Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

Vốn liếng quý báu của dân tộc

 Bài 1: "Vốn liếng quý báu của dân tộc"

                                                                               TẤN TUÂN - TRẦN CHIẾN - VĂN LƯƠNG

LTS: Trong mọi thời đại, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, tạo nên sức mạnh cho mỗi quốc gia, dân tộc trong chiến lược phát triển. Ở Việt Nam, trong điều kiện mới, làm gì để trí thức khẳng định vai trò, sứ mệnh là “nguyên khí quốc gia”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng là câu hỏi khó đối với toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bài 1: "Vốn liếng quý báu của dân tộc!"

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống quý trọng người hiền tài, trí thức. Trong dân gian truyền nhau về sự chiêm nghiệm có tính chất quy luật: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Trong đó, “phi trí bất hưng” đã được lịch sử kiểm nghiệm và có tính chất định hướng bao trùm trong tiến trình xây dựng, phát triển một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

“Phi trí bất hưng”

Kẻ sĩ ngày xưa - trí thức ngày nay là hiền tài của quốc gia, dân tộc. Sự tồn vong, hưng thịnh của quốc gia phụ thuộc rất lớn vào vai trò của kẻ sĩ - trí thức. Trải qua các giai đoạn lịch sử, chế độ phong kiến Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Trên Bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của Việt Nam) ghi rõ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”. Cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã viết: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt/ Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên...”, đại ý: Tước có 5 bậc, sĩ được dự vào bậc nhất; dân có 4 loại, sĩ đứng đầu... Cũng nhờ đó mà đất Việt qua bao đời: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có”.

Lịch sử dân tộc cho thấy, các bậc sĩ phu, hiền tài luôn đề cao tinh thần yêu nước, không bao giờ chịu khuất phục, cúi đầu trước sự xâm lăng của ngoại bang. Nhiều tấm gương kẻ sĩ với tinh thần, cốt cách như tùng, như bách, chí khí hiên ngang đã được lịch sử vinh danh muôn đời.

Trong thời đại mới, trí thức có vị trí, vai trò to lớn đối với sự phát triển xã hội. V.I. Lênin viết: “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được” và yêu cầu đảng của giai cấp công nhân phải biết “tạo ra tầng lớp trí thức riêng của mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”, là “một phần tương lai của dân tộc”.

Trân trọng nhân tài, thu hút và đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng trí thức là kinh nghiệm quý báu làm nên thành công của cách mạng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thực hành trong suốt quá trình tìm đường cứu nước, chuẩn bị thành lập Đảng, nhất là những ngày đầu lập nước. Trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú ý thu hút những trí thức có tài trong và ngoài nước đi theo cách mạng, giao phó những vị trí quan trọng để họ có điều kiện phát huy tài năng, cống hiến cho cách mạng. Điển hình như cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ, học giả, từng làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời Pháp thuộc, Chủ bút Báo Tiếng Dân, được Hồ Chí Minh hai lần gửi điện mời tham gia Chính phủ. Cụ được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thành lập tháng 3-1946.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị sang Pháp đàm phán với Chính phủ Pháp, Người đã tin tưởng giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng trọng trách Quyền Chủ tịch nước.

Nhiều trí thức tự nguyện đi theo cách mạng và trở thành những nhà cách mạng lỗi lạc, giữ cương vị cao trong bộ máy của Đảng, Chính phủ, như các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Tố Hữu... Nhiều trí thức, học sinh đã được cử đi học ở một số nước trên thế giới để về kiến thiết đất nước. Đồng thời, nhiều trí thức Việt Nam có tài ở nước ngoài, như: Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Phạm Huy Thông, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước... được mời về nước làm việc và có những đóng góp rất quan trọng vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đội ngũ trí thức không chỉ cống hiến sức lực, trí lực, mà còn cả sinh mệnh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Từ tầng lớp trí thức có số lượng nhỏ bé và phân tán, bị o ép về văn hóa bởi chủ nghĩa thực dân, đến năm 1954, miền Bắc đã có hơn 500 người có trình độ đại học và 3.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp. Đến năm 1964, số người có trình độ đại học và trung học chuyên nghiệp tăng lên 30.709 người (gấp 10 lần so với năm 1954). Đến năm 1975, miền Bắc có 41 trường, phân hiệu đại học (gấp 10,3 lần so với năm 1955). Sau ngày đất nước thống nhất, các tỉnh miền Nam có hơn 100.000 người có trình độ trung học trở lên, trong đó hơn 30.000 người trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, 16.000 người trình độ đại học và trên đại học. Có nguồn nhân lực chất lượng qua các giai đoạn lịch sử là nguyên nhân quan trọng giúp Đảng ta lãnh đạo toàn dân tộc giành thắng lợi to lớn trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức. Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khẳng định: “Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đều khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ trí thức và xác định rõ trách nhiệm, lộ trình, bước đi trong việc xây dựng đội ngũ trí thức có đủ “tâm” và “tầm”, tham gia có hiệu quả vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đại hội XIII của Đảng năm 2021 khi xác định các “đột phá chiến lược” phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo (tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045), đã nhấn mạnh nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao và yêu cầu cần có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.

Những bước trưởng thành vượt bậc

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu khoa học, PGS, TS Lê Tất Khương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu vùng đất, gặp gỡ bao nhiêu người nông dân. Triển khai mỗi đề tài, ông đều thu gặt nhiều thành quả trong việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Với những đóng góp to lớn, ông được vinh danh là một trong 112 trí thức tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Thời gian qua, hàng triệu trí thức Việt Nam đã tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học kỹ thuật và trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tại phiên họp cho ý kiến về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra mới đây, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư khẳng định: Đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học; là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế; có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nhân - nông dân - trí thức.

Đội ngũ trí thức Việt Nam đã có vai trò quan trọng và tích cực cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới; góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP ước đạt 409 tỷ USD và GDP bình quân đầu người năm 2022 khoảng 4.100 USD/người; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong đội ngũ trí thức, một bộ phận tham gia công tác lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt vai trò, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước. Nhiều trí thức năng động, sáng tạo, với tài năng và bản lĩnh đã hòa nhập nhanh chóng trong môi trường làm việc quốc tế, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới ngày càng phát triển. Đội ngũ trí thức có không ít đóng góp, tiên phong trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đối ngoại,... Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trí thức là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Minh chứng cho sự phát triển của đội ngũ trí thức là sau gần 40 năm đổi mới đất nước, từ 15 tổ chức hội ban đầu, đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho trí thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã có tới 156 hội thành viên (gồm 63 liên hiệp hội ở các địa phương và 93 hội ngành toàn quốc), gần 600 tổ chức khoa học, công nghệ, hình thành một mạng lưới các tổ chức thành viên và trực thuộc rộng khắp cả nước, đa ngành, đa lĩnh vực; tập hợp, thu hút khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước. Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng từ 4,42% (năm 2008) lên 7,92% (năm 2022). Số cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 10,07% (năm 2008) lên 26,05% (năm 2022); trình độ thạc sĩ tăng từ 45,4% (năm 2008) lên 61,4% (năm 2022). Thông qua các đề án và chương trình học bổng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, hơn 5.200 du học sinh công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở những quốc gia có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Hungary, Liên bang Nga, Trung Quốc...

Đặc biệt, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đội ngũ trí thức ở một số lĩnh vực, hoạt động đặc thù được hình thành và có những bước tiến bộ khá toàn diện. Sự chủ động trong chiến lược con người, trực tiếp là đội ngũ trí thức đã tạo nguồn nhân lực đủ mạnh, giúp thực hiện các “đột phá” phát triển đất nước.

BOX: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài”.

(Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X)./.

 

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

Mẹ là tất cả

                                                     










                                                     _Lính Trẻ_

                 Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc

Để Mẹ cười dẫu đôi má da nhăn

Đường bạn đi dù gian khó, nhọc nhằn

Hãy bình tâm cố gắng về thăm Mẹ.

 

Ngôi nhà xưa dù nhỏ, to, siêu vẹo

Vẫn là nơi chờ đợi các Con về

Nếu cứ Đợi khi nào ta thành đạt

Sẽ muộn màng, vắng Mẹ lúc vinh quang./.

_SQCT, Thạch Hoà, Thạch Thất, Hà Nội, 3h30 Chủ nhật, 14/5/2023 - Ngày của Mẹ_