Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

ĐỔI MỚI NỘI DUNG, HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP
TUYÊN TRUYỀN MIỆNG Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ TRONG QUÂN ĐỘI
                                                                           -PVL-
Tuyên truyền là một trong những hình thức chủ yếu của công tác tư tưởng. Hiểu theo nghĩa rộng, tuyên truyền là hoạt động truyền bá những kiến thức, những giá trị tinh thần, tác động vào các đối tượng trong xã hội nhằm làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin, bồi dưỡng và xây dựng tình cảm, ý chí, cổ vũ và thôi thúc mọi người hành động một cách tự giác theo những yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại” [1].
Công tác tuyên truyền là một hoạt động được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, Internet…); tuyên truyền thông qua các hình thức sinh hoạt chính trị; tuyên truyền bằng các phương tiện trực quan (panô, khẩu hiệu, truyền đơn, băng rôn, biểu ngữ, áp phích, tranh ảnh, triển lãm); tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hoá - nghệ thuật, các đội thông tin lưu động, tham quan bảo tàng, thư viện, danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử; thông qua các hoạt động giao tiếp xã hội, lễ hội quần chúng, các câu lạc bộ và hình thức tuyên truyền miệng...
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam: “Tuyên truyền miệng là một mặt hoạt động của công tác tư tưởng - văn hoá trong quân đội, là hình thức đặc biệt của công tác tuyên truyền, được tiến hành thông qua sự giao tiếp giữa người tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền chủ yếu bằng lời nói. Tuyên truyền miệng là vũ khí sắc bén, là công cụ hàng đầu trong tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội, của đơn vị…; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao" [2]. Với ưu thế sử dụng ngôn ngữ nói, có sự giao tiếp trực tiếp giữa người tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền, cùng với việc sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ) của người nói; biểu hiện sắc thái, tình cảm và làm tăng tính thuyết phục của nội dung thông tin. Đồng thời, tuyên truyền miệng còn có thể định hướng dư luận xã hội vào những nội dung, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm tốt hơn các hình thức tuyên truyền khác, đảm bảo được bí mật và phạm vi giới hạn của thông tin cho từng loại đối tượng theo quy định.
Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền miệng trong quân đội, đặc biệt là ở đơn vị cơ sở được tiến hành khá bài bản, có nền nếp và thu được hiệu quả tương đối tốt; đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức toàn diện, củng cố niềm tin và cổ vũ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ; tham gia đấu tranh phòng, chống các biểu hiện nhận thức và hành động lệch lạc, tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội trong và ngoài đơn vị; tham gia đấu tranh chống lại các luận điệu phản tuyên truyền, chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch… góp phần xây dựng môi trường văn hoá quân sự lành mạnh, xây dựng các đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, thực tế tiến hành công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở cũng bộc lộ những vấn đề tồn tại, yếu kém cần phải nhận thức và khắc phục kịp thời: một số cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác tuyên truyền miệng; nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền miệng chậm đổi mới; chất lượng của đội ngũ báo cáo viên bán chuyên trách, báo cáo viên kiêm nhiệm ở đơn vị cơ sở còn hạn chế nhất định; chế độ chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng như điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm còn nhiều hạn chế, bất cập;… Trong khi đó, trình độ nhận thức của các đối tượng ở đơn vị cơ sở đã được nâng lên một bước, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã phá vỡ sự “độc quyền thông tin” của đội ngũ báo cáo viên. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” trên mặt trận tư tưởng - lý luận, do vậy, cuộc đấu tranh trên mặt trận này càng diễn ra phức tạp, quyết liệt hơn. Trách nhiệm của những người cộng sản lúc này là phải chủ động tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quán triệt, thực hiện Chỉ thị Số 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” và Thông báo Kết luận Số 225-TB/TW ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền”; phải tiến hành đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng, trong đó có công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cở sở trong quân đội. Bởi vậy, vấn đề đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền miệng là một yêu cầu quan trọng cần phải được tiến hành thận trọng, quyết liệt và có hệ thống.
1. Đổi mới nội dung tuyên truyền miệng
Muốn thu hút được đối tượng tuyên truyền, vấn đề căn bản nhất là báo cáo viên, tuyên truyền viên phải có nội dung thông tin tốt. Do đó, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng cũng là vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng. Đối với các đơn vị cơ sở trong quân đội (cấp trung đoàn và tương đương) đội ngũ báo cáo viên đều là báo cáo viên bán chuyên trách và báo cáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng; tuổi đời và tuổi nghề còn ít; nội dung thông tin chủ yếu do cấp trên cung cấp theo hệ thống ngành dọc; điều kiện thời gian chuẩn bị một bài tuyên truyền miệng hạn chế, do đó ít có những thông tin mới, thông tin phân tích có chiều sâu, sử dụng phương pháp tiếp cận mới cho đối tượng người nghe. Do vậy, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở được xác định là vấn đề trọng tâm và có tính thực tế cao. Tuy nhiên đổi mới bắt đầu từ đâu, đổi mới theo xu hướng nào thì không phải báo cáo viên nào cũng định hình được. Xuất phát từ thực trạng chất lượng nội dung tuyên truyền miệng và kinh nghiệm của một số báo cáo viên ở đơn vị cơ sở có thể rút ra mấy vấn đề sau:
Một là, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng theo hướng toàn diện, phong phú, đa dạng, kịp thời, có cơ cấu thông tin hợp lý
Để thu hút được đối tượng người nghe, trước hết nội dung thông tin phải thường xuyên được đổi mới. Trong lượng thời gian có hạn, với đối tượng người nghe có nhu cầu thông tin đa dạng, có trình độ nhận thức khác nhau thì một “thực đơn thông tin” phong phú, với cơ cấu thông tin phù hợp sẽ dung hoà sở thích cho nhiều đối tượng người nghe. Từ các nội dung thông tin do cấp trên cung cấp, nhất là nội dung thông tin có định hướng từ hệ thống báo cáo viên. Cơ quan chính trị (trực tiếp là cơ quan tuyên huấn) phải kịp thời định hướng nội dung thông tin cho đội ngũ báo cáo viên thuộc quyền. Trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các nội dung thông tin bắt buộc do cấp trên chỉ đạo, phải tiến hành thu thập, lựa chọn và xử lý thông tin thêm từ các nguồn chính thống khác nhau, các thông tin từ thực tế hoạt động của chính cơ quan, đơn vị mình, những vấn đề cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực đóng quân đang quan tâm để bổ sung vào định hướng nội dung tuyên truyền cho báo cáo viên của đơn vị. Từng báo cáo viên phải chủ động, tích cực, sáng tạo, lựa chọn, phân tích có cơ sở khoa học một số thông tin quan trọng, vấn đề nhạy cảm, phức tạp; mạnh dạn cắt bỏ những thông tin dàn trải, khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp thông tin hoặc lượng thông tin nghèo nàn trong một bài nói.
Hai là, tăng tính thời sự, tính tư tưởng, tính khoa học trong nội dung các chuyên đề thời sự
Hiện nay, bài nói của đội ngũ báo cáo viên được tiến hành ở hai dạng cơ bản là thông báo chính trị - thời sự dạng điểm tin (thông báo chính trị cho các đối tượng) và nói chuyện thời sự chuyên đề (cho sĩ quan, QNCN, CNVQP, đảng viên, báo cáo viên). Như vậy, có thể nhận thấy tính chất cập nhật thông tin từ đội ngũ báo cáo viên không thể chạy theo kịp các phương tiện truyền thông đại chúng như: phát thanh, truyền hình, Internet… bởi vì, chúng có ưu thế về công nghệ mang đến những thông tin có tính thời sự rất cao, có thể tính bằng phút, cập nhật bằng giờ. Do vậy, báo cáo viên cũng phải chú ý mang đến cho người nghe thông tin có tính thời sự. Các thông tin này không chỉ là những thông tin vừa xảy ra, nó còn bao gồm những thông tin đã xảy ra nhưng chưa được hoặc không được phép công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; những thông tin cũ được phân tích, lý giải, xem xét đánh giá dưới góc độ tiếp cận mới. Đồng thời, phải sắp xếp, trình bày, bố cục, lựa chọn phân tích và bình luận các thông tin một cách khoa học, chặt chẽ, có trọng điểm, dựa trên những căn cứ sát đáng, có tính thuyết phục cao. Tuân thủ các quy định về phạm vi, đối tượng và mức độ thông tin; bảo đảm giữ gìn bí mật của Đảng, Nhà nước và bí mật quân sự. Đặt lên hàng đầu nguyên tắc tính Đảng, tính tư tưởng trong cung cấp thông tin nhằm phục vụ đắc lực cho việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và đơn vị.
Ba là, coi trọng nội dung thông tin những vấn đề về đường lối, chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội, các điển hình tiên tiến
Là một kênh chính thống, chủ đạo trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Công tác tuyên truyền miệng phải coi trọng trước hết việc cung cấp nội dung thông tin về đường lối, quan điểm mới của Đảng, Nhà nước, các quy định và chính sách mới có liên quan đến cán bộ, chiến sĩ và hậu phương quân đội. Tuy nhiên, khác với báo chí, phát thanh, truyền hình… là những kênh thông tin phục vụ rộng rãi tất cả công chúng. Công tác tuyên truyền miệng trong quân đội có đối tượng tương đối đồng đều về nhận thức, về nhu cầu thông tin… và nhất là đặc thù nghề nghiệp có liên quan trực tiếp tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Để mọi cán bộ, chiến sĩ luôn trung thành tuyệt đối, yên tâm công tác, tự tin, tự giác trong thực hiện chức trách nhiệm vụ họ phải được tuyên truyền, giáo dục một cách thường xuyên, có hệ thống, có mục đích rõ ràng. Do vậy, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, quân đội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh… luôn luôn phải được coi trọng trong các nội dung của công tác tuyên truyền miệng. Song phải đặt lên hàng đầu việc định hướng đúng đắn và kịp thời thông tin quan trọng; thông tin nội bộ; có liên hệ sát với đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ; nhiệm vụ của đơn vị và địa bàn đóng quân; thông tin những gương điển hình tiên tiến trong đơn vị để thực hiện triệt để phương châm: “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” ngay trong mỗi cơ quan, đơn vị (đặc biệt là các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, chế độ, chính sách và các vấn đề dư luận đang quan tâm). Đồng thời, tránh tình trạng sao chép thông tin trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình… một cách máy móc, chung chung, xa lạ với đời sống và nhu cầu thông tin của bộ đội.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỔ ĐỘNG THAO TRƯỜNG TRONG HUẤN LUYỆN Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ?

-PVL-
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cổ động thao trường (CĐTT) là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác tư tưởng nói riêng và công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện nói chung. Những năm qua, hoạt động CĐTT luôn được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhất là cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp rất quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Tuy vậy, thời gian qua ở một số đơn vị hoạt động CĐTT còn nhiều hạn chế, bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết là nhận thức của một số lãnh đạo, chỉ huy về vị trí, ý nghĩa, nội dung và hình thức hoạt động CĐTT còn chưa đầy đủ. Một số cán bộ, chiến sĩ cho rằng công tác CĐTT chỉ là của cán bộ chính trị, của Đoàn thanh niên, nó chỉ đơn thuần là những pa nô, khẩu hiệu, băng rôn hay đơn giản là các hoạt động đọc báo, văn hóa văn nghệ, trò chơi quân sự… phục vụ cho nhu cầu giải trí của bộ đội trong các giờ nghỉ trên thao trường, bãi tập. Vì vậy, sự đầu tư về kinh phí, vật chất cũng như chỉ đạo, xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động CĐTT chưa được chú ý đúng mức, hình thức hoạt động nghèo nàn, đơn điệu; cá biệt có đơn vị không tiến hành CĐTT trong huấn luyện ngoài thao trường, bãi tập.
Mặt khác, thao trường, bãi tập hiện nay của nhiều đơn vị đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản một số đơn vị vẫn phải thuê, mượn đất canh tác của nhân dân địa phương. Trong khi đó số lượng các đề mục huấn luyện trên thao trường, bãi tập đều đòi hỏi cường độ cao, vật chất bảo đảm cho huấn luyện nhiều trong khi vật chất, phương tiện cho hoạt động CĐTT còn thiếu thốn… đây là những khó khăn, bất cập cho việc tiến hành hoạt động CĐTT trong huấn luyện. Khắc phục những bất cập, hạn chế trên, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là thay đổi về nhận thức trong lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trong cán bộ, chiến sĩ và cơ quan chính trị các đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động CĐTT… theo chúng tôi cần tập trung vào thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp, trực tiếp là cán bộ đại đội, trung đội nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, nội dung, hình thức, phương pháp CĐTT: Cổ động thao trường chính là nội dung, hình thức của công tác tuyên truyền, cổ động; là nội dung và hình thức của công tác tư tưởng; công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ. Nội dung, hình thức phải phong phú, phương pháp phải linh hoạt, sáng tạo, sát đối tượng, sát đề mục huấn luyện và điều kiện của đơn vị. CĐTT không chỉ tiến hành trong giờ nghỉ giải lao trên thao trường, bãi tập, mà diễn ra cả trước, trong và sau các đề mục huấn luyện. Những bài hát trên đường ra bãi tập, những pa nô, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc, cờ Đoàn, hòm báo, tủ sách thao trường, những mẩu chuyện kẻ về kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện, những trò chơi quân sự… đều là những nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động CĐTT. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trước khi đưa bộ đội đi huấn luyện các nội dung trên thao trường, bãi tập phải quán triệt đầy đủ cho họ về ý thức trách nhiệm trong tham gia hoạt động CĐTT, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiến hành CĐTT có chất lượng.
Hai là, xây dựng kế hoạch hoạt động CĐTT cụ thể, sát đúng: Căn cứ nội dung huấn luyện, đối tượng, thời gian và điều kiện đơn vị để xác định nội dung, hình thức và phương pháp CĐTT cho phù hợp với hình thức huấn luyện, nhất là các nội dung huấn luyện về chiến thuật, kỹ thuật. Huấn luyện chiến thuật ở hình thức chiến đấu tiến công, vật chất và vũ khí trang bị nhiều, bộ đội thường xuyên cơ động, tình huống đa dạng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bộ đội… hoạt động CĐTT nên dùng các nội dung, hình thức, biện pháp nhẹ nhàng, vui nhộn như (nói chuyện, kể chuyện về kinh nghiệm chiến đấu, gương chiến đấu dũng cảm, một số tiết mục văn nghệ, tổ chức đọc báo…) để khuyến khích bộ đội cố gắng và thi đua trong huấn luyện. Với hình thức chiến đấu phòng ngự, bộ đội ít di chuyển, có thể vận dụng tổ chức các trò chơi quân sự, kéo co. Trường hợp trong thực hành bắn đạn thật, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ, vấn đề tâm lý là rất quan trọng… hoạt động CĐTT có thể dùng các nội dung, hình thức và biện pháp gây khí thế sôi nổi, quyết tâm cao, bình tĩnh tự tin cho bộ đội như: Trên thao trường trang trí các băng rôn, khẩu hiệu, trên mũ cứng của bộ đội có khẩu hiệu bướm, tổ chức hệ thống loa truyền thanh cầm tay để chỉ đạo và tuyên truyền. Tổ chức gắn hoa điểm 10 cho những cá nhân “bắn-đánh-ném” đạt giỏi, những đồng chí kiểm tra đạt kết quả cao ngay tại thao trường để kịp thời biểu dương khích lệ bộ đội, tổ chức rút kinh nghiệm cho những đồng chí kiểm tra sau đạt kết quả tốt hơn.
Ba là, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm và năng lực cho lực lượng nòng cốt: Mỗi đại đội cần thành lập tổ nhóm tuyên truyền, cổ động; nhóm hoạt động sách báo, tin nội bộ; nhóm văn nghệ quần chúng… mỗi tổ nhóm có từ 2 – 3 cán bộ, chiến sĩ, lựa chọn những đồng chí có kinh nghiệm, có năng khiếu và ý thức trách nhiệm cao, được cán bộ chính trị đơn vị bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Đây chính là lực lượng nòng cốt của đơn vị trong hoạt động CĐTT trong huấn luyện.

Bốn là, cơ quan chính trị thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động CĐTT: Hiện nay một số đơn vị trong toàn quân không có tủ sách, hòm báo thao trường. Hoặc tổ chức hoạt động mang tính tự phát nên chất lượng, hiệu quả không cao. Có đơn vị tận dụng cặp sách của cán bộ để mang sách, báo ra thao trường; số lượng báo chí và sách tham khảo chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ nhất là các đại đội đủ quân; hệ thống băng cờ, khẩu hiệu và vật chất phục vụ hoạt động CĐTT còn hạn chế. Việc theo dõi, kiểm tra và chấm điểm thi đua về hoạt động CTĐ, CTCT của cơ quan chính trị trong huấn luyện, trong đó có hoạt động CĐTT ở một số đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó việc thiếu nội dung, phương pháp tiến hành hoạt động CĐTT của cán bộ đơn vị, nhất là cán bộ trung đội, tiểu đội… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động này, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong đơn vị để tổ chức tốt hoạt động CĐTT. Cơ quan chính trị cần tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy về tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động CTĐ, CTCT nói chung và hoạt động CĐTT nói riêng, đồng thời bổ sung cơ sở vật chất để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐTT trong huấn luyện tại các đơn vị hiện nay./.