy nở tình yêu nước, thương dân và chí hướng cách mạng ở Người.
Rõ ràng, truyền thống gia đình, đặc biệt là nhân cách và những tư tưởng tiến bộ của người cha chính là cội nguồn cho chí hướng cách mạng và hoài bão ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Ái Quốc.
2. Truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương đã nuôi dưỡng và tiếp thêm nguồn sức mạnh cho tinh thần yêu nước, thương dân và chí hướng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An giầu truyền thống văn hiến và cách mạng. Cư dân ở đây, từ thế hệ này qua thế hệ khác đã tôi luyện được tính cách khác thường, một nét văn hóa rất riêng đó là truyền thống hiếu học với nhiều dòng họ, nhiều làng học nổi tiếng, đã sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lương thần, nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đã để lại nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Quê ngoại của Nguyễn Ái Quốc là làng Hoàng Trù (làng Chùa), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời ấy, đất Hoàng Trù rất nghèo, nắng lên là hạn, mưa to là lụt. Người dân vừa phải làm ruộng một nắng hai sương, vừa phải làm nhiều nghề phụ khác mà cuộc sống vẫn gian nan, vất vả. Quê nội của Người là làng Kim Liên (làng Sen) cách Hoàng Trù khoảng 02 km. “Tuy nghèo nhưng Kim Liên mang truyền thống hiếu học của xứ Nghệ. Từ năm 1635 đến năm 1918, qua 96 khoa thi Hương và thi Hội, làng Kim Liên đã có 53 người đỗ đạt” (3). Nho sĩ ở làng Kim Liên khá đông và làng trở thành nơi thường xuyên lui tới của các nho sĩ quanh vùng.
Không chỉ giầu truyền thống hiếu học, cần cù trong lao động, tình nghĩa trong cuộc sống mà người dân nơi đây còn giàu truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm với nhiều tấm gương được ghi vào sử sách như Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Xuân Hành, Nguyễn Sinh Quyết...
Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thấm đẫm truyền thống văn hiến và cách mạng kiên cường, bất khuất; lại được tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp, bóc lột cùng cực của đồng bào ngay trên mảnh đất quê hương, càng làm cho tinh thần yêu nước, thương dân của Nguyễn Tất Thành ngày một lớn mạnh. Đây chính là những “chất liệu quan trọng”, là nguồn sức mạnh “vô hình” tiếp tục nuôi dưỡng, hun đúc thêm chí hướng cách mạng và thúc giục Người cần phải ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho đồng bào.
3. Những tư tưởng tiến bộ của các thầy giáo, các bậc sĩ phu yêu nước đã tiếp thêm sức mạnh và thôi thúc Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước
Truyền thống gia đình và quê hương là “mảnh đất tốt” ươm mầm và làm nảy nở tinh thần yêu nước, thương dân và chí hướng cách mạng ở Nguyễn Tất Thành. Song, tinh thần ấy lại tiếp tục được nuôi dưỡng và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn từ sự ảnh hưởng bởi những tư tưởng tiến bộ của các thầy giáo trong các nhà trường mà Người được học, của các bậc sĩ phu yêu nước mà Người được gặp hoặc qua các “tân văn”, “tân thư” mà Người được đọc.
Khi còn nhỏ, Nguyễn Tất Thành được cha gửi sang học chữ Hán ở nhà thầy Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý và Trần Thân ngay trong làng Kim Liên. Mặc dù sống trong sự dò la, kiểm soát của bộ máy thống trị từ làng đến tỉnh, nhưng thầy Quý không hề ngần ngại dạy cho học trò tư tưởng yêu nước, thương dân và “chí làm trai phải giúp ích cho đời”. Nhà thầy còn là nơi thường xuyên lui tới của các sĩ phu yêu nước trong vùng. Nguyễn Tất Thành được thầy sai tiếp nước cho các vị khách đặc biệt, nhờ đó Nguyễn Tất Thành dần dần hiểu thêm về thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất, nhà tan.
Năm 1902, khi theo cha vào dạy học ở Võ Liệt, huyện Thanh Chương, qua những cuộc tiếp xúc của cha với các thân sĩ trong vùng đã giúp cho Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn sự trăn trở về con đường cứu nước, cứu dân của các bậc cha anh. Theo lời khuyên của ông nghè Nguyễn Quý Song: “Muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù” (4), Nguyễn Tất Thành được cha gửi vào học ở lớp dự bị trường Vinh. Tại đây, Nguyễn Tất Thành chú ý đến ba từ được sơn vào gỗ gắn ở phía trên bảng đen “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRANTERNITÉ” nghĩa là “TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI”, đó là câu khẩu hiệu nổi tiếng của cuộc Đại Cách mạng Pháp năm 1789. Những điều này hoàn toàn mới lạ, khác với những điều mà Cậu đã được học trong sách Thánh hiền. Vì vậy, Nguyễn Tất Thành nảy ra ý muốn “tìm xem những gì ẩn dấu sau những chữ ấy” (5). Tuy nhiên, chưa hết năm học, Nguyễn Tất Thành đã phải nghỉ học để chuẩn bị theo cha vào Huế.
Khi vào Huế, Nguyễn Tất Thành được cha gửi vào học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, rồi trường Quốc học Huế. Đây là một quyết định rất riêng của ông Nguyễn Sinh Sắc. Bởi vì, tại thời điểm này, đa số các nhà nho đều không muốn cho con cái mình vào học trường Pháp - Việt, vì vào đây phải học chữ Pháp, bỏ mất chữ Nho, là “chữ Thánh hiền”. Đi học ở những ngôi trường này là điều kiện tốt để Nguyễn Tất Thành trực tiếp tiếp xúc với nền giáo dục mới nói riêng và nền văn minh phương Tây nói chung. Và quan trọng hơn, Nguyễn Tất Thành muốn tận mắt thấy những kẻ luôn miệng nói “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” thực chất là như thế nào?
Các thầy giáo có cả người Pháp và người Việt không chỉ dạy về kiến thức văn hóa, mà còn dành nhiều thời gian để nói chuyện với học sinh về những thành tựu dân chủ, văn minh của phương Tây, kích thích lòng ham hiểu biết của học sinh. Nhờ những ảnh hưởng của các thầy giáo tân học và những trang sách báo tiến bộ mà ý muốn sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành. Thời gian đó, Nguyễn Tất Thành đã tìm đọc sách báo từ nước Pháp chuyển vào Việt Nam. Chú ý theo dõi những lời nói và việc làm của người Pháp ở trường và cả những người Pháp đang làm việc trong cái mà bọn chúng gọi là “Chính phủ bảo hộ”. Càng học, Người càng hoài nghi về những “mỹ từ” đẹp đẽ do người Pháp nêu ra và Người nhận thấy, “thiên đường trường học” này không phải để giáo dục cho thanh niên Việt Nam một nền học vấn tốt đẹp, chân thật, mở mang trí tuệ, phát triển tư tưởng tự do như bọn Pháp thường nói. Ngược lại, mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục hoàn toàn khác lạ với những điều kể trên. Điều này càng làm cho Người suy nghĩ và nung nấu chí hướng, quyết tâm phải ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Nhiều người cùng học với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lúc còn niên thiếu đã có nhận xét: “Việc dạy dỗ của thầy là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành tư tưởng sang Tây chứ không phải sang Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (6).
Bên cạnh đó, vốn là một người ham học, ham hiểu biết, Nguyễn Tất Thành thường say mê đọc những cuốn tiểu thuyết lịch sử cổ đại của Trung Quốc như Tam Quốc chí, Tây du ký…, hay các tác phẩm văn học cổ điển của Việt Nam như Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều và kể cả những câu chuyện về các nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc… Tất cả những kiến thức đó giúp Người làm giầu hơn vốn tri thức của mình, góp phần nuôi dưỡng và bồi đắp thêm lòng yêu nước, thương dân cũng như hun đúc hoài bão lớn lao của Người - ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
4. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhân tố tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc
Hằng ngày, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy xung quanh toàn cảnh đói, nghèo, khổ ải. Bọn quan lại đặt ra đủ các thứ thuế và chúng thu ngày càng tăng lên. Bọn hào lý thì tham nhũng vô bờ, ra sức bóc lột nhân dân không thương tiếc. Đặc biệt, thực dân Pháp ra sức vơ vét tài nguyên và đàn áp các phong trào nổi dậy đấu tranh của nhân dân ta. Hiện thực này tác động mạnh mẽ tới tư tưởng và tình cảm của Người.
Năm 1908, Người đã trực tiếp tham gia phong trào chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế. Cuộc đấu tranh mặc dù mang tính chất ôn hòa nhưng vẫn bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp dã man. Chúng chém đầu hai người cầm đầu cuộc biểu tình ở huyện Hương Thủy. Một số sĩ phu yêu nước đã bị chúng cầm tù và lưu đầy biệt xứ… Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ký của mình đã viết: “Vào thời kỳ này (tức 1908) phong trào đấu tranh ở Huế rất sôi nổi… Đồng bào các nơi kéo về Huế biểu tình suốt mấy ngày liền, đòi giảm thuế. Pháp đưa lính đồn Mang Cá xả súng bắn vào những người dân không tấc sắt. Nhiều người bị đẩy xuống sông, máu đỏ loang trên cầu Trường Tiền” (7). Chính việc tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống thuế ở Trung Kỳ là minh chứng bước đầu khẳng định những chuyển biến về chất ở Nguyễn Tất Thành, từ nhận thức yêu nước đến hành động yêu nước.
Năm 1911, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, Người chứng kiến thêm nhiều điều mới lạ, nhất là sự đối lập giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và những người dân mất nước. Cảnh ăn chơi xa hoa, phù phiếm dành riêng cho người Pháp, còn người dân Việt Nam thì đa số vẫn rách rưới, lam lũ, khổ cực trong kiếp “ngựa trâu tôi tớ”, làm đủ các nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác…, sống chui rúc trong các túp nhà lụp xụp, tối tăm.
Những sự kiện mà Nguyễn Tất Thành được tham gia và chứng kiến đã khiến Người ngày càng trăn trở suy nghĩ, “làm thế nào để cứu nước, cứu dân”. Câu hỏi đó, ngày một lớn dần lên và không ngừng thúc dục, nung nấu trong tâm trí của Người. Với lòng yêu nước, thương dân cháy bỏng cùng với tuy duy sắc sảo, nhạy bén, Người đã tìm cho mình một hướng đi riêng, đó là quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước, cứu dân.
Như vậy, từ truyền thống của gia đình, quê hương, dân tộc; từ những tri thức, tư tưởng tiến bộ mà Nguyễn Tất Thành tiếp thu được ở các nhà trường, ở các thầy giáo và đặc biệt từ những điều mà Người trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm đã làm nảy nở, bồi đắp, hun đúc, nhân lên lòng yêu nước, thương dân và khát vọng giải phóng dân tộc. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (8). Ham muốn đó thật cao cả và vĩ đại, thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, một hoài bão lớn lao, một khát vọng cháy bỏng, một tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Đây chính là những nhân tố cơ bản tác động và thúc giục Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Trẻ - Nxb CTQG, H, 2005, tr. 14.
(2) Theo Ôxíp Manđenxtam, “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc”, Báo Đốm Lửa (Liên Xô) số 39, ngày 23-12-1923.
(3) Song Thành, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2010, tr. 21.
(4) Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb Sự thật, H, 1985, tr. 61.
(5) Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2006, tập 1, tr. 41.
(6) GS Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng (chủ biên), Vàng trong lửa - Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam Tổ quốc, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, tr. 54.
(7) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn hóa, H, 1977, tr. 325.
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 15, tr. 627.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét