Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

ĐẤT MẸ ĐÓN ANH VỀ

    -PVL-
(Kính viếng hương hồn đồng chí Đại tá Trần Quang Khải,
Phi công cấp 1, Sư đoàn Không quân 371, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, ngày 14/6/2016)

Mấy ngày nay báo đài đưa tin dữ
Su 30 gặp nạn giữa bầu trời
Sau vài ngày lại có máy bay rơi (Casa 212)
Thêm chồng chất nỗi đau người dân Việt.

Sáng hôm nay, cả ngàn người tiễn biệt
Anh Khải về với đất mẹ yêu thương
Biết bao người đứng chặt khắp nẻo đường
Rơi nước mắt, nhìn anh thêm lần cuối.

Anh ra đi, biết bao người tiếc nuối
Hôm vừa rồi chẳng kịp nói câu chi
Dậy vội vàng và cất bước ra đi
Con gái nhỏ vẫn còn đang say giấc.

Nay Anh về nghẹn lòng - bao tiếng nấc
Giấc mơ xưa tung cánh giữa bầu trời
Hôm nay về, dòng nước mắt tuôn rơi
Bao hoài bão vẫn còn đang dang dở.

Người vợ hiền của anh đang nức nở,
Lệ tuôn rơi trên khóe mắt người nhà
Lệ tuôn rơi trên đôi má mẹ cha
Khóc thương Anh, người con còn quá trẻ.

Tiếc thương Anh - Người Phi công mạnh mẽ
Suốt một đời vì Tổ quốc thiêng liêng
Cả một đời, tạm gác ước mơ riêng
Vì nghiệp lớn, xa nhà, xa mái ấm.

Bao mồ hôi, áo Thiên thanh đã thấm
Chẳng có gì, ngăn nổi bước chân Anh
Để bầu trời Tổ quốc mãi tươi xanh
Để biển khơi, dập dìu con sóng vỗ.

Luôn miệt mài, nơi thao trường nắng đổ
Bão giông kia, dẫu gầm thét nát trời
Hay biển khơi nổi giận mãi không thôi
Vì nhiệm vụ - Anh vẫn cười tươi tắn.

Hôm nay về, bầu trời kia vẫn nắng
Biển quê hương sóng vẫn vỗ vào bờ
Chỉ tội cho vợ trẻ, với con thơ
Đã mãi mãi không còn Anh yêu nữa.

Dẫu biết rằng, đời là chuyến đi xa
Tàu to, nhỏ vẫn phải rời xa bến
Anh Khải ơi, mọi người luôn yêu mến
Mãi tin Anh - còn sống giữa cuộc đời.

Mọi người ơi, ngừng nước mắt tuôn rơi
Hãy mạnh mẽ cho Anh đi thật nhẹ
Đất mẹ ơi, hãy ôm Anh thật khẽ
Đón Anh về, sau một chuyến đi xa./.





                                           -Lạng Sơn 20/6/2016-

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Phải chăng là (!)

-PVL-
Phải chăng là em đã bước sang ngang
Anh trở về con đò chiều không thấy
Phía đằng xa bao người còn tay vẫy
Tiễn một người con gái bước theo ai?

Phải chăng là, anh đã quá ngây thơ
Cứ đợi chờ em thả Diều bay ngang dọc
Nào biết hôm rồi, cầm tay nhau - Em khóc
Muốn nói điều gì, mà ấp úng không ra.

Phải chăng là duyên số giữa chúng ta
Cũng chỉ thoảng qua như làn gió mát
Cũng chỉ nặng như một vài hạt Cát
Giông lốc chiều Hè, hạt Cát cuốn đi đâu?

Phải chăng là anh số kiếp chăn trâu
Tài cán gì đâu nên cứ nghèo xơ xác
Dù có yêu, nhưng hai nhà quá khác
Không dám ngỏ lời, nên mãi cứ cô đơn.

Phải chăng là, trai nơi khác tuyệt hơn
Học rộng, tài cao, tiền vàng, bổng lộc
Còn anh là chàng trai quê ngốc nghếch
Nên trọn kiếp này, chàng Ngốc mất Thiên nga.

Phải chăng là đám cưới phía đằng xa
Đã đón Thiên nga rời quê lên thành phố
Kẻ nói người cười, cờ hoa bay ngập lối

Nào thấy một gã khờ, mỏi mắt đứng trông theo./.

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG VÀ THÚC GIỤC NGUYỄN ÁI QUỐC QUYẾT ĐỊNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC


                                                  -PVL-
-PVM-
Sự kiện ngày 05 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (tên khi còn nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi thành Nguyễn Tất Thành) ra đi tìm đường cứu nước đã diễn ra hơn 100 năm, nhưng mục đích và động cơ của chuyến đi lịch sử này vẫn còn là vấn đề mang tính thời sự. Về phần mình, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” (1). Hơn mười năm sau, Người vẫn nhắc lại quan điểm của mình khi trả lời Nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtam: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái… Người Pháp đã nói thế và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy” (2). Tuy nhiên, một số học giả phương Tây lại có nhận định sai lầm khi họ cho rằng, việc Hồ Chí Minh ra nước ngoài là để tìm kế sinh sống, để mưu cầu danh lợi cá nhân… Nhận định này có thể do hạn chế về thế giới quan, song chủ yếu là ý đồ chính trị đen tối, họ muốn làm giảm giá trị của sự kiện lịch sử này, bôi nhọ và hạ thấp uy tín lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vì vậy, nghiên cứu làm sáng tỏ những nhân tố tác động, thúc giục Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định giá trị lịch sử, đồng thời góp phần làm sáng tỏ thêm nhân cách cao cả, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.