Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỔ ĐỘNG THAO TRƯỜNG TRONG HUẤN LUYỆN Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ?

-PVL-
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cổ động thao trường (CĐTT) là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác tư tưởng nói riêng và công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện nói chung. Những năm qua, hoạt động CĐTT luôn được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhất là cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp rất quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Tuy vậy, thời gian qua ở một số đơn vị hoạt động CĐTT còn nhiều hạn chế, bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết là nhận thức của một số lãnh đạo, chỉ huy về vị trí, ý nghĩa, nội dung và hình thức hoạt động CĐTT còn chưa đầy đủ. Một số cán bộ, chiến sĩ cho rằng công tác CĐTT chỉ là của cán bộ chính trị, của Đoàn thanh niên, nó chỉ đơn thuần là những pa nô, khẩu hiệu, băng rôn hay đơn giản là các hoạt động đọc báo, văn hóa văn nghệ, trò chơi quân sự… phục vụ cho nhu cầu giải trí của bộ đội trong các giờ nghỉ trên thao trường, bãi tập. Vì vậy, sự đầu tư về kinh phí, vật chất cũng như chỉ đạo, xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động CĐTT chưa được chú ý đúng mức, hình thức hoạt động nghèo nàn, đơn điệu; cá biệt có đơn vị không tiến hành CĐTT trong huấn luyện ngoài thao trường, bãi tập.
Mặt khác, thao trường, bãi tập hiện nay của nhiều đơn vị đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản một số đơn vị vẫn phải thuê, mượn đất canh tác của nhân dân địa phương. Trong khi đó số lượng các đề mục huấn luyện trên thao trường, bãi tập đều đòi hỏi cường độ cao, vật chất bảo đảm cho huấn luyện nhiều trong khi vật chất, phương tiện cho hoạt động CĐTT còn thiếu thốn… đây là những khó khăn, bất cập cho việc tiến hành hoạt động CĐTT trong huấn luyện. Khắc phục những bất cập, hạn chế trên, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là thay đổi về nhận thức trong lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trong cán bộ, chiến sĩ và cơ quan chính trị các đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động CĐTT… theo chúng tôi cần tập trung vào thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp, trực tiếp là cán bộ đại đội, trung đội nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, nội dung, hình thức, phương pháp CĐTT: Cổ động thao trường chính là nội dung, hình thức của công tác tuyên truyền, cổ động; là nội dung và hình thức của công tác tư tưởng; công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ. Nội dung, hình thức phải phong phú, phương pháp phải linh hoạt, sáng tạo, sát đối tượng, sát đề mục huấn luyện và điều kiện của đơn vị. CĐTT không chỉ tiến hành trong giờ nghỉ giải lao trên thao trường, bãi tập, mà diễn ra cả trước, trong và sau các đề mục huấn luyện. Những bài hát trên đường ra bãi tập, những pa nô, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc, cờ Đoàn, hòm báo, tủ sách thao trường, những mẩu chuyện kẻ về kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện, những trò chơi quân sự… đều là những nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động CĐTT. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trước khi đưa bộ đội đi huấn luyện các nội dung trên thao trường, bãi tập phải quán triệt đầy đủ cho họ về ý thức trách nhiệm trong tham gia hoạt động CĐTT, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiến hành CĐTT có chất lượng.
Hai là, xây dựng kế hoạch hoạt động CĐTT cụ thể, sát đúng: Căn cứ nội dung huấn luyện, đối tượng, thời gian và điều kiện đơn vị để xác định nội dung, hình thức và phương pháp CĐTT cho phù hợp với hình thức huấn luyện, nhất là các nội dung huấn luyện về chiến thuật, kỹ thuật. Huấn luyện chiến thuật ở hình thức chiến đấu tiến công, vật chất và vũ khí trang bị nhiều, bộ đội thường xuyên cơ động, tình huống đa dạng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bộ đội… hoạt động CĐTT nên dùng các nội dung, hình thức, biện pháp nhẹ nhàng, vui nhộn như (nói chuyện, kể chuyện về kinh nghiệm chiến đấu, gương chiến đấu dũng cảm, một số tiết mục văn nghệ, tổ chức đọc báo…) để khuyến khích bộ đội cố gắng và thi đua trong huấn luyện. Với hình thức chiến đấu phòng ngự, bộ đội ít di chuyển, có thể vận dụng tổ chức các trò chơi quân sự, kéo co. Trường hợp trong thực hành bắn đạn thật, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ, vấn đề tâm lý là rất quan trọng… hoạt động CĐTT có thể dùng các nội dung, hình thức và biện pháp gây khí thế sôi nổi, quyết tâm cao, bình tĩnh tự tin cho bộ đội như: Trên thao trường trang trí các băng rôn, khẩu hiệu, trên mũ cứng của bộ đội có khẩu hiệu bướm, tổ chức hệ thống loa truyền thanh cầm tay để chỉ đạo và tuyên truyền. Tổ chức gắn hoa điểm 10 cho những cá nhân “bắn-đánh-ném” đạt giỏi, những đồng chí kiểm tra đạt kết quả cao ngay tại thao trường để kịp thời biểu dương khích lệ bộ đội, tổ chức rút kinh nghiệm cho những đồng chí kiểm tra sau đạt kết quả tốt hơn.
Ba là, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm và năng lực cho lực lượng nòng cốt: Mỗi đại đội cần thành lập tổ nhóm tuyên truyền, cổ động; nhóm hoạt động sách báo, tin nội bộ; nhóm văn nghệ quần chúng… mỗi tổ nhóm có từ 2 – 3 cán bộ, chiến sĩ, lựa chọn những đồng chí có kinh nghiệm, có năng khiếu và ý thức trách nhiệm cao, được cán bộ chính trị đơn vị bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Đây chính là lực lượng nòng cốt của đơn vị trong hoạt động CĐTT trong huấn luyện.

Bốn là, cơ quan chính trị thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động CĐTT: Hiện nay một số đơn vị trong toàn quân không có tủ sách, hòm báo thao trường. Hoặc tổ chức hoạt động mang tính tự phát nên chất lượng, hiệu quả không cao. Có đơn vị tận dụng cặp sách của cán bộ để mang sách, báo ra thao trường; số lượng báo chí và sách tham khảo chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ nhất là các đại đội đủ quân; hệ thống băng cờ, khẩu hiệu và vật chất phục vụ hoạt động CĐTT còn hạn chế. Việc theo dõi, kiểm tra và chấm điểm thi đua về hoạt động CTĐ, CTCT của cơ quan chính trị trong huấn luyện, trong đó có hoạt động CĐTT ở một số đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó việc thiếu nội dung, phương pháp tiến hành hoạt động CĐTT của cán bộ đơn vị, nhất là cán bộ trung đội, tiểu đội… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động này, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong đơn vị để tổ chức tốt hoạt động CĐTT. Cơ quan chính trị cần tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy về tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động CTĐ, CTCT nói chung và hoạt động CĐTT nói riêng, đồng thời bổ sung cơ sở vật chất để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐTT trong huấn luyện tại các đơn vị hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét