Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC ĐƯỜNG LỐI, HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

PHÙNG VĂN LẬP
Thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, trong thời gian qua, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển quan trọng, góp phần tiếp tục khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đem lại những điều kiện thuận lợi to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh một nước Việt Nam quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, giữ vững độc lập chủ quyền; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, yêu chuộng hoà bình, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đang ngày càng được khẳng định.
          Thành quả đó vừa phản ánh sự đúng đắn về đường lối đối ngoại, đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta, sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong cả nước; vừa đem lại niềm tự hào cho dân tộc ta về ý chí vươn lên, khẳng định mình trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, phức tạp, diễn biến khó lường. Chúng ta đang ngày càng có vị trí, vị thế xứng đáng, uy tín và tiếng nói được tôn trọng trong các quan hệ, diễn đàn quốc tế.
          Trước thực tế ấy, trong khi đa số người Việt Nam ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài vui mừng, thì một bộ phận nhân danh “những người yêu nước”, quan tâm đến “vận mệnh đất nước” lại tỏ ra “quan ngại”, “lo lắng” với những lý do bất bình thường. Họ bàn luận, bình luận khá nhiều vấn đề, trong đó, điều đáng buồn là có khá nhiều luận điệu thiếu thiện chí, xuyên tạc trắng trợn đường lối, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Họ cho rằng, những hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta “mù mờ do bị chi phối bởi ý thức hệ lạc hậu”, rằng, “không minh bạch về mục đích, phương hướng”. Họ cho rằng đó là thủ đoạn ngoại giao “Bắt cá hai tay”, là “Biểu hiện sự hoảng sợ trước sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc, nên phải cố tìm ra đối trọng”,...Rằng, “Không ai muốn can thiệp khi Việt Nam bị lâm nguy, do sợ phật lòng những đối tác chiến lược khác”(!).
Chúng ta không loại trừ trong số những người đưa ra những luận điệu này có người là do sự ngộ nhận, a dua do thiếu cân nhắc, thiếu thông tin, hoặc hiểu chưa đầy đủ, phiến diện về đường lối, hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng tỉnh táo để khẳng định rằng, hầu hết những người tung ra những luận điệu này đều tỏ rõ sự thiếu thiện chí, tỏ rõ ý đồ cố tình xuyên tạc, phá hoại đường lối, phủ nhận kết quả hoạt động đối ngoại của chúng ta.

Bản Hiến pháp hợp lòng dân

     Ngày 28/11/2013 tại Thủ đô Hà Nội, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết nhất trí thông qua bản Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bổ sung, sửa đổi năm 2013 - sau đây gọi tắt là Hiến pháp năm 2013). Đây là bản Hiến pháp lần thứ 5 của nước ta cho đến thời điểm này, tiếp nối các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992. 
     Mỗi bản Hiến pháp đều có vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử riêng ở những thời điểm lịch sử rất khác nhau. Do đó, có thể khẳng định việc so sánh giữa các bản Hiến pháp của nước ta hoặc giữa Hiến pháp năm 2013 của nước ta với Hiến pháp của một số nước trên thế giới cũng cần phải cân nhắc và thận trọng.
     Tuy nhiên, nếu xét về nội dung, quy trình, thủ tục và kỹ thuật lập pháp thì ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy, bản Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới, tiến bộ, hiện đại và đặc biệt là đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận nhân dân Việt Nam. Thế nhưng, có một điều “kỳ lạ” là, vẫn có một số người dù cố tình hay “vô ý” vẫn lên tiếng phản đối trực tiếp hoặc gián tiếp bản Hiến pháp này, nhất là trên các trang mạng xã hội, trên Internet và một số tài liệu tán phát ở cộng đồng dân cư dưới các luận điểm kiểu như: “Bản Hiến pháp mới không có gì mới”, “Quá trình lấy ý kiến nhân dân và biểu quyết thông qua ở Quốc hội chỉ là hình thức”, “Hiến pháp 2013 không đại diện cho đa số người dân Việt Nam”...

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - NGƯỜI LÃNH ĐẠO DUY NHẤT CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Tô Xuân Sinh
Hiện nay, có không ít các bài viết được đăng trên một số báo ở hải ngoại, trên mạng internet, các tài liệu truyền tay lớn tiếng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn khả năng độc quyền lãnh đạo đất nước, vì thế cần bỏ Điều 4 trong Hiến pháp về quyền lãnh đạo của Đảng; rằng, hiện nay đất nước đang bế tắc về phát triển kinh tế nên đã đến lúc phải có một “lực lượng chính trị mới” lãnh đạo đất nước chứ không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam v.v... Tóm lại, họ muốn Đảng Cộng sản Việt Nam thôi giữ vai trò lãnh đạo xã hội Việt Nam, nhường quyền lãnh đạo dân tộc cho một “lực lượng chính trị mới”, có uy tín và năng lực hơn!
Vậy, phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự hết vai trò lịch sử, không còn đủ năng lực lãnh đạo đất nước? “Lực lượng chính trị mới” ấy là lực lượng nào? Họ đại diện cho giai cấp nào, tầng lớp nào trong xã hội ta? Mục tiêu, cương lĩnh xây dựng đất nước của họ ra sao? Phải chăng tác giả của những luận điểm trên “thành tâm lo cho dân cho nước”, “muốn đem trí tuệ và tài năng cống hiến cho đất nước” hay đó chỉ là một thủ đoạn chính trị, một mục tiêu chính trị phản động nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, dẫn dân tộc vào con đường nô lệ? Mỗi người Việt Nam trong thời điểm hiện nay phải thực sự nghiêm túc trả lời câu hỏi: tương lai của dân tộc ta sẽ như thế nào nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu như có một “lực lượng chính trị mới” nắm quyền lãnh đạo đất nước?
Trước hết cần khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không phải đã hết vai trò lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà vai trò đó ngày càng tăng. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam là sứ mệnh lịch sử mà dân tộc, giai cấp công nhân, nhân dân lao động trao cho Đảng, đó là sự lựa chọn sáng suốt của lịch sử. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước đã phát triển rất mạnh mẽ, sôi nổi nhưng đều thất bại, nhiều nhà yêu nước muốn tìm đường cứu nước, cứu dân tộc nhưng đều không thành. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đáp ứng sự đòi hỏi của lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện được lý luận cách mạng - chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường thực sự là lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam. Với mục tiêu đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, một xã hội không còn áp bức giai cấp, không còn tình trạng người bóc lột người, nhân dân làm chủ xã hội, làm chủ cuộc sống của mình, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhân dân ta, dân tộc ta hết lòng ủng hộ, một lòng tin theo Đảng. Trong suốt quá trình cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hàng vạn đảng viên cộng sản đã hy sinh trong ngục tù của thực dân, đế quốc, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, lợi ích của dân tộc, của nhân dân, kiên quyết một lòng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, trong khi các đảng phái của các giai cấp khác, các lưc lượng chính trị khác đếu tự tan rã, hoặc không được nhân dân ủng hộ, không thực hiện được mục tiêu chính trị mà họ đề ra.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng đã khẳng định rằng, chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đủ bản lĩnh, năng lực uy tín kinh nghiệm được lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội - chủ nghĩa thành công. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ thể hiện bản lĩnh kiên cường, tầm trí tuệ trong lãnh đạo đấu tranh cách mạng, trong tiến hành chiến tranh giải phóng đánh đuổi thực dân, đế quốc sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà còn thể hiện bản lĩnh, tâm trí tuệ trong lãnh đạo kinh tế, xây dựng đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế như hiện nay. Tuy còn có những vấp váp, những khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế nhưng đó là những bài học kinh nghiệm làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng dày dạn hơn, vững vàng hơn, lãnh đạo đất nước vững bước trên con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

BÁC BỎ MỘT QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

                                                                     VŨ NHƯ KHÔI

Gần đây, ở trong nước và nước ngoài, một số người nêu danh “nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”, đã truyền bá luận điểm tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc. Họ giải thích tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng đấu tranh giai cấp, không có tư tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ tiền đề này, họ rút ra kết luận:
- Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin vì tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc, còn chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận đấu tranh giai cấp.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam vì tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc, còn đường lối của Đảng là theo tư tưởng đấu tranh giai cấp “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản và của lãnh tụ các Đảng cộng sản lớn.
Thông qua lịch trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh cùng những điều chỉnh Người nói về tư tưởng của mình, chúng ta hãy xem luận điểm trên có phải là “tìm tòi sự thật” hay là sự xuyên tạc lịch sử?
Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nghĩa tình nhân đức và thiết tha yêu nước. Người được chứng kiến sự tàn bạo của thực dân, phong kiến và bản thân cũng lớn lên trong khổ đau, hoạn nạn. Vì thế, Hồ Chí Minh sớm có lòng yêu nước, thương dân. Hồ Chí Minh khâm phục tinh thần xả thân vì nước của các bậc tiền bối trong cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh... nhưng với nhãn quan chính trị độc lập và sáng suốt, Người không tán thành con đường cứu nước của các cụ vì mỗi con đường đó đều có hạn chế, khó có thể đi đến thành công. Hồ Chí Minh đi tìm con đường cứu nước mới với hành trang chỉ là chủ nghĩa yêu nước truyền thống và một trí tuệ mẫn tiệp. Trải qua gần mười năm bôn ba khắp bốn biển năm châu, nung nấu chí hướng cứu nước cứu dân, vừa lao động cùng những người anh em chung cảnh ngộ, vừa hoạt động cách mạng, vừa học hỏi các tư tưởng mới..., nhận thức của Hồ Chí Minh chuyển biến từng bước. Mùa thu năm 1920, Hồ Chí Minh được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin chỉ rõ cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Đó là chân lý của thời đại, là giải đáp tuyệt vời điều Hồ Chí Minh đang trăn trở, tìm tòi. Từ đây, Hồ Chí Minh xác định muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Cũng từ đây, Hồ Chí Minh tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết bất hủ chỉ ra con đường giải phóng giai cấp vô sản và các giai cấp lao động khác, giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người, trở thành một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Sự chuyển biến tư tưởng từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa yêu nước theo lập trường giai cấp vô sản là một quá trình hợp quy luật. Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng coi việc chủ nghĩa yêu nước truyền thống Hồ Chí Minh bắt gặp chữ nghĩa Mác - Lênin là cuộc “hẹn gặp lịch sử”, hoàn toàn không phải như có người cố tình xuyên tạc rằng đó là một sự lai ghép cưỡng bức, vội vàng giữa cái cây truyền thống với cái mầm ngoại nhập”, tạo thành một “ảo ảnh”, mang “tính chất huyễn diệu”... !
Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về quá trình đó như sau:
Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác- Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh không thụ động, mà dùng lập trường, quan điểm, phương pháp Mác - Lênin, vận dụng và phát triển những nguyên lý, quy luật chung của cách mạng thế giới vào đặc điểm tình hình các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Những luận điểm về chủ nghĩa đế quốc như một con đỉa có hai vòi, tính chủ động và khả năng thành công trước của cách mạng thuộc địa, nội dung chủ yếu của cách mạng thuộc địa, quy luật thành lập Đảng ở các nước thuộc địa, v.v...là những cống hiến lý luận to lớn của Hồ Chí Minh đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.

CÁI NHÌN THIẾU THIỆN CHÍ CỦA RSF VỀ TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Dựa trên những thông tin thiếu khách quan, không trung thực, bóp méo sự thật, Bản phúc trình mang tên Chỉ số tự do báo chí 2014, của cái gọi là Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporteurs Sans Frontieres - RSF) đã xếp Việt Nam đứng gần chót trên tổng số 180 nước trên thế giới. Lý do mà họ đưa ra không có gì khác là Việt Nam kiểm soát và ngăn chặn internet, bắt giữ, giam cầm các bloggers có tiếng nói đối lập, v.v…
Đây không phải lần đầu tiên RSF đưa ra cái nhìn thiếu thiện chí, nhận xét sai lệch về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Hành động của những người đang nắm quyền điều hành RSF lộ rõ ý đồ, động cơ chính trị không tốt đối với Việt Nam. Cần phải khẳng định, sự thật về tự do báo chí ở Việt Nam trái ngược hẳn với những gì mà RSF đưa ra.
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khai thác, sử dụng internet phục vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do cơ bản của nhân dân. Theo tinh thần ấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về tự do báo chí, tự do internet. Kết quả khảo sát của WeAreSocial - một tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu đã cho thấy, tính đến tháng 12-2012, số người dùng internet ở Việt Nam là 30,8 triệu người (tăng 10,8 triệu người so với năm 2008), chiếm 34% dân số (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%). Việt Nam hiện có hơn 3 triệu người dùng blog cá nhân để bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội, tổ chức các diễn đàn thảo luận, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi các góp ý, kiến nghị đến các cơ quan chức năng... Tổ chức Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 8 châu Á về số lượng người sử dụng internet. Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và internet cho thấy, quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam đã có bước cải thiện và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận trong một số trường hợp, phù hợp với Công ước về các quyền dân sự và chính trị, nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức của xã hội.
Những trường hợp mà RSF gọi là “các bloggers có tiếng nói đối lập” thực chất, họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Lợi dụng đặc tính lan truyền nhanh, rộng và khó kiểm soát của thông tin trên mạng, những đối tượng đó đã xem internet là một trong những công cụ để tuyên truyền xuyên tạc các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời, truyền bá những luận điệu phản động gây hoang mang trong xã hội... nhằm chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân Việt Nam. Các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, xử lý họ là vì họ vi phạm pháp luật.
Những thành tựu về tự do báo chí nói chung, tự do internet nói riêng của Việt Nam là không thể phủ nhận. Những tiến bộ đó được sự ghi nhận, đánh giá cao của dư luận quốc tế. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào về những thành quả của mình và kiên quyết đấu tranh, phản bác mọi suy nghĩ, hành động xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tự do báo chí nói chung, tự do internet nói riêng ở Việt Nam./.

KIM NGỌC

VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ MÙA XUÂN NĂM 1975

                                                                                                                              
-PVL-
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ 39 năm, tuy vậy đối với nhân loại tiến bộ, đối với nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chính trị gia trong nước và quốc tế, hẳn sẽ còn tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi, đi sâu tìm tòi, phân tích, đánh giá nhiều hơn nữa về cuộc chiến tranh của Mỹ tiến hành ở Việt Nam; đặc biệt là thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975.
Sáng 30/4 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3
đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh tư liệu).
     Trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến ngày 30/4/1975), về cơ bản các ý kiến từ trước đến nay đều thừa nhận vai trò của bộ đội chủ lực, của các lực lượng vũ trang địa phương và sức mạnh quyết định của đòn tiến công về quân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, một trong những nhân tố rất quan trọng làm nên chiến thắng này chính là vai trò của quần chúng, nhất là sức mạnh của các đòn tiến công và nổi dậy của quần chúng nhân dân trong Chiến dịch.

Xe tăng T59 số hiệu 390 thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 húc đổ cổng Dinh Độc lập,
trưa ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Nhận diện, đấu tranh với các loại quan điểm sai trái, thù địch

GS, TS Vũ Văn Hiền
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (13/12/13)
Đấu tranh bác bỏ những luận điệu thù địch, sai trái với quan điểm, đường lối của Đảng, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng hiện nay.
Bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay đang có những biểu hiện mới. Tình hình chính trị thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi quá trình “hậu khủng hoảng”. 
Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi hết sức cơ bản, nền kinh tế nước ta đang phát triển chậm lại, đời sống xã hội có những vấn đề nổi cộm. Trong khi đó, quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế đang được thúc đẩy mạnh mẽ đi vào chiều sâu; an ninh biển đảo đang đứng trước những thách thức to lớn; các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta. 
Tình hình đó đặt ra những trách nhiệm nặng nề đối với cuộc đấu tranh tư tưởng, trong đó cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch càng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu. Để thực hiện tốt trọng trách này, vấn đề nhận diện các loại quan điểm sai trái, thù địch là hết sức cần thiết. Sau đây, xin nêu những dạng quan điểm sai trái, thù địch để có những giải pháp xử lý cụ thể và thích hợp.