Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Biện pháp phòng chống thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch

                                                                                                        PVL
Việt Nam là một quốc gia “đất không rộng, người không đông”, song có một vị trí địa chính trị rất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á - nơi có tuyến đường vận tải đường biển lớn nhất thế giới và là nơi giao thao của nhiều nền văn hóa. Cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam là một đất nước có nhiều tôn giáo song song tồn tại trong tiến trình lịch sử; trong đó có cả tôn giáo ngoại nhập và tôn giáo nội sinh. Số lượng tín đồ tôn giáo ở nước ta hiện nay chiếm trên 20% dân số và đang có chiều hướng tăng nhanh về số lượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Khác với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các tôn giáo ở Việt Nam dù nội sinh hay ngoại nhập, dù xuất hiện sớm hay muộn, có nhiều hay có ít tín đồ thì về cơ bản các tôn giáo đều chung sống hòa bình trong đại gia đình Việt Nam. Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, dù không tránh khỏi những bất đồng, khác biệt nhất định, song nhìn chung các tôn giáo và tín đồ tôn giáo đều đoàn kết, chung sức xây dựng đất nước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và thống nhất cho Tổ quốc; Đảng và Nhà nước ta đều nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Tuy nhiên, tôn giáo là một hiện tượng xã hội lịch sử phức tạp, đang có nhiều xu hướng phát triển và biến đổi khác nhau. Thực tế lịch sử ở nhiều nước và đặc biệt là ở Việt Nam thời gian qua đã cho thấy, chỉ một sự hiểu lầm, một tư tưởng cực đoan, sự nghi kỵ, mất niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; cộng với sự “hà hơi, tiếp sức” của các thế lực phản động trong và ngoài nước cũng có thể xảy ra những sự việc gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội rất nghiêm trọng. Các vụ việc đã từng xảy ra năm 1993 hay vụ việc Nguyễn Văn Lý năm 2001 ở Thừa Thiên Huế, vụ bạo động ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004, gần đây là vụ giáo xứ Thái Hà, giáo xứ Mỹ Yên ở  Nghệ An năm 2013, hoạt động của tà đạo Hà Mòn ở Kon Tum, tà đạo Dương Văn Mình và tà đạo Hoàng Thiên Long (còn gọi là đạo Tâm linh Hồ Chí Minh, đạo Bác Hồ)... ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã cho thấy, vấn đề tôn giáo ở nước ta vẫn đang tiềm ẩn diễn biến khó lường, đe dọa phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đáng nói là trong tất cả các vụ việc có liên quan tới vấn đề tôn giáo ở nước ta trong những năm qua đều ít nhiều có sự can thiệp của các thế lực phản động.
Vậy chúng ta phải làm gì để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và phòng, chống có hiệu quả việc lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nước ta, đó là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để quần chúng nhân dân và các tín đồ tôn giáo nắm đúng, hiểu rõ, thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Giữ gìn, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào lương giáo trên cơ sở truyền thống, bản sắc và lợi ích quốc gia dân tộc; gác lại những khác biệt để cùng chung tay xây dựng quê hương, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục để đồng bào, nhất là tín đồ tôn giáo có nhận thức đúng đắn và tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước; thực hiện tốt cả “việc đời” và “việc đạo”. Đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước các hành động kích động, lôi kéo, mua chuộc của các phần tử cơ hội, phản động chống phá cách mạng Việt Nam, lợi dụng vấn đề tôn giáo, tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Thứ hai, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo. Trên cơ sở Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, cần nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa thành các văn bản luật, hướng dẫn thi hành luật để quản lý, điều chỉnh tốt hơn hoạt động của các tôn giáo, các tín đồ tôn giáo. Đưa các tôn giáo vào hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đã tham gia ký kết. Một mặt, Đảng, Nhà nước ta khẳng định quan điểm, chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo vệ quyền tự do theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo vệ các hoạt động hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo; mặt khác, kiên quyết đấu tranh chống lại những hoạt động tôn giáo trái pháp luật hoặc lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường giáo dục, thuyết phục, cảm hóa đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng, quản lý hoạt động của đội ngũ giáo sĩ, chức sắc tôn giáo. Đây là lực lượng đặc biệt, nòng cốt, có ảnh hưởng rất lớn trong từng tôn giáo, trong cộng đồng dân cư cũng như ngoài xã hội. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, nhất là mặt trận tổ quốc cần chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền, thuyết phục, cảm hóa lực lượng này. Tranh thủ sự ủng hộ của các giáo sĩ, chức sắc tôn giáo tiến bộ để cảm hóa các đối tượng có nhận thức và hành động sai trái, nhất là các đối tượng trung gian để họ tự giác và chủ động chấp hành và vận động, tuyên truyền đồng bào có đạo, tín đồ tôn giáo chấp hành pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương.
Thứ tư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các chế độ, chính sách đặc thù để nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương để củng cố và tăng cường “thế trận lòng dân” ở cơ sở. Động viên, khích lệ đồng bào tích cực tham gia xây dựng thôn, bản, khu dân cư văn hóa; đấu tranh với các biểu hiện mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu, cục bộ, bè phái, chia rẽ gây mất đoàn kết ngay từ ở cơ sở.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quần chúng và đoàn thể xã hội ở địa phương như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tập thể... phát động và “dẫn dắt” phong trào ở địa phương, thay đổi các tập quán lạc hậu, thắt chặt quan hệ cộng đồng, đoàn kết các tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết phòng tránh, đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét