Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thầy tôi


THẦY TÔI
(Kính tặng các thế hệ thầy cô giáo Trường Đại học Chính trị)
Phan Lương 
Thầy của tôi mang quân phục xanh
Hiếm khi nào thấy thầy mang sắc trắng
Cuộc đời thầy đã trải bao mưa nắng
Dấu chân in trên khắp các nẻo đường,
Từ chiến trường năm xưa một thời máu lửa
Tới giảng đường, bãi tập hôm nay
Dù nắng hay mưa, vẫn thấy thầy hăng say
Vẫn miệt mài bên từng trang giáo án.

Quân phục xanh nhưng thầy mang ánh sáng
Dạy dỗ học trò, truyền lửa tương lai
Cuộc đời thầy cũng không ít trông gai
Đã nhiều lúc đứng bên bờ sinh tử
Đã có lúc “gạo, tiền” lo chưa đủ
Nhưng vẫn yêu đời, nhiệt huyết đam mê.

Đến hôm nay khi sắp rời bục giảng
Giọng nói đã hơi khàn, bước chậm mỗi khi đi
Nhưng vẫn toát lên ở thầy bao hy vọng
Về cuộc sống, trường đời, binh nghiệp tương lai.
“Trong cuộc sống có lúc đúng, khi sai     
Nhưng quan trọng đừng để mình lệch hướng”
Lời của thầy dù năm tháng trôi đi
Sẽ vẫn mãi vang lên trong trí nhớ
Là cẩm nang, hành trang không sáo rỗng
Của lớp lớp học trò Trường Chính trị thân yêu./.
Bắc Ninh, ngày 01 tháng 11 năm 2013.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

“Đại tướng của nhân dân”

(Kính viếng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp!)
Phan Lương
Giữa thế kỷ hai mươi ngập tràn biến động
Có một con người tạo dấu ấn không phai -
           trong trái tim những ai đã từng làm chiến sĩ,
                       trong mỗi con người từ đất Việt sinh ra.

Võ Nguyên Giáp, Người là cha, là chú, là anh
Là “đồng chí” của bao người, chưa từng mang màu xanh áo lính.
Suốt cuộc trường trinh gian nan vạn dặm
Tên tuổi Người gắn với những chiến công,
          chỉ có một không hai, đã tạc vào lịch sử,
                     làm khiếp đảm quân thù - làm rạng rỡ Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp - là “anh Cả”, “anh Hai”
Dẫu cách gọi, Bắc - Nam mỗi khác
Giữa cuộc sống đời thường, hay chiến trinh, trận mạc
Người mãi vẫn là “Đại tướng của nhân dân”.

(Bắc Ninh, ngày 11/10/2013).

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Một số hình ảnh về thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đại tướng của nhân dân”

  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Nụ cười chiến thắng.


Đại tướng và phu nhân


Chân dung Đại tướng.


                                                  Đại tướng hạnh phúc bên gia đình.



                                               Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân 
                                                - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Đại tướng cùng phu nhân chơi đàn piano tại tư gia.


Đại tướng trả lời phóng viên quốc tế.


Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng
gặp nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đại thắng (5-1975).


Đại tướng và Chủ tịch Cu ba, Phi-đen-cat-tơ-rô


Đại tướng sau giờ làm việc.


 Đại tướng thăm bà Lê Thị Om, dân tộc Thái, tỉnh Sơn La, một người có công với cách mạng trong kháng chiến chống Pháp (tháng 4-2004).



Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp bàn phương án tác chiến cùng
Hoàng thân Xuphanuvông trong kháng chiến chống Pháp.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, ngày 22 tháng 12 năm 1944.



Đại tướng thăm lại chiến trường xưa.



Đại tướng thăm Trường Sĩ quan Chính trị quân sự 
(Trường Đại học Chính trị), ngày 17/12/1992.



Cháu bé trên lưng cha vào viếng Đại tướng.

Thiếu niên Quảng Bình tiễn biệt Đại tướng.


Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

PHÒNG CHỐNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA INTERNET VÀ CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY


Phan Lương

1. Internet và các trang mạng xã hội - Thành tựu vĩ đại, tác động đa chiều
Internet ra đời là một thành tựu vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ XX. Tiền thân của mạng Internet ban đầu là mạng ARPANET do Cơ quan Quản lý dự án Nghiên cứu phát triển ARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1969. Năm 1974, thuật ngữ “Internet” chính thức xuất hiện, tuy nhiên, dấu mốc lịch sử quan trọng của nó được xác lập vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX khi Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) thành lập mạng liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau, gọi là mạng NSFNET (tiền thân của mạng Internet ngày nay). Với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội, khả năng kết nối mở, Internet đã trở thành một mạng lớn nhất trên thế giới, “mạng của các mạng” và được ứng dụng ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội đến đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Cũng từ đó, các dịch vụ trên Internet không ngừng phát triển và tạo ra “kỷ nguyên công nghệ truyền thông kỹ thuật số”, trong đó, đáng chú ý là sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Yahoo, Yume, Zingme, You Tube, Blog…
Việt Nam là quốc gia sử dụng mạng Internet tương đối muộn so với các nước trong khu vực và trên thế giới (ngày 19 tháng 11 năm 1997). Tuy nhiên sau gần 16 năm hoạt động, Việt Nam lại là một trong những nước có tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng và số lượng người sử dụng Internet tăng nhanh nhất thế giới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), đến 12/2012, Việt Nam đứng thứ 18 trên tổng số 20 quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới, xếp thứ 8 tại khu vực châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á, với khoảng trên 31 triệu người, chiếm 35,49% dân số (1).
Internet và các trang mạng xã hội đã tạo ra cơ hội cho tất cả các đối tượng không phân biệt tuổi tác, trình độ, giai cấp, dân tộc, khoảng cách địa lý, biên giới quốc gia… có thể truy cập, tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin phục vụ cho tất cả các nhu cầu và mục đích của người sử dụng. Khác với báo chí, phát thanh, truyền hình, thư tín truyền thống… Internet và các trang mạng xã hội có tính tương tác và tính thời sự cao, người dùng ở mọi địa điểm, mọi thời điểm có thể chia sẻ, đăng tải các thông tin, hình ảnh, trình bày suy nghĩ, tâm trạng của cá nhân, tìm kiếm kết bạn, xây dựng các mối quan hệ cùng lúc với nhiều người mà không cần sử dụng các thông tin thật. Nói cách khác, thông qua Internet và các trang mạng xã hội mọi người có thể thực hiện các nội dung, các công việc với nhiều mục đích khác nhau trong đời sống thực nhưng được tiến hành trên “không gian ảo”, “xã hội ảo”.
Những tiện ích, tác dụng của Internet và các trang mạng xã hội mang lại cho cuộc sống, cho xã hội rất rõ ràng và không phải bàn cãi. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, những hệ lụy và tác động tiêu cực mà nó mang đến cũng không hề ít. Hiện nay, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên công cụ tìm kiếm Google, chúng ta có thể tìm thấy đủ mọi thứ “thượng vàng hạ cám”, đủ mọi vấn đề hỷ, nộ, ái, ố. Không có gì lạ khi thời gian gần đây nhiều vụ việc, nhiều vấn đề tiêu cực có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng Internet và các trang mạng xã hội gây nên như tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc trong sử dụng Internet và các trang mạng xã hội; đưa các tin tức, hình ảnh thiếu chính xác, tung tin đồn sai sự thật; bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, nhân phẩm và thương hiệu của các tổ chức và cá nhân; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, xuyên tạc đời tư cá nhân cán bộ lãnh đạo các cấp; kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam.