Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

ĐỔI MỚI NỘI DUNG, HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP
TUYÊN TRUYỀN MIỆNG Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ TRONG QUÂN ĐỘI
                                                                           -PVL-
Tuyên truyền là một trong những hình thức chủ yếu của công tác tư tưởng. Hiểu theo nghĩa rộng, tuyên truyền là hoạt động truyền bá những kiến thức, những giá trị tinh thần, tác động vào các đối tượng trong xã hội nhằm làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin, bồi dưỡng và xây dựng tình cảm, ý chí, cổ vũ và thôi thúc mọi người hành động một cách tự giác theo những yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại” [1].
Công tác tuyên truyền là một hoạt động được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, Internet…); tuyên truyền thông qua các hình thức sinh hoạt chính trị; tuyên truyền bằng các phương tiện trực quan (panô, khẩu hiệu, truyền đơn, băng rôn, biểu ngữ, áp phích, tranh ảnh, triển lãm); tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hoá - nghệ thuật, các đội thông tin lưu động, tham quan bảo tàng, thư viện, danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử; thông qua các hoạt động giao tiếp xã hội, lễ hội quần chúng, các câu lạc bộ và hình thức tuyên truyền miệng...
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam: “Tuyên truyền miệng là một mặt hoạt động của công tác tư tưởng - văn hoá trong quân đội, là hình thức đặc biệt của công tác tuyên truyền, được tiến hành thông qua sự giao tiếp giữa người tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền chủ yếu bằng lời nói. Tuyên truyền miệng là vũ khí sắc bén, là công cụ hàng đầu trong tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội, của đơn vị…; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao" [2]. Với ưu thế sử dụng ngôn ngữ nói, có sự giao tiếp trực tiếp giữa người tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền, cùng với việc sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ) của người nói; biểu hiện sắc thái, tình cảm và làm tăng tính thuyết phục của nội dung thông tin. Đồng thời, tuyên truyền miệng còn có thể định hướng dư luận xã hội vào những nội dung, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm tốt hơn các hình thức tuyên truyền khác, đảm bảo được bí mật và phạm vi giới hạn của thông tin cho từng loại đối tượng theo quy định.
Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền miệng trong quân đội, đặc biệt là ở đơn vị cơ sở được tiến hành khá bài bản, có nền nếp và thu được hiệu quả tương đối tốt; đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức toàn diện, củng cố niềm tin và cổ vũ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ; tham gia đấu tranh phòng, chống các biểu hiện nhận thức và hành động lệch lạc, tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội trong và ngoài đơn vị; tham gia đấu tranh chống lại các luận điệu phản tuyên truyền, chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch… góp phần xây dựng môi trường văn hoá quân sự lành mạnh, xây dựng các đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, thực tế tiến hành công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở cũng bộc lộ những vấn đề tồn tại, yếu kém cần phải nhận thức và khắc phục kịp thời: một số cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác tuyên truyền miệng; nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền miệng chậm đổi mới; chất lượng của đội ngũ báo cáo viên bán chuyên trách, báo cáo viên kiêm nhiệm ở đơn vị cơ sở còn hạn chế nhất định; chế độ chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng như điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm còn nhiều hạn chế, bất cập;… Trong khi đó, trình độ nhận thức của các đối tượng ở đơn vị cơ sở đã được nâng lên một bước, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã phá vỡ sự “độc quyền thông tin” của đội ngũ báo cáo viên. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” trên mặt trận tư tưởng - lý luận, do vậy, cuộc đấu tranh trên mặt trận này càng diễn ra phức tạp, quyết liệt hơn. Trách nhiệm của những người cộng sản lúc này là phải chủ động tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quán triệt, thực hiện Chỉ thị Số 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” và Thông báo Kết luận Số 225-TB/TW ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền”; phải tiến hành đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng, trong đó có công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cở sở trong quân đội. Bởi vậy, vấn đề đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền miệng là một yêu cầu quan trọng cần phải được tiến hành thận trọng, quyết liệt và có hệ thống.
1. Đổi mới nội dung tuyên truyền miệng
Muốn thu hút được đối tượng tuyên truyền, vấn đề căn bản nhất là báo cáo viên, tuyên truyền viên phải có nội dung thông tin tốt. Do đó, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng cũng là vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng. Đối với các đơn vị cơ sở trong quân đội (cấp trung đoàn và tương đương) đội ngũ báo cáo viên đều là báo cáo viên bán chuyên trách và báo cáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng; tuổi đời và tuổi nghề còn ít; nội dung thông tin chủ yếu do cấp trên cung cấp theo hệ thống ngành dọc; điều kiện thời gian chuẩn bị một bài tuyên truyền miệng hạn chế, do đó ít có những thông tin mới, thông tin phân tích có chiều sâu, sử dụng phương pháp tiếp cận mới cho đối tượng người nghe. Do vậy, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở được xác định là vấn đề trọng tâm và có tính thực tế cao. Tuy nhiên đổi mới bắt đầu từ đâu, đổi mới theo xu hướng nào thì không phải báo cáo viên nào cũng định hình được. Xuất phát từ thực trạng chất lượng nội dung tuyên truyền miệng và kinh nghiệm của một số báo cáo viên ở đơn vị cơ sở có thể rút ra mấy vấn đề sau:
Một là, đổi mới nội dung tuyên truyền miệng theo hướng toàn diện, phong phú, đa dạng, kịp thời, có cơ cấu thông tin hợp lý
Để thu hút được đối tượng người nghe, trước hết nội dung thông tin phải thường xuyên được đổi mới. Trong lượng thời gian có hạn, với đối tượng người nghe có nhu cầu thông tin đa dạng, có trình độ nhận thức khác nhau thì một “thực đơn thông tin” phong phú, với cơ cấu thông tin phù hợp sẽ dung hoà sở thích cho nhiều đối tượng người nghe. Từ các nội dung thông tin do cấp trên cung cấp, nhất là nội dung thông tin có định hướng từ hệ thống báo cáo viên. Cơ quan chính trị (trực tiếp là cơ quan tuyên huấn) phải kịp thời định hướng nội dung thông tin cho đội ngũ báo cáo viên thuộc quyền. Trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các nội dung thông tin bắt buộc do cấp trên chỉ đạo, phải tiến hành thu thập, lựa chọn và xử lý thông tin thêm từ các nguồn chính thống khác nhau, các thông tin từ thực tế hoạt động của chính cơ quan, đơn vị mình, những vấn đề cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực đóng quân đang quan tâm để bổ sung vào định hướng nội dung tuyên truyền cho báo cáo viên của đơn vị. Từng báo cáo viên phải chủ động, tích cực, sáng tạo, lựa chọn, phân tích có cơ sở khoa học một số thông tin quan trọng, vấn đề nhạy cảm, phức tạp; mạnh dạn cắt bỏ những thông tin dàn trải, khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp thông tin hoặc lượng thông tin nghèo nàn trong một bài nói.
Hai là, tăng tính thời sự, tính tư tưởng, tính khoa học trong nội dung các chuyên đề thời sự
Hiện nay, bài nói của đội ngũ báo cáo viên được tiến hành ở hai dạng cơ bản là thông báo chính trị - thời sự dạng điểm tin (thông báo chính trị cho các đối tượng) và nói chuyện thời sự chuyên đề (cho sĩ quan, QNCN, CNVQP, đảng viên, báo cáo viên). Như vậy, có thể nhận thấy tính chất cập nhật thông tin từ đội ngũ báo cáo viên không thể chạy theo kịp các phương tiện truyền thông đại chúng như: phát thanh, truyền hình, Internet… bởi vì, chúng có ưu thế về công nghệ mang đến những thông tin có tính thời sự rất cao, có thể tính bằng phút, cập nhật bằng giờ. Do vậy, báo cáo viên cũng phải chú ý mang đến cho người nghe thông tin có tính thời sự. Các thông tin này không chỉ là những thông tin vừa xảy ra, nó còn bao gồm những thông tin đã xảy ra nhưng chưa được hoặc không được phép công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; những thông tin cũ được phân tích, lý giải, xem xét đánh giá dưới góc độ tiếp cận mới. Đồng thời, phải sắp xếp, trình bày, bố cục, lựa chọn phân tích và bình luận các thông tin một cách khoa học, chặt chẽ, có trọng điểm, dựa trên những căn cứ sát đáng, có tính thuyết phục cao. Tuân thủ các quy định về phạm vi, đối tượng và mức độ thông tin; bảo đảm giữ gìn bí mật của Đảng, Nhà nước và bí mật quân sự. Đặt lên hàng đầu nguyên tắc tính Đảng, tính tư tưởng trong cung cấp thông tin nhằm phục vụ đắc lực cho việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và đơn vị.
Ba là, coi trọng nội dung thông tin những vấn đề về đường lối, chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội, các điển hình tiên tiến
Là một kênh chính thống, chủ đạo trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Công tác tuyên truyền miệng phải coi trọng trước hết việc cung cấp nội dung thông tin về đường lối, quan điểm mới của Đảng, Nhà nước, các quy định và chính sách mới có liên quan đến cán bộ, chiến sĩ và hậu phương quân đội. Tuy nhiên, khác với báo chí, phát thanh, truyền hình… là những kênh thông tin phục vụ rộng rãi tất cả công chúng. Công tác tuyên truyền miệng trong quân đội có đối tượng tương đối đồng đều về nhận thức, về nhu cầu thông tin… và nhất là đặc thù nghề nghiệp có liên quan trực tiếp tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Để mọi cán bộ, chiến sĩ luôn trung thành tuyệt đối, yên tâm công tác, tự tin, tự giác trong thực hiện chức trách nhiệm vụ họ phải được tuyên truyền, giáo dục một cách thường xuyên, có hệ thống, có mục đích rõ ràng. Do vậy, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, quân đội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh… luôn luôn phải được coi trọng trong các nội dung của công tác tuyên truyền miệng. Song phải đặt lên hàng đầu việc định hướng đúng đắn và kịp thời thông tin quan trọng; thông tin nội bộ; có liên hệ sát với đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ; nhiệm vụ của đơn vị và địa bàn đóng quân; thông tin những gương điển hình tiên tiến trong đơn vị để thực hiện triệt để phương châm: “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” ngay trong mỗi cơ quan, đơn vị (đặc biệt là các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, chế độ, chính sách và các vấn đề dư luận đang quan tâm). Đồng thời, tránh tình trạng sao chép thông tin trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình… một cách máy móc, chung chung, xa lạ với đời sống và nhu cầu thông tin của bộ đội.

2. Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền miệng
Hình thức, phương pháp tuyên truyền miệng rất đa dạng, phong phú, linh hoạt mang tính nhiều mặt. Đây cũng là đặc trưng của công tác tuyên truyền miệng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”[3].
Vì vậy, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở trong quân đội là “cầu nối” để chuyển tải nội dung và tính thuyết phục của thông tin đến đối tượng. Trong điều kiện hiện nay, việc đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền miệng cần thực hiện tốt biện pháp sau:
Một là, củng cố, duy trì thường xuyên, có nền nếp, chất lượng các chế độ hoạt động tuyên truyền miệng
Theo Điều 7, Quy chế công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2008, chế độ hoạt động tuyên truyền miệng trong quân đội bao gồm: chế độ thông báo chính trị, nói chuyện thời sự; chế độ hội nghị bồi dưỡng báo cáo viên hàng tháng; chế độ tập huấn báo cáo viên; chế độ thi báo cáo viên; chế độ kiểm tra, báo cáo, sơ kết, tổng kết. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện các chế độ này ở đơn vị cơ sở chưa thực sự nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Về cơ bản chế độ thông báo chính trị, nói chuyện thời sự được thực hiện có nền nếp, chất lượng tương đối tốt; các chế độ còn lại chủ yếu được tiến hành ở cấp trên cơ sở hoặc có tiến hành nhưng chưa đi vào nền nếp, chủ yếu chỉ thực hiện khi có sự chỉ đạo hoặc kế hoạch của cơ quan chính trị cấp trên. Trong khi đó, việc thực hiện chế độ thông báo chính trị, nói chuyện thời sự ở nhiều đơn vị của đội ngũ báo cáo viên có lúc, có nội dung chất lượng hiệu quả chưa cao, hình thức và phương pháp chưa hấp dẫn, kinh nghiệm lối mòn. Cá biệt có báo cáo viên sao chép nội dung của đồng đội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, không có bình luận, phân tích, liên hệ và định hướng tư tưởng cho bộ đội sát thực tế, nên một số buổi thông báo chính trị - thời sự dạng điểm tin vào ngày thứ hai thực chất lại là một buổi đọc báo tổng hợp trong tuần, gây ức chế cho người nghe. Do đó, cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên và người chỉ huy phải duy trì nghiêm túc, nền nếp và bảo đảm chất lượng các chế độ hoạt động tuyên truyền miệng, nhất là chế độ thông tin thời sự hàng tháng. Đề cao tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên trong chuẩn bị và thực hành bài nói.
Hai là, chú trọng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phát huy dân chủ, kết hợp tốt giữa hình thức độc thoại và đối thoại giữa người nói và người nghe, khắc phục tình trạng thông tin một chiều
Ưu thế của tuyên truyền miệng là giao tiếp trực tiếp bằng lời nói giữa người nói và người nghe, nên nó có khả năng tạo không khí dân chủ, cởi mở, thân mật giữa chủ thể và đối tượng tuyên truyền. Tuy nhiên, trong điều kiện có rất nhiều thông tin cùng lúc và trình độ người nghe được nâng lên một bước, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng tốt hơn. Việc báo cáo viên không chú ý đổi mới phương thức hoạt động, chỉ sử dụng phương pháp độc thoại, tuyên truyền một chiều theo tư duy áp đặt thông tin cho người nghe sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng tuyên truyền, làm giảm uy tín của đội ngũ báo cáo viên, mà lớn hơn là ảnh hưởng tới việc tạo nên sự thống nhất về nhận thức tư tưởng và hành động trong đơn vị. Để khắc phục vấn đề này, đòi hỏi từng báo cáo viên phải nêu cao tinh thần cầu thị, cởi mở, thân ái khi thực hành thuyết trình, chủ động khêu gợi vấn đề để đối thoại với người nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội để rút kinh nghiệm kịp thời sau mỗi buổi nói chuyện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng.
Ba là, kết hợp chặt chẽ các loại hình, các phương tiện, các lực lượng trong “binh chủng” tuyên truyền
Mỗi một hình thức tuyên truyền đều có những đặc trưng và ưu thế riêng, đồng thời chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau. Với sự bùng nổ về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin như hiện nay thì việc sử dung kết hợp các lực lượng, các phương tiện, các loại hình để tạo nên sức mạnh, hiệu quả tuyên truyền là yêu cầu khách quan của mọi quốc gia, mọi tổ chức, mọi đảng phái. Đối với công tác tuyên truyền ở đơn vị cơ sở trong Quân đội ta, công tác tuyên truyền miệng vẫn được xác định là hình thức chủ đạo, hiệu quả cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở cũng được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau: học tập, sinh hoạt chính trị theo nội dung, chương trình chính khoá và ngoại khoá; học tập, sinh hoạt của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân; nghe nói chuyện thời sự, thông báo chính trị, mít tinh, diễn đàn, toạ đàm, nói chuyện, kể chuyện; thông qua hoạt động văn hoá văn nghệ, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, thông tin viên, tuyên truyền cá biệt… Song, trong điều kiện mới, công tác này phải được kết hợp hài hoà, tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện của từng đơn vị, từng báo cáo viên, ở từng nội dung tuyên truyền. Trong đó, cần ưu tiên sử dụng các sơ đồ, mẫu biểu, mô hình mô phỏng, phương tiện trình chiếu, máy ghi âm, máy ghi hình… để hỗ trợ và làm tăng tính hấp dẫn, thuyết phục trong nội dung thông tin của báo cáo viên, tuyên truyền viên./.




[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 162
[2] Tổng cục Chính trị/Quân đội nhân dân Việt Nam, Điều 1, Quy chế công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 26 tháng 8 năm 2008.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 417

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét