Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

PHÒNG CHỐNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA INTERNET VÀ CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


PVL
1. Internet và các trang mạng xã hội - Thành tựu vĩ đại, tác động đa chiều
Internet ra đời là một thành tựu vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ XX. Tiền thân của mạng Internet ngày nay là mạng ARPANET do Cơ quan Quản lý dự án Nghiên cứu phát triển ARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1969. Năm 1974, thuật ngữ “Internet” chính thức xuất hiện, tuy nhiên, dấu mốc lịch sử quan trọng của nó được xác lập vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX khi tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) thành lập mạng liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau, gọi là mạng NSFNET. Với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội, khả năng kết nối mở, Internet đã trở thành một mạng lớn nhất trên thế giới, “mạng của các mạng” và được ứng dụng ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội đến đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Cũng từ đó, các dịch vụ trên Internet không ngừng phát triển và tạo ra “kỷ nguyên công nghệ truyền thông kỹ thuật số”, trong đó, đáng chú ý là sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Yahoo, Yume, Zingme, You Tube, Blog…
Việt Nam là quốc gia tham gia sử dụng mạng Internet tương đối muộn so với các nước trong khu vực và trên thế giới (ngày 19 tháng 11 năm 1997). Tuy nhiên sau gần 16 năm hoạt động, Việt Nam lại là một trong những nước có tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng và số lượng người sử dụng Internet tăng nhanh nhất thế giới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), đến 12/2012, Việt Nam đứng thứ 18 trên tổng số 20 quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới, xếp thứ 8 tại khu vực châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á, với khoảng trên 31 triệu người, chiếm 35,49% dân số (1).

Vậy đâu là lý do khiến Internet và các trang mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt đến vậy ở một nước đang phát triển như Việt Nam?
Câu trả lời không mấy khó lý giải, bởi vì, Internet và các trang mạng xã hội đã tạo ra cơ hội cho tất cả các đối tượng không phân biệt tuổi tác, trình độ, giai cấp, dân tộc, khoảng cách địa lý, biên giới quốc gia… có thể truy cập, tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin phục vụ cho tất cả các nhu cầu và mục đích của người sử dụng; từ học tập, nghiên cứu, kinh doanh, quảng cáo, mua bán, giải trí đến các mục đích về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng. Điều đáng nói ở đây là khác với báo chí, phát thanh, truyền hình, thư tín truyền thống… Internet và các trang mạng xã hội có tính tương tác và tính thời sự cao, người dùng ở mọi địa điểm, mọi thời điểm có thể chia sẻ, đăng tải các thông tin, hình ảnh, trình bày suy nghĩ, tâm trạng của cá nhân, tìm kiếm kết bạn, xây dựng các mối quan hệ cùng lúc với nhiều người mà không cần sử dụng các thông tin thật. Nói cách khác, thông qua Internet và các trang mạng xã hội mọi người có thể thực hiện các nội dung, các công việc với nhiều mục đích khác nhau trong đời sống thực nhưng được tiến hành trên “không gian ảo”, “xã hội ảo”.
Những tiện ích, tác dụng của Internet và các trang mạng xã hội mang lại cho cuộc sống, cho xã hội rất rõ ràng và không phải bàn cãi. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, những hệ lụy và tác động tiêu cực mà nó mang đến cũng không hề ít. Hiện nay, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên công cụ tìm kiến Google, chúng ta có thể tìm thấy đủ mọi thứ thượng vàng hạ cám, đủ mọi vấn đề hỷ, nộ, ái, ố. Không có gì lạ khi thời gian gần đây nhiều vụ việc, nhiều vấn đề tiêu cực có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng Internet và các trang mạng xã hội gây nên như tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc trong sử dụng Internet và các trang mạng xã hội; đưa các tin tức, hình ảnh thiếu chính xác, tung tin đồn sai sự thật; bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, nhân phẩm và thương hiệu của các tổ chức và cá nhân; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân cán bộ lãnh đạo các cấp; kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam.
2. Chủ động phòng chống “những làn gió độc”
Trước những tác động, ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực ngày càng nhiều từ việc sử dụng Internet và các trang mạng xã hội, nhất là đối với thanh, thiếu niên, đã và đang đặt ra cho Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, các đoàn thể và toàn xã hội những yêu cầu cấp bách cần giải quyết. Điều đáng mừng là ngày 15 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2013, nhằm đưa các hoạt động trên Internet và các trang mạng xã hội đi vào nền nếp, có quy củ, thiết lập hành lang pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia; giữ gìn những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức của dân tộc; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định trong sử dụng Internet và các trang mạng xã hội cũng như các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời gian tới, để chủ động phòng chống “những làn gió độc” từ Internet và các trang mạng xã hội, theo tôi cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và các kỹ năng “tự bảo vệ” trong khai thác, sử dụng Internet và các trang mạng xã hội cho cộng đồng, nhất là thanh, thiếu niên
Các cơ quan thông tin đại chúng, các bộ, ngành, địa phương và từng gia đình cần quan tâm chú trọng hơn nữa tới việc tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn sử dụng và quản lý việc khai thác, sử dụng Internet của người dân, của thành viên trong các tổ chức và trong mỗi gia đình, sao cho phù hợp với điều kiện thời gian, kinh tế và tính chất, yêu cầu từng công việc. Bên cạnh việc động viên, khuyến khích việc sử dụng các tiện ích trong môi trường mở từ Internet, phải đồng thời chỉ rõ những tác động tiêu cực, những “cạm bẫy” mà bất kỳ ai cũng có thể bị mắc phải nếu thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh và có những hành vi cố tình vi phạm các quy định trong sử dụng Internet và các trang mạng xã hội.
Nhà trường, gia đình và xã hội cần phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng nhất là thanh, thiếu niên những kiến thức, kỹ năng cơ bản trước khi sử dụng Internet và các trang mạng xã hội. Đặc biệt là trang bị những kỹ năng “tự bảo vệ” cho người sử dụng và thường xuyên khuyến cáo công dân không nên dành quá nhiều thời gian trong ngày cho việc sử dụng Internet và các trang mạng xã hội, tiêu tốn thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân; không truy cập vào các trang mạng có nội dung xấu độc; không đăng tải, phát tán tin tức, hình ảnh có nội dung kích động bạo lực, khiêu dâm; tung tin đồn thất thiệt, bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của các tổ chức và cá nhân; tuyên truyền, lôi kéo, kích động chống đối Đảng, Nhà nước và gây rối trật tự công cộng…
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý Internet và các trang mạng xã hội
Muốn quản lý Internet và các trang mạng xã hội có hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ tình hình thực tế; tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước và xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiến tới có một đạo luật độc lập về quản lý Internet và các trang mạng xã hội, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ. Trước mắt, cần tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị định 72 của Chính phủ một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng Internet và các trang mạng xã hội. Thường xuyên tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực tế để có căn cứ thuyết phục trong việc tiếp tục ban hành các quy định, hướng dẫn, quy chế để việc quản lý Internet và các trang mạng xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Kiên quyết phản bác, lên án những hành động công kích, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm các điều ước quốc tế về quyền tự do, dân chủ, “tự do Internet” và các trang mạng xã hội của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch.
Ba là, tăng cường các biện pháp kỹ thuật chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực từ Internet và các trang mạng xã hội
Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới có các quy định về quản lý Internet và các trang mạng xã hội, tiêu biểu là Mỹ, Italia, Hàn Quốc, Trung Quốc… Điều đó chứng tỏ, việc quản lý Internet và các trang mạng xã hội trong đó có sử dụng các biện pháp kỹ thuật là một hoạt động hết sức bình thường và cần thiết của Việt Nam nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của các tổ chức và công dân. Tùy theo điều kiện kinh tế, trình độ khoa học công nghệ, thể chế chính trị, nền văn hóa mà mỗi nước có quy định riêng, biện pháp và hình thức quản lý riêng. Việt Nam là một nước có số lượng người sử dụng Internet và các trang mạng xã hội lớn; tuy nhiên có một bộ phận không nhỏ người dân sử dụng Internet và các trang mạng xã hội với các mục đích không lành mạnh, thiếu thiết thực; đặc biệt là hiện tượng thường xuyên truy cập vào các trang “web đen” có nội dung xấu độc, bạo lực, đồi trụy, phản động hoặc không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa dân tộc. Do đó, các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ cần sử dụng các biện pháp kỹ thuật, quản trị mạng, quản trị hệ thống, tạo ra những “bức tường lửa” để ngăn chặn người sử dụng truy cập vào các trang mạng xấu độc. Kiên quyết yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet trên thị trường Việt Nam cả trong nước và nước ngoài chia sẻ thông tin khách hàng với các cơ quan quản lý. Thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm pháp luật, góp phần làm “trong sạch” môi trường trên Internet.
Bốn là, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng Internet và các trang mạng xã hội
Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, các biện pháp kỹ thuật về quản trị mạng, quản trị hệ thống, phải kết hợp với các biện pháp hành chính, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm quy định trong khai thác, sử dụng Internet và các trang mạng xã hội. Đây là biện pháp mang tính bắt buộc và “giải pháp cuối cùng” trong điều kiện các biện pháp khác chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với những đối tượng cố tình lợi dụng Internet và các trang mạng xã hội để tiến hành các hoạt động phạm pháp, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Theo đó, các cơ quan chức năng cần chủ động trong quản lý, theo dõi, điều tra, xác minh chính xác tính chất, mức độ vi phạm của từng tổ chức, cá nhân để có căn cứ thuyết phục giúp các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết, nghiêm minh, nhanh chóng, kịp thời các trường hợp vi phạm theo đúng pháp luật Việt Nam và các đạo luật, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết. Không để bị các đối tượng phản động lợi dụng vấn đề này để công kích Việt Nam; đặc biệt là xử lý các hành vi lợi dụng Internet và các trang mạng xã hội để tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước, gây rối trật tự công cộng; tung tin đồn thất thiệt để hạ thấp uy tín của tổ chức và cá nhân; mua bán, kinh doanh thương mại điện tử bất hợp pháp.
Khai thác, sử dụng Internet và các trang mạng xã hội là một nhu cầu cần thiết và chính đáng. Tuy nhiên, cũng giống như các lĩnh vực khác, để phát huy những thành tựu và tiện ích, khắc phục những tác động tiêu cực từ Internet và các trang mạng xã hội, Nhà nước phải có biện pháp quản lý hoạt động này, đây là một vấn đề hết sức bình thường, một quy luật trong quản lý xã hội, duy trì kỷ cương.
Song để quản lý Internet và các trang mạng xã hội thực sự có hiệu quả, một mặt vẫn bảo đảm các quyền cơ bản về “tự do Internet” theo pháp luật quốc tế, mặt khác giữ vững ổn định chính trị xã hội, khắc phục những tác động tiêu cực từ Internet và các trang mạng xã hội đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là vai trò của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; các cơ quan truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình, các nhà cung cấp dịch vụ Internet và nhất là vai trò tự giác, “tự bảo vệ” của mỗi cá nhân./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Nguyễn Hồng Quân, Từ “Mùa xuân Ả-Rập” suy ngẫm về biện pháp quản lý các trang mạng xã hội, Tạp chí Cộng sản số 850, tháng 8 năm 2013.
(2) Chính phủ, Nghị định số 72/2013/NQ-CP, ngày 15 tháng 7 năm 2013 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”.
(3) Khắc Thi, Giới hạn nào cho truyền thông mạng, Báo Sài Gòn giải phóng điện tử, ngày 21 tháng 7 năm 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét