Chị Trần Thị Lý trò chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
tại Hà Nội năm 1975.
Cầu Trần Thị Lý trên sông Hàn, Đà Nẵng.
Chị Trần Thị Lý tên thật là Trần Thị Nhâm, sinh năm 1933 ở Quảng Nam, tham
gia hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng năm 18 tuổi. Năm 1956, chị bị địch
bắt và chuyển qua rất nhiều nhà tù. Để khuất phục chị, địch đã không từ bất cứ
thủ đoạn tra tấn dã man tàn ác nào: lấy móc sắt xuyên qua bàn chân rồi treo
ngược lên xà nhà, lấy kìm sắt kẹp vào người rứt ra từng mảng thịt...
Sau hơn 2 năm giam cầm, tù đầy, tra tấn dã man mà không khai thác được gì,
địch vứt chị Lý ra ngoài nhà lao vì tưởng chị đã chết.
Tổ chức đã quyết định đưa chị ra Bắc trong một hành trình rất đặc biệt: từ
Quảng Nam vào Sài Gòn, sang Phnômpênh (Campuchia) rồi từ đó bay bằng máy bay ra
Hà Nội, trong lúc chị Lý mình đầy thương tích.
Lúc đó là vào giữa năm 1958. Phòng bệnh số 8, Nhà A1, Bệnh viện Việt - Xô tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ
sơ bệnh án ghi: “Trần Thị Nhâm (tức Lý),
tuổi 25, quê miền Nam, cân nặng: 26 kg. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn
co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, đầu vú bị cắt còn loét
nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục”.
Nhà thơ Tố Hữu đã đến bên giường bệnh thăm chị và ông đã khóc rất nhiều vì
quá xúc động. Bài thơ “Người con gái Việt Nam” xuất hiện
tháng 12 năm đó. Bài thơ sau đó được đưa vào sách giáo khoa, được dịch ra nhiều
thứ tiếng, gây xúc động lòng người và là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.
Trần Thị Lý chính là bằng chứng sống tố cáo tội ác chiến tranh lúc đó.
Trong thời gian dưỡng bệnh ở Hà Nội, chị có tình cảm với một thương binh
đồng hương. Hai người đã có một đám cưới đơn giản và đến năm 1978 mới làm đăng
ký kết hôn. Do bị tra tấn, chị mất khả năng sinh nở nên hai người nhận một con
gái nuôi. Năm 1979, Trần Thị Lý từ Hà Nội về sống tại Đà Nẵng, trong điều kiện
sức khỏe được phục hồi một phần. Gia cảnh gia đình chị thời gian đó khó khăn,
nhiều năm liền sống trong căn nhà cấp 4. Tháng 02 năm 1992 chị được phong tặng
danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cuối năm đó, chị mất tại Đà
Nẵng.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, các thế hệ Việt Nam sau này nhiều người không
biết đến chị. Song tên tuổi chị sẽ còn sống mãi với non sông đất Việt. Xin thêm một lần gọi chị bằng cái tên quen
thuộc giản dị như Nhà thơ Tố Hữu đã viết: Người con gái Việt Nam!
NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM
-Tố Hữu- Trích trong Tập thơ “Gió lộng” 1961
(Tặng chị Trần Thị Lý anh dũng)
Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?
Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.
Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa...
Cả nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần
Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!
Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp
Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em Gò Nổi, Kỳ Lam
Hỡi em, người con gái Việt Nam!
-Tố Hữu- Trích trong Tập thơ “Gió lộng” 1961
(Tặng chị Trần Thị Lý anh dũng)
Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?
Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.
Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa...
Cả nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần
Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!
Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp
Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em Gò Nổi, Kỳ Lam
Hỡi em, người con gái Việt Nam!
-07/12/1958-