Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

GÓP PHẦN TÌM HIỂU TINH THẦN ĐỘC LẬP, SÁNG TẠO CỦA BÁC HỒ TRONG HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC VÀ CHUẨN BỊ THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

-LAX-
-PVL-
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2015) diễn ra đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 14 tháng 5 năm 2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ ý nghĩa quan trọng đó, kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ năm nay, mỗi chúng ta thêm một lần nữa khắc sâu công lao to lớn của Bác Hồ, nhà chiến lược thiên tài, đồng thời là nhà tổ chức vĩ đại, Người đã sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cách mạng chân chính, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh đạt được nhiều thắng lợi vĩ đại.
Nhìn lại quá trình vận động của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, đặc biệt là hành trình tìm đường cứu nước và chuẩn bị thành lập Đảng, chúng ta thấy, vị lãnh tụ của Đảng, của cách mạng Việt Nam  - Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần độc lập, sáng tạo. Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Bác trong quá trình chuẩn bị cho việc thành lập Đảng được thể hiện thông qua thực tiễn hoạt động cách mạng tiểu biểu:
Bến cảng Nhà Rồng năm 1911
(Ảnh tư liệu)


  Thứ nhất, độc lập, sáng tạo trong xác định hướng đi, cách đi cứu nước
Hướng đi mới: sáng ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ Bến cảng nhà Rồng ở Sài Gòn, Bác đã rời Tổ quốc thân yêu bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Đây không chỉ là bước ngoặt trong cuộc đời của một con người, của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mà còn là bước ngoặt lớn của một dân tộc, mở ra một hướng đi mới đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Người không đi sang phương Đông mà sang phương Tây, sang Pháp để tìm hiểu xem những gì ẩn dấu sau khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà thực dân Pháp rêu rao. Sự lựa chọn phương hướng ra đi tìm con đường riêng của Bác thể hiện tư duy chính trị mới trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam.
Mục đích sang phương Tây của Bác có sự khác biệt và rất độc đáo so với các nhà yêu nước đương thời. Nếu như các bậc tiền bối nghiên cứu, học tập cái tiến bộ, cái mà dân tộc ch­ưa có, tuy nhiên lại xem đó như sự cứu cánh, một chỗ dựa vững chắc; ngược lại, ở Người là sự tìm hiểu giá trị thật của cái mới, đặc biệt là cái ẩn giấu đằng sau nó; một bên mới tiệm cận ở sự tiếp nhận, còn bên kia là đến tận nơi để xem cho rõ cách làm. Sự kiện Người sang các nước phương Tây, mà nơi dừng chân đầu tiên là nước Pháp, sau này khi trả lời nhà báo Liên Xô Oxip Mandenstam của tờ báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) năm 1923, Người nói: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài” (1). Trả lời phỏng vấn của phóng viên Italy Giovani Germaneto năm 1924, Người nói: “Trước đây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có tính chống đối ở An Nam, có những người lính lê dương do Poincare gửi sang để cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem mẫu quốc ra sao và tôi đã tới Paris” (2).
Cơ sở tạo nên sự khác biệt giữa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh so với các bậc tiền bối đi trước trong hướng đi là do sự sáng tạo ở tầm nhìn và phư­ơng pháp tiếp cận. Một bên là tiếp nhận và đ­ưa về cái tiến bộ mà dân tộc ch­ưa có, song không biết rằng nó đã bắt đầu trở nên lỗi thời, lạc hậu so với sự phát triển của lịch sử nhân loại. Một bên là trực tiếp khảo sát, phân tích, so sánh, kết hợp giữa lý thuyết với kết quả thực tế của các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, qua đó lựa chọn, tiếp nhận những giá trị chung và mới của nhân loại nhằm tìm ra con đường cứu nư­ớc, cứu dân phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và xu thế vận động, phát triển của phong trào cách mạng thế giới.
Cách đi mới: là người có tư duy vượt tầm so với các nhà yêu nước đương thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy mặt hạn chế không thể khắc phục được của các xu hướng cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và dân chủ tư sản mà các vị tiền bối như Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu sử dụng, Bác nhận xét: “Cụ Phan Chu Trinh dựa vào Pháp để canh tân đất nước, điều đó là sai lầm, “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng “còn nặng cốt cách phong kiến” (3). Với nhãn quan chính trị sáng suốt, Bác đã ý thức sâu sắc về độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, biết phê phán tư tưởng và xu hướng cứu nước sai lầm trước đó, biết kế thừa chọn lọc tình cảm yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam làm hành trang ra đi tìm đường cứu nước gắn với cứu dân khỏi đêm đen nô lệ. Khác với các nhà cứu nước tiền bối, Bác ra đi tìm đường cứu nước từ hai bàn tay trắng; con đường của Bác đi là tự hoà mình vào cuộc sống lao động của những người cùng khổ dưới ách thống trị bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Bằng ý chí, nghị lực, Bác đã đi đến nhiều nước, tích cực lao động, học tập, nghiên cứu; tìm cách đấu tranh với những kẻ xâm lược đất nước mình ở ngay chính quốc. Thông qua đó để hiểu biết thực chất của quyền “tự do, bình đẳng, bác ái” và kinh nghiệm đấu tranh giành tự do, độc lập thực sự của nhân dân các nước. Bác quyết tâm tìm hiểu, lý giải những vấn đề hệ trọng đối với vận mệnh của cả dân tộc đang sống trong lầm than tủi nhục.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1919
(Ảnh tư liệu).

Thứ hai, độc lập, sáng tạo trong việc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin
Quá trình tìm đường cứu nước, Bác đã đi qua nhiều nước trên thế giới, tìm hiểu sâu sắc các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, từ Cách mạng Tư sản Mỹ (1776) đến Cách mạng Tư sản Pháp (1789), từ Công xã Pari (1871) đến Cách mạng Tháng mười Nga (1917) và sau khi so sánh Cách mạng tư sản với Cách mạng vô sản. Nghiên cứu về cách mạng tư sản Bác khẳng định: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức” (4). Đối với cách mạng vô sản Bác khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam” (5). Từ đó Bác nhấn mạnh: “làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” (6).
Thực tiễn trong hành trình tìm đường cứu nước, Bác đã tiếp thu những tư tưởng cách mạng một cách có nguyên tắc và nguyên tắc cốt tử xuyên suốt hành trình tìm đường cứu nước của Bác đã được Người khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (7). Qua quá trình hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận Bác đã rút ra kết luận mang tính lịch sử: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác, con đường cách mạng vô sản. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Trong thời đại ngày nay, giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng” (8).
Tàu Latouche Treville đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành
ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh internet.

       Đây là kết luận rất quan trọng được Bác rút ra sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo trong hai ngày 16 và 17/7/1920. Sau này Bác kể lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” (9). Sự kiện này đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của Bác, đến tháng 12 năm 1920, Bác tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp nhân sự kiện tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, Bác bỏ phiếu tán thành theo quốc tế III và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Ngay sau đó, Bác đã xúc tiến chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin của Bác ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Bác tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở Đại học phương Đông, sống trong không khí sục sôi ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản.    Khác với những nhà yêu nước đương thời, Bác cũng tìm cách trực tiếp tiếp cận những tư tưởng cách mạng gốc của Mác - Ăngghen, nhất là tìm đọc trực tiếp những tư tưởng mới của V.I.Lênin được viết bằng tiếng Nga. Bác đã tiếp thu trực tiếp và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin mà không phải thông qua lăng kính chủ quan của người khác; nhờ đó, Bác đã tiếp thu lý luận một cách sáng rõ nhất. Đồng thời, Người có một phương pháp nghiên cứu độc lập, sáng tạo, đem lý luận đối chiếu với thực tiễn, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiêu chuẩn để đánh giá các học thuyết, tiếp thu kinh nghiệm cách mạng thế giới một cách có chọn lọc; không rập khuôn máy móc…
Bến cảng Nhà Rồng ngày nay
(Ảnh tư liệu).

  Thứ ba, độc lập, sáng tạo trong chuẩn bị những tiền đề cho Đảng ra đời
  Từ năm 1920, sau khi đã tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin, Bác vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu, học tập, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng tiền phong cách mạng.
  Chuẩn bị về chính trị, là một trong những nội dung quan trọng, là điều kiện để hình thành Đảng. Thực chất của việc chuẩn bị về chính trị là xác định đúng đường lối cứu nước giải phóng dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh cùng nhiều nhân sĩ yêu nước đã sai lầm trong xác định đường lối cứu nước nên kết cục đều thất bại. Nhận thức được điều đó, Bác đã từng bước phác thảo đường lối cứu nước từ sau năm 1920, thể hiện tập trung trong tập bài giảng Bác Hồ viết để sử dụng cho việc huấn luyện những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1927, được in thành sách lấy tên là “Đường Cách mệnh”. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, con đường cứu nước của Bác Hồ đã mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng đường lối cách mạng ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
  Chuẩn bị về tư tưởng, thực chất là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam để giác ngộ các phong trào này đi theo con đường cách mạng vô sản; đồng thời đấu tranh với những quan điểm sai trái bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngay sau khi tiếp thu được lý luận Mác - Lênin và trở thành người cộng sản, Bác đã bắt tay vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước. Trong quá trình truyền bá, Bác đã thể hiện rõ tinh thần độc lập, sáng tạo: về đối tượng truyền bá không chỉ là phong trào công nhân mà cả phong trào yêu nước, đối tượng truyền bá chủ yếu là thanh niên yêu nước. Như vậy, Bác Hồ xác định lực lượng cách mạng khác với các nhà cách mạng tiền bối, phong trào Cần vương đề cao vai trò của sĩ phu phong kiến; cụ Hoàng Hoa Thám đề cao vai trò của giai cấp nông dân; hai cụ Phan đề cao lực lượng sĩ phu yêu nước thức thời, Phan Bội Châu xác định 10 hạng người của cách mạng nhưng chưa đề cập đến vai trò của công - nông; Việt Nam Quốc dân Đảng đề cao trí thức Tây học…
Phương pháp và hình thức truyền bá dưới dạng đường lối, ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, phù hợp với trình độ nhận thức của con người Việt Nam: thông qua các bài viết, bài báo, các tác phẩm truyền tải những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đã góp phần thức tỉnh, giác ngộ, giáo dục quần chúng lao động (báo Đông Dương, báo Người cùng khổ, báo Nhân đạo, báo Đời sống thợ thuyền và Tác phẩm “Bản án chế độ Thực dân Pháp”); thông qua đội ngũ trí thức cách mạng làm cầu nối đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước; thông qua các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế và khu vực (Tham luận ở Đại hội I Quốc tế Nông dân, tháng 10/1923 tại Matxcơva; tham luận tại Đại hội V Quốc tế cộng sản, tháng 7/1924 tại Matxcơva); mở lớp đào tạo cán bộ, thông qua đội ngũ này truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin cả chiều rộng và chiều sâu. Nội dung truyền bá của Bác là những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin để khơi dậy lòng căm thù giặc, tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác dã man của kẻ thù như: Báo Người cùng khổ, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, tác phẩm “Đường cách mệnh”, báo Thanh niên…
Chuẩn bị về tổ chức, là quá trình chuẩn bị về con người, chuẩn bị đội ngũ cán bộ cốt cán cho Đảng và cách mạng. Từ năm 1925 trở đi, Bác tập trung vào những vấn đề lớn có ý nghĩa quyết định là huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng, lực lượng nòng cốt để hình thành tổ chức tiền thân của Đảng. Tháng 6 năm 1925, khi điều kiện đã chín muồi, Bác lập ra tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, nòng cốt là “cộng sản đoàn”. Bác mở những lớp huấn luyện cán bộ và ra tờ báo Thanh niên. Sự sáng tạo của Bác trong chuẩn bị tiền đề về tổ chức là không thành lập ngay một đảng cộng sản, mà chỉ thành lập “Hội”, tổ chức mang tính chất quá độ, vừa tầm và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là quyết định rất sáng tạo của Bác, phù hợp với thực tế hơn 90% dân số Việt Nam là nông dân, tuyệt đại đa số mù chữ, trình độ học vấn nhìn chung còn rất thấp nên chưa hiểu biết về chủ nghĩa Mác. Tổ chức này được thành lập để qua đó đưa chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, qua đó tiến tới thành lập Đảng. Do vậy, quyết định thành lập “Hội” là một chủ trương đúng, sáng tạo của Bác trong việc chuẩn bị tiền đề cho tổ chức Đảng ra đời.
Như vậy, với những hoạt động tích cực của Người, chỉ trong thời gian ngắn từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở nước ta. Với nhãn quan chính trị tinh tường, Bác đã chủ động triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng, là bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Điều này chứng tỏ rằng, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1930 càng làm sáng tỏ thêm vai trò to lớn, tầm cao tư tưởng và phương pháp lãnh đạo cách mạng thiên tài của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Với tinh thần độc lập, sáng tạo, Người đã kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là thành lập một Đảng Cộng sản, chấm dứt tình trạng phân tán của các tổ chức cộng sản lúc bấy giờ, xây dựng đội tiền phong thống nhất, tập trung của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1)         Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 1147.
(2)   Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 480.
(3)         Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 13.
(4)         Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 274.
(5)         Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 280.
(6)         Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 270.
(7)         Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 44.
(8)   Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 314.
(9)   Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 127.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét