Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Cần xử lý nghiêm hành vi “hôi của”

PVL
Những ngày qua trên các trang mạng xã hội, báo điện tử liên tục đưa tin, đăng ảnh về việc người dân đổ xô ra đường hôi bia từ sau một vụ lật xe trở Công-te-nơ (Container) ở Đồng Nai. Vụ việc tưởng chừng như không quá nghiêm trọng và đáng để chúng ta suy ngẫm, bình luận vì có vẻ nó vẫn rất vụn vặn, nhỏ bé trong khi có rất nhiều sự kiện quan trọng khác đang diễn ra khắp năm châu, bốn biển.
Tuy nhiên, sâu chuỗi lại nhiều vụ việc tương tự liên tiếp xảy ra trong thời gian qua cả ở thành thị và nông thôn, miền Bắc, miền Trung và giờ là miền Nam đã cho thấy đây là một vấn đề không hề nhỏ, xét cả dưới khía cạnh đạo đức và pháp lý.
Người dân đổ xô ra hôi bia sau vụ lật xe ở Đồng Nai ngày 4/12/2013.
Người xưa có câu “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” có ngụ ý phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức trong xã hội: đó là nạn cướp bóc, ăn chặn của người dân dù được tiến hành và che đậy dưới bất kỳ hình thức nào - công khai hay dấu mặt của những lực lượng xấu trong xã hội. Đồng thời, câu nói của người xưa cũng có dụng ý giáo dục đề cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ của người dân, nhất là trong những thời kỳ loạn lạc, xã hội rối ren.
Tuy vậy, trong xã hội hiện nay, có những hành vi cũng chẳng khác gì “ăn cướp” được tiến hành công khai, lặp đi lặp lại ở nhiều nơi mà chưa có đối tượng nào bị đem ra xử lý: đó là nạn “hôi của”.
Ai cũng thừa nhận, dân tộc ta có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân”... điều này đã được lịch sử chứng minh, nhất là khi đất nước gặp thiên tai, địch họa. Nhưng hiện nay, khi đất nước đã phát triển, đời sống và trình độ dân trí đã được nâng lên đáng kể thì những vụ việc “hôi của” như ở Đồng Nai vừa qua thật đáng báo động và xấu hổ. Trước đó ngày 12/9, tại Hà Nội, sự kiện Đại sứ quán Hà Lan tổ chức phát tặng 3.000 áo mưu miễn phí trong Chương trình “Đừng để bị ướt mưa” có ý nghĩa chính trị và nhân văn cao cả cũng đã phải kết thúc nhanh ngoài dự kiến vì cảnh hỗn loạn, tranh giành của người dân tham gia...
Hỗn loạn trong Chương trình phát áo mưa miễn phí do Đại sứ quán Hà Lan 
tổ chức ngày 12/9/2013 tại Hà Nội.
Tranh giành đồ ăn miễn phí tại một bữa tiệc Buffet.
 Giữa lúc một người bị nạn, đáng ra mọi người phải chung tay giúp đỡ hoặc ít ra cũng báo cơ quan chức năng và người thân của người bị nạn thì người dân lại đổ xô vào tranh giành, cốt sao lấy được thật nhiều “chiến lợi phẩm” mang về cho mình, mặc cho chủ nhân van xin, cầu cứu trong vô vọng. Thử hỏi những thứ như bia, nước ngọt, bánh trái lấy được từ công sức, mồ hôi của những người lao động mang về nhà những người này sử dụng có thấy ngon miệng? Điều đáng buồn là những người tham gia trận chiến “hôi của” trông bề ngoài rất đàng hoàng, lịch sự(!). 
Một miếng ăn, một lon bia cũng có thể làm giảm đi được ít nhiều cái đói, cái khát... nhưng chắc chắn không thể "xóa đói", "giảm khát" suốt cả cuộc đời, và đáng buồn hơn là cái được mang lại từ những vụ “hôi của” là quá ít so với danh dự, lương tri của mỗi người đang dần bị hủy hoại; dù biết rằng những hành vi đó có bị xử lý bằng pháp luật hay không?
Thế mới thấy, người Việt Nam bên cạnh những đức tính tốt đẹp, vẫn còn rất nhiều tính xấu, ẩn sau đó là sự ích kỷ, lối sống coi thường pháp luật, tâm lý đám đông, “a dua”... đã và vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người dân không loại trừ gái, trai, già, trẻ.
Đã đến lúc, phải chấm dứt những hiện tượng như trên, bằng sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng và của toàn xã hội:
Thứ nhất, phải tiếp tục tăng cường giáo dục tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết và giúp đỡ nhau trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là khi khó khăn hoạn nạn. Điều này phải được tiến hành thường xuyên, và nên bắt đầu từ công tác giáo dục ở các nhà trường và trong mỗi gia đình.
Thứ hai, xã hội phải cực lực lên án những hành vi ích kỷ, vô cảm, tham lam như những hành vi “hôi của”, “tranh giành” của cải, vật chất ở nơi công cộng.
Thứ ba, cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đủ mạnh, trong đó xác định rõ những hành vi “hôi của” cũng là hành vi phạm tội như ăn cướp, ăn trộm, hủy hoại tài sản của người khác... để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và nâng cao hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế./.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Thông điệp "Hành động vì người đang sống"

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia
Ở Việt Nam, mỗi ngày có gần 30 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với hàng trăm người bị thương tật suốt đời. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có hàng trăm gia đình Việt Nam chịu sự mất mát khủng khiếp. Đây là điều không thể chấp nhận được với một đất nước đang sống trong hòa bình. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Những đau thương mất mát mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu là rất lớn. Mỗi di chứng mà tai nạn giao thông để lại, luôn kéo dài và không thể lường hết được, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả tai nạn giao thông hàng năm. Điều đó đe dọa nghiêm trọng đến những thành quả tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong bạn bè quốc tế.

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Cửa mở

Cửa mở
-PVL-
 “Đoàng, đoàng, đoàng - xung phong, xung phong”
Từng tốp một băng mình lên “mở cửa”
Mõ quay dù quay như súng nổ
Lửa sáng lập lòe, hỏa điểm từ xa,              

Ấy vậy mà, “cửa mở” vẫn băng qua
Mặc phía trước là sương mờ bao phủ
Mặc phía trước là “kẻ thù” cố thủ
Hỏa lực điên cuồng, ngăn chặn từ xa.

Nếu bình thường, bạn rất khó nhận ra
Việc “mở cửa” là tập bài - không đánh thật
Song vẫn rất ngoan cường, có tiến công, giành giật
Cũng vất vả, can trường, thậm chí có “hy sinh”.       
“Trận chiến quyết định, phải thắng trước bình minh”
Là tình huống đầu tiên trong tiến trình luyện tập
“Cửa mở” thông rồi, quân ta giành thắng lợi,
Mệt mỏi, rã rời, thất bại - phía quân xanh.

Trận đánh qua rồi, tôi lại cùng anh
Tiếp tục học trên Đồi Tròn, Đồi Cháy    
Trường Bắn, Trung Tâm, sông Cầu - xưa vẫn vậy
Mà cảm giác bồi hồi, mỗi buổi học nơi đây
Bãi đá, rừng cây, là điểm tưạ, vòng vây
Cho bộ đội trong mỗi lần luyện tập.
“Cửa mở” hôm nay - giấy thông hành cấp tốc
Cho mỗi học trò - vững bước ngày mai.
Năm tháng dưới mái Trường Chính trị - sớm muộn sẽ chia tay
Song bài tập hôm nào ta “mở cửa”
Những trận đánh tập bài, nhưng nảy lửa
Đầy ắp tự hào, tôi - bạn mãi không quên./.
Bắc Ninh, 02/11/2013.



Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thầy tôi


THẦY TÔI
(Kính tặng các thế hệ thầy cô giáo Trường Đại học Chính trị)
Phan Lương 
Thầy của tôi mang quân phục xanh
Hiếm khi nào thấy thầy mang sắc trắng
Cuộc đời thầy đã trải bao mưa nắng
Dấu chân in trên khắp các nẻo đường,
Từ chiến trường năm xưa một thời máu lửa
Tới giảng đường, bãi tập hôm nay
Dù nắng hay mưa, vẫn thấy thầy hăng say
Vẫn miệt mài bên từng trang giáo án.

Quân phục xanh nhưng thầy mang ánh sáng
Dạy dỗ học trò, truyền lửa tương lai
Cuộc đời thầy cũng không ít trông gai
Đã nhiều lúc đứng bên bờ sinh tử
Đã có lúc “gạo, tiền” lo chưa đủ
Nhưng vẫn yêu đời, nhiệt huyết đam mê.

Đến hôm nay khi sắp rời bục giảng
Giọng nói đã hơi khàn, bước chậm mỗi khi đi
Nhưng vẫn toát lên ở thầy bao hy vọng
Về cuộc sống, trường đời, binh nghiệp tương lai.
“Trong cuộc sống có lúc đúng, khi sai     
Nhưng quan trọng đừng để mình lệch hướng”
Lời của thầy dù năm tháng trôi đi
Sẽ vẫn mãi vang lên trong trí nhớ
Là cẩm nang, hành trang không sáo rỗng
Của lớp lớp học trò Trường Chính trị thân yêu./.
Bắc Ninh, ngày 01 tháng 11 năm 2013.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

“Đại tướng của nhân dân”

(Kính viếng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp!)
Phan Lương
Giữa thế kỷ hai mươi ngập tràn biến động
Có một con người tạo dấu ấn không phai -
           trong trái tim những ai đã từng làm chiến sĩ,
                       trong mỗi con người từ đất Việt sinh ra.

Võ Nguyên Giáp, Người là cha, là chú, là anh
Là “đồng chí” của bao người, chưa từng mang màu xanh áo lính.
Suốt cuộc trường trinh gian nan vạn dặm
Tên tuổi Người gắn với những chiến công,
          chỉ có một không hai, đã tạc vào lịch sử,
                     làm khiếp đảm quân thù - làm rạng rỡ Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp - là “anh Cả”, “anh Hai”
Dẫu cách gọi, Bắc - Nam mỗi khác
Giữa cuộc sống đời thường, hay chiến trinh, trận mạc
Người mãi vẫn là “Đại tướng của nhân dân”.

(Bắc Ninh, ngày 11/10/2013).

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Một số hình ảnh về thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đại tướng của nhân dân”

  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Nụ cười chiến thắng.


Đại tướng và phu nhân


Chân dung Đại tướng.


                                                  Đại tướng hạnh phúc bên gia đình.



                                               Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân 
                                                - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Đại tướng cùng phu nhân chơi đàn piano tại tư gia.


Đại tướng trả lời phóng viên quốc tế.


Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng
gặp nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đại thắng (5-1975).


Đại tướng và Chủ tịch Cu ba, Phi-đen-cat-tơ-rô


Đại tướng sau giờ làm việc.


 Đại tướng thăm bà Lê Thị Om, dân tộc Thái, tỉnh Sơn La, một người có công với cách mạng trong kháng chiến chống Pháp (tháng 4-2004).



Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp bàn phương án tác chiến cùng
Hoàng thân Xuphanuvông trong kháng chiến chống Pháp.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, ngày 22 tháng 12 năm 1944.



Đại tướng thăm lại chiến trường xưa.



Đại tướng thăm Trường Sĩ quan Chính trị quân sự 
(Trường Đại học Chính trị), ngày 17/12/1992.



Cháu bé trên lưng cha vào viếng Đại tướng.

Thiếu niên Quảng Bình tiễn biệt Đại tướng.


Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

PHÒNG CHỐNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA INTERNET VÀ CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY


Phan Lương

1. Internet và các trang mạng xã hội - Thành tựu vĩ đại, tác động đa chiều
Internet ra đời là một thành tựu vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ XX. Tiền thân của mạng Internet ban đầu là mạng ARPANET do Cơ quan Quản lý dự án Nghiên cứu phát triển ARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1969. Năm 1974, thuật ngữ “Internet” chính thức xuất hiện, tuy nhiên, dấu mốc lịch sử quan trọng của nó được xác lập vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX khi Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) thành lập mạng liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau, gọi là mạng NSFNET (tiền thân của mạng Internet ngày nay). Với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội, khả năng kết nối mở, Internet đã trở thành một mạng lớn nhất trên thế giới, “mạng của các mạng” và được ứng dụng ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội đến đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Cũng từ đó, các dịch vụ trên Internet không ngừng phát triển và tạo ra “kỷ nguyên công nghệ truyền thông kỹ thuật số”, trong đó, đáng chú ý là sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Yahoo, Yume, Zingme, You Tube, Blog…
Việt Nam là quốc gia sử dụng mạng Internet tương đối muộn so với các nước trong khu vực và trên thế giới (ngày 19 tháng 11 năm 1997). Tuy nhiên sau gần 16 năm hoạt động, Việt Nam lại là một trong những nước có tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng và số lượng người sử dụng Internet tăng nhanh nhất thế giới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), đến 12/2012, Việt Nam đứng thứ 18 trên tổng số 20 quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới, xếp thứ 8 tại khu vực châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á, với khoảng trên 31 triệu người, chiếm 35,49% dân số (1).
Internet và các trang mạng xã hội đã tạo ra cơ hội cho tất cả các đối tượng không phân biệt tuổi tác, trình độ, giai cấp, dân tộc, khoảng cách địa lý, biên giới quốc gia… có thể truy cập, tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin phục vụ cho tất cả các nhu cầu và mục đích của người sử dụng. Khác với báo chí, phát thanh, truyền hình, thư tín truyền thống… Internet và các trang mạng xã hội có tính tương tác và tính thời sự cao, người dùng ở mọi địa điểm, mọi thời điểm có thể chia sẻ, đăng tải các thông tin, hình ảnh, trình bày suy nghĩ, tâm trạng của cá nhân, tìm kiếm kết bạn, xây dựng các mối quan hệ cùng lúc với nhiều người mà không cần sử dụng các thông tin thật. Nói cách khác, thông qua Internet và các trang mạng xã hội mọi người có thể thực hiện các nội dung, các công việc với nhiều mục đích khác nhau trong đời sống thực nhưng được tiến hành trên “không gian ảo”, “xã hội ảo”.
Những tiện ích, tác dụng của Internet và các trang mạng xã hội mang lại cho cuộc sống, cho xã hội rất rõ ràng và không phải bàn cãi. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, những hệ lụy và tác động tiêu cực mà nó mang đến cũng không hề ít. Hiện nay, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên công cụ tìm kiếm Google, chúng ta có thể tìm thấy đủ mọi thứ “thượng vàng hạ cám”, đủ mọi vấn đề hỷ, nộ, ái, ố. Không có gì lạ khi thời gian gần đây nhiều vụ việc, nhiều vấn đề tiêu cực có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng Internet và các trang mạng xã hội gây nên như tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc trong sử dụng Internet và các trang mạng xã hội; đưa các tin tức, hình ảnh thiếu chính xác, tung tin đồn sai sự thật; bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, nhân phẩm và thương hiệu của các tổ chức và cá nhân; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, xuyên tạc đời tư cá nhân cán bộ lãnh đạo các cấp; kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Nàng Bân

Nàng Bân xưa may áo ấm cho chồng
Áo may xong không còn mùa lạnh nữa
Nàng Bân khóc, đất trời thương lệ ứa
Cho rét về đáp lại nỗi chờ mong.
Tế hanh 1957 (St, 02.9.2013)

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

ÁO CƯỚI


Gần ngày cưới, chị đi may áo cưới
Áo cô dâu, ướm thử mấy mươi lần
Anh ấy hy sinh sau chuyến về ăn hỏi
Áo theo người, góa bụa nửa chừng xuân.
(BN 20.8.2013 - St)



Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Nhớ mẹ mùa Vu Lan

Lại một mùa Vu Lan
Con không về thăm mẹ
Cánh đồng quê quạnh quẽ
Chợt hiện về trong mơ

Những tháng ngày tuổi thơ
Con nhớ từng đụn rạ
Nhớ giỏ đầy tôm cá
Cán giậm lằn hai vai

Nhớ tháng mười rẫy khoai
Tháng mười hai bỏ lạc
Cánh đồng quê xơ xác
Dáng mẹ gầy hanh hao

Đêm tháng bảy đầy sao
Gió về theo tay mẹ
Chiếc quạt mo nhè nhẹ
Sao rơi vào giấc mơ

Con nhớ tiếng ầu ơ
Theo con cùng năm tháng
Trong ráng chiều chạng vạng
Nhớ mẹ mùa Vu Lan.



                           (Vũ Mai Phong -
                            Vu Lan 2011).

Hoa hồng

Ngày xưa hái hoa hồng, gai đâm máu tứa
Đêm nay hái hoa hồng,
                        tay nguyên vẹn,
                                     cành hồng rơi nhựa.
Úp mặt xuống chùm hoa tua tủa
Sót tim mình không một chút nhói đau.
(BN, 18.8.2013 - St).





Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Xem bộ đội Đặc công Việt Nam luyện tập

 1. Đánh chiếm mục tiêu, giải thoát con tin ở nhà cao tầng.
 2. Ngụy trang trinh sát thực địa.
 3. Vượt qua "giặc lửa" thử sức, rèn gan.
4. Bí mật tiếp cận mục tiêu dưới nước.
(Ảnh Tiền phong Online).

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

NHỮNG GIÁO ÁN VÀNG

(Kính tặng hương hồn các Liệt sĩ Trường Đại học Chính trị)
Phạm Quốc Trung
Tôi dâng hương tưởng niệm Các Anh
Hai mươi hai linh hồn liệt sĩ
Những ánh hào quang Sĩ quan Chính trị
Cùng xây đài hoa cho mái trường này.



 

Bài Các Anh còn dang dở nơi đây
Trang sách mở, chẳng bao giờ gấp lại
Súng đỏ nòng viết nên bài học cuối
Lời Điếu văn thay Quyết định ra trường.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

“Blogger “Điếu cày” Nguyễn Văn Hải chấm dứt tuyệt thực” - VẪN CHIÊU BÀI CŨ

Trong suốt hơn một tháng qua (từ ngày 24/6 đến 01/8) trên nhiều trang mạng xã hội cả trong và ngoài nước đều rộ lên đưa tin “Blogger Điếu cày tuyệt thực”, “Một cuộc tuyệt thực nhiều ảnh hưởng”, “Hãy thả ngay Điếu cày”, “Blogger Điếu cày đang trong tình trạng nguy kịch”… để thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, nhất là trước và trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, ngay sau khi truyền thông quốc gia Việt Nam đưa tin có kèm theo hình ảnh phạm nhân Nguyễn Văn Hải (Blgger Điếu cày) đang kiểm tra sức khỏe định kỳ và đủ điều kiện chấp hành án tại Trạm giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An thì những chiêu bài tuyên truyền kiểu giật gân, thiếu căn cứ như trên trở nên lạc lõng, vô duyên. Để không bị “ném đá” vì liên tục đưa tin thiếu chính xác, thậm chí là mang những dụng ý chính trị xấu; ngay từ đêm ngày 02/8 (theo giờ Hà Nội), nhiều trang mạng xã hội lại thay đổi 1800, đưa tin theo kiểu vuốt đuôi là “Nguyễn Văn Hải tuyên bố chấm dứt tuyệt thực”, “Nhiều nhân sĩ, trí thức ký tên yêu cầu giải quyết vụ Blogger Điếu cày” nhằm đánh lừa dư luận.
Vậy có phải Nguyễn Văn Hải đã tuyệt thực hơn một tháng? Lý do gì mà một số người phải quá quan tâm tung hô, viết tin, bài kêu gọi chính phủ Việt Nam phải thả ngay lập tức cho Nguyễn Văn Hải dẫu biết việc làm này là mơ hồ về pháp lý, không có khả năng thực hiện. Cá biệt một vài người tự xưng là "Blogger yêu nước" đã đến gặp cả đại diện Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (OHCHR) tại Hoa Kỳ để đưa kiến nghị đòi can thiệp, đấu tranh đòi thả phạm nhân Nguyễn Văn Hải.
Ai cũng biết, một người tuyệt thực hơn một tháng thì cơ thể chỉ còn da bọc xương và tính mạng luôn trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Tuy vậy, xem những hình ảnh mà VTV1 đưa tin trong chương trình thời sự 19 giờ ngày 01/8 thì xem ra Nguyễn Văn Hải không thấy có dấu hiệu gì của tình trạng suy nhược cơ thể trầm trọng vì “tuyệt thực hơn một tháng”. Mặc dù trông dáng vẻ của Blogger Điếu cày có hơi gầy, thì âu cũng là lẽ thường. Bởi vì lâu nay người ta vẫn có câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (Một ngày trong tù bằng ngàn năm ở ngoài). Thêm nữa dáng vẻ vốn dĩ từ trước khi chấp hành án của phạm nhân Nguyễn Văn Hải đã là như vậy. Thêm vào nữa là ông ta vẫn không hề từ chối các suất ăn của trại giam và các thức ăn, đồ uống do gia đình và người thân gửi vào. Vậy rõ ràng việc tuyên truyền “Blgger Điếu cày tuyệt thực hơn một tháng” là hoàn toàn bịa đặt.
Có lẽ thấy rằng chiêu bài của mình đã cũ và đang dần trở nên lạc điệu. Do vậy, từ đêm 02/8 nhiều trang mạng xã hội lại ồ ạt đưa tin “Nguyễn Văn Hải chấm dứt tuyệt thực”, “Blogger Điếu cày đã qua cơn nguy kịch”… hòng tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận và sâu xa hơn là đưa ra những đòi hỏi, những điều kiện phi lý về tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, gây áp lực với cộng đồng quốc tế khi nước ta chính thức đàm phán ra nhập TPP và tham gia dự bầu vào Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.
Lẽ dĩ nhiên ở đời ai cũng hiểu, xã hội phải có kỷ cương, kỷ luật. Tự do ngôn luận, tự do thể hiện cái tôi là một nhu cầu của con người, nhưng phải có giới hạn. Khi cái tôi đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, của tập thể và xa hơn là lợi ích của quốc gia, dân tộc thì sẽ bị dư luận chính nghĩa phản đối, pháp luật trừng trị.
Cá nhân tôi cũng là một công dân Việt Nam, hơn bao giờ hết cũng muốn cuộc sống nhân dân ngày càng tốt lên, vị thế của nước ta ngày càng hùng mạnh. Do vậy, không thể có một loại “lòng yêu nước” nào lại đi ngược lại với những lợi ích của cộng đồng, của đất nước. Đã không có đóng góp nào thì thôi, đằng này lại tìm đủ mọi cách hạ thấp mình, tuyên truyền chống lại Đảng, Nhà nước, nguyện vọng và cuộc sống yên bình của nhân dân thì thật đáng xấu hổ. Mà xét đến cùng “một con én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, một cá nhân, một con người không thể chống lại được một tổ chức, một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia. Những việc làm của Nguyễn Văn Hải là sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam đã được hiến định rất rõ ràng, minh bạch trong Bộ Luật Hình sự; vụ việc cũng đã được xét xử công khai, khách quan theo đúng thủ tục pháp lý của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; do vậy, không có gì là mờ ám, thiếu minh bạch, thiếu công bằng cả.
Ai trong đời cũng có thể có sai lầm, khuyết điểm, miễn là nhận ra sai lầm khuyết điểm để quay đầu lại. Dân gian ta vẫn có câu “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Thiết nghĩ, bản thân và người thân của phạm nhân Nguyễn Văn Hải nên “tỉnh ngộ”, chấp hành nghiêm án phạt, cải tạo tốt để mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, sớm được giảm án để trở về với cuộc sống cộng đồng, về với ngôi nhà và những người thân yêu. Không nên vì những cổ súy xa vời, hứa hẹn viển vông của các cá nhân và tổ chức phản động hay đơn giản chỉ là nhận được một ít tiền từ các phần tử chống đối, bất mãn, phản động mà tiếp tục bước tiếp những bước đi sai lầm. Những luận điệu tuyên truyền, kích động, những lời hứa hẹn về một cuộc sống phồn hoa, cực thịnh, làm ít hưởng nhiều, tự do, dân chủ vô hạn độ là không có thực, là viển vông, mơ hồ./.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

ĐỔI MỚI NỘI DUNG, HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP
TUYÊN TRUYỀN MIỆNG Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ TRONG QUÂN ĐỘI
                                                                           -PVL-
Tuyên truyền là một trong những hình thức chủ yếu của công tác tư tưởng. Hiểu theo nghĩa rộng, tuyên truyền là hoạt động truyền bá những kiến thức, những giá trị tinh thần, tác động vào các đối tượng trong xã hội nhằm làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin, bồi dưỡng và xây dựng tình cảm, ý chí, cổ vũ và thôi thúc mọi người hành động một cách tự giác theo những yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại” [1].
Công tác tuyên truyền là một hoạt động được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, Internet…); tuyên truyền thông qua các hình thức sinh hoạt chính trị; tuyên truyền bằng các phương tiện trực quan (panô, khẩu hiệu, truyền đơn, băng rôn, biểu ngữ, áp phích, tranh ảnh, triển lãm); tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hoá - nghệ thuật, các đội thông tin lưu động, tham quan bảo tàng, thư viện, danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử; thông qua các hoạt động giao tiếp xã hội, lễ hội quần chúng, các câu lạc bộ và hình thức tuyên truyền miệng...
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam: “Tuyên truyền miệng là một mặt hoạt động của công tác tư tưởng - văn hoá trong quân đội, là hình thức đặc biệt của công tác tuyên truyền, được tiến hành thông qua sự giao tiếp giữa người tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền chủ yếu bằng lời nói. Tuyên truyền miệng là vũ khí sắc bén, là công cụ hàng đầu trong tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội, của đơn vị…; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao" [2]. Với ưu thế sử dụng ngôn ngữ nói, có sự giao tiếp trực tiếp giữa người tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền, cùng với việc sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ) của người nói; biểu hiện sắc thái, tình cảm và làm tăng tính thuyết phục của nội dung thông tin. Đồng thời, tuyên truyền miệng còn có thể định hướng dư luận xã hội vào những nội dung, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm tốt hơn các hình thức tuyên truyền khác, đảm bảo được bí mật và phạm vi giới hạn của thông tin cho từng loại đối tượng theo quy định.
Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền miệng trong quân đội, đặc biệt là ở đơn vị cơ sở được tiến hành khá bài bản, có nền nếp và thu được hiệu quả tương đối tốt; đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức toàn diện, củng cố niềm tin và cổ vũ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ; tham gia đấu tranh phòng, chống các biểu hiện nhận thức và hành động lệch lạc, tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội trong và ngoài đơn vị; tham gia đấu tranh chống lại các luận điệu phản tuyên truyền, chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch… góp phần xây dựng môi trường văn hoá quân sự lành mạnh, xây dựng các đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, thực tế tiến hành công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở cũng bộc lộ những vấn đề tồn tại, yếu kém cần phải nhận thức và khắc phục kịp thời: một số cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác tuyên truyền miệng; nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền miệng chậm đổi mới; chất lượng của đội ngũ báo cáo viên bán chuyên trách, báo cáo viên kiêm nhiệm ở đơn vị cơ sở còn hạn chế nhất định; chế độ chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng như điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm còn nhiều hạn chế, bất cập;… Trong khi đó, trình độ nhận thức của các đối tượng ở đơn vị cơ sở đã được nâng lên một bước, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã phá vỡ sự “độc quyền thông tin” của đội ngũ báo cáo viên. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” trên mặt trận tư tưởng - lý luận, do vậy, cuộc đấu tranh trên mặt trận này càng diễn ra phức tạp, quyết liệt hơn. Trách nhiệm của những người cộng sản lúc này là phải chủ động tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quán triệt, thực hiện Chỉ thị Số 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” và Thông báo Kết luận Số 225-TB/TW ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền”; phải tiến hành đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng, trong đó có công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cở sở trong quân đội. Bởi vậy, vấn đề đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền miệng là một yêu cầu quan trọng cần phải được tiến hành thận trọng, quyết liệt và có hệ thống.
1. Đổi mới nội dung tuyên truyền miệng
Muốn thu hút được đối tượng tuyên truyền, vấn đề căn bản nhất là báo cáo viên, tuyên truyền viên phải có nội dung thông tin tốt. Do đó, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng cũng là vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng. Đối với các đơn vị cơ sở trong quân đội (cấp trung đoàn và tương đương) đội ngũ báo cáo viên đều là báo cáo viên bán chuyên trách và báo cáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng; tuổi đời và tuổi nghề còn ít; nội dung thông tin chủ yếu do cấp trên cung cấp theo hệ thống ngành dọc; điều kiện thời gian chuẩn bị một bài tuyên truyền miệng hạn chế, do đó ít có những thông tin mới, thông tin phân tích có chiều sâu, sử dụng phương pháp tiếp cận mới cho đối tượng người nghe. Do vậy, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở được xác định là vấn đề trọng tâm và có tính thực tế cao. Tuy nhiên đổi mới bắt đầu từ đâu, đổi mới theo xu hướng nào thì không phải báo cáo viên nào cũng định hình được. Xuất phát từ thực trạng chất lượng nội dung tuyên truyền miệng và kinh nghiệm của một số báo cáo viên ở đơn vị cơ sở có thể rút ra mấy vấn đề sau:
Một là, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng theo hướng toàn diện, phong phú, đa dạng, kịp thời, có cơ cấu thông tin hợp lý
Để thu hút được đối tượng người nghe, trước hết nội dung thông tin phải thường xuyên được đổi mới. Trong lượng thời gian có hạn, với đối tượng người nghe có nhu cầu thông tin đa dạng, có trình độ nhận thức khác nhau thì một “thực đơn thông tin” phong phú, với cơ cấu thông tin phù hợp sẽ dung hoà sở thích cho nhiều đối tượng người nghe. Từ các nội dung thông tin do cấp trên cung cấp, nhất là nội dung thông tin có định hướng từ hệ thống báo cáo viên. Cơ quan chính trị (trực tiếp là cơ quan tuyên huấn) phải kịp thời định hướng nội dung thông tin cho đội ngũ báo cáo viên thuộc quyền. Trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các nội dung thông tin bắt buộc do cấp trên chỉ đạo, phải tiến hành thu thập, lựa chọn và xử lý thông tin thêm từ các nguồn chính thống khác nhau, các thông tin từ thực tế hoạt động của chính cơ quan, đơn vị mình, những vấn đề cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực đóng quân đang quan tâm để bổ sung vào định hướng nội dung tuyên truyền cho báo cáo viên của đơn vị. Từng báo cáo viên phải chủ động, tích cực, sáng tạo, lựa chọn, phân tích có cơ sở khoa học một số thông tin quan trọng, vấn đề nhạy cảm, phức tạp; mạnh dạn cắt bỏ những thông tin dàn trải, khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp thông tin hoặc lượng thông tin nghèo nàn trong một bài nói.
Hai là, tăng tính thời sự, tính tư tưởng, tính khoa học trong nội dung các chuyên đề thời sự
Hiện nay, bài nói của đội ngũ báo cáo viên được tiến hành ở hai dạng cơ bản là thông báo chính trị - thời sự dạng điểm tin (thông báo chính trị cho các đối tượng) và nói chuyện thời sự chuyên đề (cho sĩ quan, QNCN, CNVQP, đảng viên, báo cáo viên). Như vậy, có thể nhận thấy tính chất cập nhật thông tin từ đội ngũ báo cáo viên không thể chạy theo kịp các phương tiện truyền thông đại chúng như: phát thanh, truyền hình, Internet… bởi vì, chúng có ưu thế về công nghệ mang đến những thông tin có tính thời sự rất cao, có thể tính bằng phút, cập nhật bằng giờ. Do vậy, báo cáo viên cũng phải chú ý mang đến cho người nghe thông tin có tính thời sự. Các thông tin này không chỉ là những thông tin vừa xảy ra, nó còn bao gồm những thông tin đã xảy ra nhưng chưa được hoặc không được phép công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; những thông tin cũ được phân tích, lý giải, xem xét đánh giá dưới góc độ tiếp cận mới. Đồng thời, phải sắp xếp, trình bày, bố cục, lựa chọn phân tích và bình luận các thông tin một cách khoa học, chặt chẽ, có trọng điểm, dựa trên những căn cứ sát đáng, có tính thuyết phục cao. Tuân thủ các quy định về phạm vi, đối tượng và mức độ thông tin; bảo đảm giữ gìn bí mật của Đảng, Nhà nước và bí mật quân sự. Đặt lên hàng đầu nguyên tắc tính Đảng, tính tư tưởng trong cung cấp thông tin nhằm phục vụ đắc lực cho việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và đơn vị.
Ba là, coi trọng nội dung thông tin những vấn đề về đường lối, chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội, các điển hình tiên tiến
Là một kênh chính thống, chủ đạo trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Công tác tuyên truyền miệng phải coi trọng trước hết việc cung cấp nội dung thông tin về đường lối, quan điểm mới của Đảng, Nhà nước, các quy định và chính sách mới có liên quan đến cán bộ, chiến sĩ và hậu phương quân đội. Tuy nhiên, khác với báo chí, phát thanh, truyền hình… là những kênh thông tin phục vụ rộng rãi tất cả công chúng. Công tác tuyên truyền miệng trong quân đội có đối tượng tương đối đồng đều về nhận thức, về nhu cầu thông tin… và nhất là đặc thù nghề nghiệp có liên quan trực tiếp tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Để mọi cán bộ, chiến sĩ luôn trung thành tuyệt đối, yên tâm công tác, tự tin, tự giác trong thực hiện chức trách nhiệm vụ họ phải được tuyên truyền, giáo dục một cách thường xuyên, có hệ thống, có mục đích rõ ràng. Do vậy, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, quân đội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh… luôn luôn phải được coi trọng trong các nội dung của công tác tuyên truyền miệng. Song phải đặt lên hàng đầu việc định hướng đúng đắn và kịp thời thông tin quan trọng; thông tin nội bộ; có liên hệ sát với đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ; nhiệm vụ của đơn vị và địa bàn đóng quân; thông tin những gương điển hình tiên tiến trong đơn vị để thực hiện triệt để phương châm: “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” ngay trong mỗi cơ quan, đơn vị (đặc biệt là các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, chế độ, chính sách và các vấn đề dư luận đang quan tâm). Đồng thời, tránh tình trạng sao chép thông tin trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình… một cách máy móc, chung chung, xa lạ với đời sống và nhu cầu thông tin của bộ đội.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỔ ĐỘNG THAO TRƯỜNG TRONG HUẤN LUYỆN Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ?

-PVL-
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cổ động thao trường (CĐTT) là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác tư tưởng nói riêng và công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện nói chung. Những năm qua, hoạt động CĐTT luôn được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhất là cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp rất quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Tuy vậy, thời gian qua ở một số đơn vị hoạt động CĐTT còn nhiều hạn chế, bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết là nhận thức của một số lãnh đạo, chỉ huy về vị trí, ý nghĩa, nội dung và hình thức hoạt động CĐTT còn chưa đầy đủ. Một số cán bộ, chiến sĩ cho rằng công tác CĐTT chỉ là của cán bộ chính trị, của Đoàn thanh niên, nó chỉ đơn thuần là những pa nô, khẩu hiệu, băng rôn hay đơn giản là các hoạt động đọc báo, văn hóa văn nghệ, trò chơi quân sự… phục vụ cho nhu cầu giải trí của bộ đội trong các giờ nghỉ trên thao trường, bãi tập. Vì vậy, sự đầu tư về kinh phí, vật chất cũng như chỉ đạo, xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động CĐTT chưa được chú ý đúng mức, hình thức hoạt động nghèo nàn, đơn điệu; cá biệt có đơn vị không tiến hành CĐTT trong huấn luyện ngoài thao trường, bãi tập.
Mặt khác, thao trường, bãi tập hiện nay của nhiều đơn vị đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản một số đơn vị vẫn phải thuê, mượn đất canh tác của nhân dân địa phương. Trong khi đó số lượng các đề mục huấn luyện trên thao trường, bãi tập đều đòi hỏi cường độ cao, vật chất bảo đảm cho huấn luyện nhiều trong khi vật chất, phương tiện cho hoạt động CĐTT còn thiếu thốn… đây là những khó khăn, bất cập cho việc tiến hành hoạt động CĐTT trong huấn luyện. Khắc phục những bất cập, hạn chế trên, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là thay đổi về nhận thức trong lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trong cán bộ, chiến sĩ và cơ quan chính trị các đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động CĐTT… theo chúng tôi cần tập trung vào thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp, trực tiếp là cán bộ đại đội, trung đội nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, nội dung, hình thức, phương pháp CĐTT: Cổ động thao trường chính là nội dung, hình thức của công tác tuyên truyền, cổ động; là nội dung và hình thức của công tác tư tưởng; công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ. Nội dung, hình thức phải phong phú, phương pháp phải linh hoạt, sáng tạo, sát đối tượng, sát đề mục huấn luyện và điều kiện của đơn vị. CĐTT không chỉ tiến hành trong giờ nghỉ giải lao trên thao trường, bãi tập, mà diễn ra cả trước, trong và sau các đề mục huấn luyện. Những bài hát trên đường ra bãi tập, những pa nô, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc, cờ Đoàn, hòm báo, tủ sách thao trường, những mẩu chuyện kẻ về kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện, những trò chơi quân sự… đều là những nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động CĐTT. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trước khi đưa bộ đội đi huấn luyện các nội dung trên thao trường, bãi tập phải quán triệt đầy đủ cho họ về ý thức trách nhiệm trong tham gia hoạt động CĐTT, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiến hành CĐTT có chất lượng.
Hai là, xây dựng kế hoạch hoạt động CĐTT cụ thể, sát đúng: Căn cứ nội dung huấn luyện, đối tượng, thời gian và điều kiện đơn vị để xác định nội dung, hình thức và phương pháp CĐTT cho phù hợp với hình thức huấn luyện, nhất là các nội dung huấn luyện về chiến thuật, kỹ thuật. Huấn luyện chiến thuật ở hình thức chiến đấu tiến công, vật chất và vũ khí trang bị nhiều, bộ đội thường xuyên cơ động, tình huống đa dạng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bộ đội… hoạt động CĐTT nên dùng các nội dung, hình thức, biện pháp nhẹ nhàng, vui nhộn như (nói chuyện, kể chuyện về kinh nghiệm chiến đấu, gương chiến đấu dũng cảm, một số tiết mục văn nghệ, tổ chức đọc báo…) để khuyến khích bộ đội cố gắng và thi đua trong huấn luyện. Với hình thức chiến đấu phòng ngự, bộ đội ít di chuyển, có thể vận dụng tổ chức các trò chơi quân sự, kéo co. Trường hợp trong thực hành bắn đạn thật, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ, vấn đề tâm lý là rất quan trọng… hoạt động CĐTT có thể dùng các nội dung, hình thức và biện pháp gây khí thế sôi nổi, quyết tâm cao, bình tĩnh tự tin cho bộ đội như: Trên thao trường trang trí các băng rôn, khẩu hiệu, trên mũ cứng của bộ đội có khẩu hiệu bướm, tổ chức hệ thống loa truyền thanh cầm tay để chỉ đạo và tuyên truyền. Tổ chức gắn hoa điểm 10 cho những cá nhân “bắn-đánh-ném” đạt giỏi, những đồng chí kiểm tra đạt kết quả cao ngay tại thao trường để kịp thời biểu dương khích lệ bộ đội, tổ chức rút kinh nghiệm cho những đồng chí kiểm tra sau đạt kết quả tốt hơn.
Ba là, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm và năng lực cho lực lượng nòng cốt: Mỗi đại đội cần thành lập tổ nhóm tuyên truyền, cổ động; nhóm hoạt động sách báo, tin nội bộ; nhóm văn nghệ quần chúng… mỗi tổ nhóm có từ 2 – 3 cán bộ, chiến sĩ, lựa chọn những đồng chí có kinh nghiệm, có năng khiếu và ý thức trách nhiệm cao, được cán bộ chính trị đơn vị bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Đây chính là lực lượng nòng cốt của đơn vị trong hoạt động CĐTT trong huấn luyện.

Bốn là, cơ quan chính trị thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động CĐTT: Hiện nay một số đơn vị trong toàn quân không có tủ sách, hòm báo thao trường. Hoặc tổ chức hoạt động mang tính tự phát nên chất lượng, hiệu quả không cao. Có đơn vị tận dụng cặp sách của cán bộ để mang sách, báo ra thao trường; số lượng báo chí và sách tham khảo chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ nhất là các đại đội đủ quân; hệ thống băng cờ, khẩu hiệu và vật chất phục vụ hoạt động CĐTT còn hạn chế. Việc theo dõi, kiểm tra và chấm điểm thi đua về hoạt động CTĐ, CTCT của cơ quan chính trị trong huấn luyện, trong đó có hoạt động CĐTT ở một số đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó việc thiếu nội dung, phương pháp tiến hành hoạt động CĐTT của cán bộ đơn vị, nhất là cán bộ trung đội, tiểu đội… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động này, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong đơn vị để tổ chức tốt hoạt động CĐTT. Cơ quan chính trị cần tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy về tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động CTĐ, CTCT nói chung và hoạt động CĐTT nói riêng, đồng thời bổ sung cơ sở vật chất để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐTT trong huấn luyện tại các đơn vị hiện nay./.