-PVL-
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên
không” tháng 12 năm 1972 là thắng lợi quan
trọng mang tính “bước ngoặt” của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước. 45 năm đã trôi qua, đã có nhiều ý kiến phân tích, bình luận về Chiến
dịch này của các học giả trong nước và ngoài nước, trong đó có cả các nhà
nghiên cứu của Mỹ ở các tầm mức khác nhau. Riêng đối với dân tộc ta, Quân đội
ta, chiến thắng này đã góp phần tô thắm trang sử vàng chói lọi chống giặc ngoại
xâm của dân tộc trong thế kỷ XX; đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm
quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong
đó có bài học kinh nghiệm về công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT).
1. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp
là Quân ủy Trung ương và cấp ủy các cấp trong chuẩn bị và tiến hành chiến dịch
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối,
trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội không chỉ là nguyên tắc cơ bản,
quan trọng hàng đầu bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với
Tổ quốc, với nhân dân, là cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh, hoàn thành xuất
sắc mọi nhiệm vụ được giao; mà đây còn là bài học kinh nghiệm thành công quý
báu trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta.
Trong cuộc chiến đấu chống
chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng ta đã quán triệt và thực hiện nghiêm
túc, triệt để nguyên tắc này, do đó, đã giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, chủ động
nắm và dự báo tình hình, chuẩn bị về mọi mặt, nhất là tư tưởng, tinh thần, phương
án tác chiến; chuẩn bị về lực lượng, thế trận, cơ sở vật chất, vũ khí trang bị,
phương tiện kỹ thuật để đánh địch.
Trong điều kiện còn
nhiều khó khăn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo chuẩn bị về con người và vũ khí, phương tiện sẵn sàng đánh địch tập
kích đường không. Riêng đối với Quân chủng Phòng không - Không quân, từ giữa những
năm 60 thế kỷ XX đã chủ động đề nghị các nước anh em giúp đỡ về vũ khí, khí tài
hiện đại như các loại pháo phòng không 37, 57mm, các loại ra-đa, tên lửa, máy
bay chiến đấu; đồng thời, cử nhiều đoàn cán bộ sang học tập về chỉ huy tham
mưu, về khoa học kỹ thuật và nghệ thuật quân sự.
Trước âm mưu mở rộng
chiến tranh phá hoại miền Bắc, tháng 3 năm 1964, Trung ương Đảng đã chỉ đạo
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chuyển một bộ phận lực lượng vũ trang, trong
đó có Phòng không - Không quân, Hải quân từ thời bình sang thời chiến, thực hiện
“vừa sản xuất, vừa chiến đấu, quyết tâm đánh bại chiến tranh phá hoại phong tỏa
của địch, ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam”[1].
Tháng 4 năm 1964, Quân ủy Trung ương chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không
quân điều Trung đoàn 234 và Tiểu đoàn Pháo Cao xạ 24, Quân khu 4 sang chiến trường
Lào phối hợp với bạn bảo vệ trục đường số 7. Qua chiến đấu của các đơn vị, Quân
chủng đã rút ra nhiều kinh nghiệm về tổ chức chỉ huy hiệp đồng, cơ động lực lượng,
bố trí đội hình tác chiến, cách đánh, đảm bảo các mặt và duy trì lực lượng chiến
đấu liên tục để phổ biến trong toàn quân.
Cuối tháng 3 năm
1965, Hội nghị lần thứ 11 (khóa III), Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ cách mạng cho cả
nước, trong đó nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc là: “Chuẩn bị sẵn sàng đối phó
và quyết thắng cuộc “Chiến tranh cục bộ” nếu địch gây ra, tiếp tục xây dựng miền
Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với tăng cường quốc phòng; phát động cuộc
chiến tranh nhân dân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại phong tỏa bằng không
quân và hải quân của địch”[2].
Đến tháng 6 năm 1972, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm “chủ động
và phát huy sức mạnh tổng hợp của Quân chủng Phòng không - Không quân, đánh bại
bước leo thang cao nhất của Mỹ. Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ để đánh thắng, kiên
quyết bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ, tập trung lực lượng từ vĩ tuyến 20 trở ra,
lấy Hà Nội là mục tiêu bảo vệ chủ yếu, nơi tập trung lực lượng chủ yếu”[3].
Trong điều kiện một cuộc chiến tranh chống phong tỏa và phá hoại miền Bắc của
không quân Mỹ đã đến rất gần, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Quân ủy Trung ương, các
lực lượng bắn máy bay, tàu chiến của dân quân tự vệ tăng nhanh, hàng chục đại đội
dân quân miền Bắc đã được trang bị các loại pháo cao xạ 37, 57, 100mm; 170 đại
đội, trung đội được trang bị súng máy cao xạ; 20 đại đội, trung đội được trang
bị pháo 85mm bắn tàu chiến[4].
Có thể khẳng định rằng,
nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, chính xác, chủ động, “từ sớm, từ xa” về mọi
mặt, nhất là công tác chỉ đạo nghiên cứu, nắm và dự báo chiến lược, chuẩn bị về
tâm lý, tinh thần, con người, vũ khí, trang bị khí tài, cách đánh… quân và dân
ta bằng nhiều phương pháp khác nhau, kết hợp tinh thần dũng cảm và trình độ
khoa học kỹ thuật, trí thông minh sáng tạo đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách,
làm thất bại từng bước thủ đoạn của địch, nhất là cuộc tập kích đường không chiến
lược vào Hà Nội tháng 12 năm 1972.
Giữ gìn và phát huy những kinh nghiệm CTĐ,
CTCT trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên
Phủ trên không” năm 1972. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong
toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và thực hiện
nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”.
Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên
trong quân đội vững mạnh toàn diện, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ
trách; duy trì nghiêm túc, có hiệu quả các nền nếp, chế độ sinh hoạt, học tập của
Đảng. Đổi mới, nâng cao chất lượng chuẩn bị và ra nghị quyết lãnh đạo; phân
công trách nhiệm cụ thể và tổ chức thực hiện nghị quyết chặt chẽ, hiệu quả. Gắn
kết quả lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị với
kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, cán bộ chủ trì, nhất là người chỉ huy,
chính ủy, chính trị viên, bí thư và phó bí thư cấp ủy.
2. Thực hiện
tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhất là
về tâm lý, tinh thần cho quân và dân ta phục vụ chiến dịch
Trong cuộc đụng đầu có một không hai trong
lịch sử các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang trên thế giới, quân và dân ta
đã phải đương đầu với không quân Mỹ được mệnh danh là “bất khả chiến bại”. Tại
thời điểm đó, không quân Mỹ ở thế chủ động tiến công với dã tâm từ rất lâu trước
đó, với phương tiện, vũ khí hiện đại, đồng bộ, kinh nghiệm tác chiến không quân
dày dạn. Trong khi đó, quân và dân ta ở thế phòng thủ, tương đối bị động; vũ
khí, trang bị, phương tiện cơ bản là thô sơ, tương đối hiện đại, không đồng bộ,
kinh nghiệm tác chiến “đất đối không” và “không đối không” còn ít.
Thực hiện lời dạy của
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối năm 1967: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa
B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống,
càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở
Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu
trời Hà Nội”[5].
Sau cuộc tiến công
chiến lược năm 1972 giành nhiều thắng lợi, quân và dân ta lại đánh thắng một bước
quan trọng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân, hải quân Mỹ ở
miền Bắc và không ngừng tăng cường sức người, sức của cho miền Nam. Tuy nhiên, sau
khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ, Ních-xơn trở mặt, xúc tiến kế hoạch leo thang chiến
tranh, tăng cường viện trợ cho Sài Gòn, đốc thúc quân ngụy phản kích lấn chiếm
vùng giải phóng, tăng gấp đôi số phi vụ B-52 đánh phá tuyến giao thông vận chuyển
ở các tỉnh thuộc Quân khu 4, tăng cường trinh sát miền Bắc bằng máy bay SR71 và
nhiều loại khác.
Quán triệt tư tưởng cách mạng chiến lược
tiến công của Đảng và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, ngay từ rất sớm, quân và
dân ta đã nghiên cứu, thực hiện kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra, thu
thập thông tin về thủ đoạn sử dụng lực lượng của địch; đồng thời đẩy mạnh tuyên
truyền, giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm “dám đánh và quyết đánh” cho nhân
dân và bộ đội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua như: Phong trào “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
năm 1966; phong trào thi đua “Sống, chiến
đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” năm 1970; phong trào
giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy”
trong các lực lượng vũ trang kết hợp với phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ; “Ba
sẵn sàng” của thanh niên; “Ba đỉnh
cao” của công đoàn… Tuyên truyền học tập gương anh hùng trong lực lượng vũ
trang, tổ chức đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua,… để động viên quân đội và
toàn dân; đồng thời, hướng lái, động viên, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn
hóa, văn nghệ phục vụ bộ đội ở các chiến trường, các mặt trận và nhân dân ở miền
Bắc.
Trên mặt trận ngoại giao, các phái đoàn,
nhân viên ngoại giao, kiều bào ta ở khắp nơi tham gia các hoạt động ủng hộ Việt
Nam, lên án chiến tranh xâm lược và sử dụng B-52 phá hoại miền Bắc nước ta của
đế quốc Mỹ để vạch trần tính chất phi nghĩa, dã tâm, thủ đoạn thâm độc của địch…
Các hoạt động trên được
lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ ở tất cả các bộ, ngành, các nhà máy, xí
nghiệp, các địa phương giúp chúng ta có tâm thế chủ động, có niềm tin chiến thắng;
phát huy sức mạnh và trí tuệ của người dân Việt Nam trong gian khó, hiểm nguy để
tìm tòi, thể nghiệm, xác định cách đánh và xây dựng phương án tác chiến phù hợp,
chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhanh chóng chuyển từ thế “bị động cục bộ” sang thế
“chủ động chuẩn bị, chờ địch vào để tiêu diệt”[6].
Hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ của công tác
giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội có những yêu cầu cao hơn. Tuy vậy,
tiến hành chặt chẽ, có hiệu quả công tác này sẽ là cơ sở để nâng cao nhận thức,
làm chuyển biến ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Nội dung giáo dục cho
các đối tượng và trong từng thời điểm phải phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm.
Coi trọng giáo dục về truyền thống dân tộc, của Đảng, của quê hương, của Quân đội
và đơn vị; các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch có liên quan tới nhiệm
vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật,
phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, CTĐ, CTCT… Kết hợp giáo dục thường
xuyên với đột xuất; giáo dục chính khóa với bổ trợ, ngoại khóa; giáo dục thông
qua các hoạt động thực tiễn. Đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, các lực
lượng, phương tiện thông tin, tuyên truyền, cổ động, mạng xã hội, các thiết chế
văn hóa ở cơ sở.
3. Phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng thường trực phòng không
-không quân Việt Nam, nhất là vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp trong chiến đấu
Để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với không
quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng
Phòng không - Không quân đã chủ động, coi trọng xây dựng lực lượng phòng không
“ba thứ quân”, lấy bộ đội chủ lực phòng không - không quân làm nòng cốt, xây dựng
thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, xây dựng thế trận phòng không nhân dân
nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều lực lượng, nhiều phương tiện, bảo đảm vững chắc,
luôn luôn sẵn sàng đánh bại các cuộc tập kích đường không của kẻ thù.
Trên cơ sở đánh giá
thực tế chiến trường, tháng 6 năm 1972, các tài liệu về B-52 được bổ sung và
phân tích khoa học, làm cơ sở để hoàn thiện về cách phát hiện và đánh B-52 cho
bộ đội. Ngày 24 tháng 11 năm 1972, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn Kế hoạch Chiến dịch phòng không đánh trả cuộc
tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và ra lệnh cho
Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu
xong trước ngày 03 tháng 12 năm 1972.
Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung
ương, đó là: “Nâng cao chất lượng toàn diện, tích cực phát triển số lượng cán bộ.
Các nhà trường quân sự đã thu nhận khoảng 8,5% tổng số cán bộ về đào tạo, bồi
dưỡng, do vậy, đội ngũ cán bộ tăng nhanh, năm 1970 gấn 3,5 lần năm 1964”[7]. Đặc
biệt, Quân chủng Phòng không - Không quân được ưu tiên về số lượng, chỉ tiêu
trong việc lựa chọn, bổ sung nhiều cán bộ
khoa học kỹ thuật ở các ngành của Nhà nước vào các cơ quan, nhà trường, đơn vị sẵn
sàng chiến đấu. Quân chủng đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở
các nhà trường, các bộ, ngành, địa phương và cử một số đoàn cán bộ sang các nước
xã hội chủ nghĩa anh em học tập, nghiên cứu.
Trong lúc miền Bắc tích cực chuẩn bị về mọi
mặt, thì công tác chuẩn bị lực lượng, vũ khí trang bị khí tài của bộ đội phòng
không - không quân cũng được tăng cường. Trước ngày diễn ra chiến dịch, tổng số
lực lượng phòng không của ta có 06 trung đoàn tên lửa phòng không SAM2, 03 trung
đoàn không quân tiêm kích, 04 trung đoàn và 08 tiểu đoàn pháo cao xạ, 365 đơn vị
pháo và súng máy phòng không của dân quân tự vệ, toàn bộ mạng ra-đa miền Bắc nước
ta. Đến ngày 04 tháng 12, cơ bản mọi công tác chuẩn bị của ta đã hoàn thành, sẵn
sàng và chủ động “đón đánh máy bay B-52 của
Mỹ trên bầu trời Hà Nội”.
Khi chiến dịch diễn ra, ta đã xây dựng và
thực hiện thành công thế trận cài xen kẽ trong chiến đấu phòng không, hình
thành 03 cụm phòng không chiến dịch là cụm Hà Nội, cụm Hải Phòng và cụm Bắc đường
1, Thái Nguyên. Trong quá trình chiến đấu đã kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến
phòng không với không quân; chủ động chuyển hóa thế trận, điều chỉnh vị trí chiến
đấu một số đơn vị tên lửa, trạm ra-đa; thay đổi sân bay cất cánh cho không quân
ta đánh địch; tổ chức nghi binh, ngụy trang, lập trận địa giả nên đã gây ra nhiều
bất ngờ cho Mỹ.
Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế và khu vực
có nhiều phức tạp, Đảng ta chủ trương: “Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu
tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời
và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”[8]. Để
thực hiện được chủ trương và mục tiêu trên, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn
quân ta phải đoàn kết, quyết tâm, kiên quyết, kiên trì con đường mà Đảng và Bác
Hồ đã lựa chọn đó là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; có đường
lối, chủ trương, chính sách, kế sách phù hợp để xây dựng, củng cố tiềm lực quốc
phòng, tiềm lực kinh tế, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng lực
lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết
769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Xây
dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Quy chế
công tác cán bộ trong Quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, có
số lượng và cơ cấu hợp lý, trong đó có đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong
toàn quân. Nâng cao trách nhiệm, năng lực, phương pháp tác phong công tác của đội
ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì. Thực hiện tốt việc bồi dưỡng, tập huấn cán
bộ gắn với gửi cán bộ đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài
quân đội; thực hiện “cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cơ quan bồi dưỡng đơn vị, cán
bộ có kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ trẻ, mới ra trường”. Động viên cán bộ tự
giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt, nhất là phẩm chất đạo đức, bản
lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, đáp
ứng yêu cầu chuẩn hóa về cả học vấn lẫn chức danh quản lý, chỉ huy, chức danh
chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên
không” là một trong những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại to
lớn. Đó là thắng lợi của ý trí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của lòng dũng cảm,
trí thông minh, sáng tạo, tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm trên dưới một lòng,
quân dân hòa thuận, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta. 45 năm đã
trôi qua, chúng ta càng có điều kiện hiểu sâu sắc hơn, thấy rõ hơn ý nghĩa và
giá trị của chiến thắng này cũng như những bài học kinh nghiệm được rút ra phục
vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện
mới, trong đó có những bài học về công tác đảng, công tác chính trị trong chiến
dịch./.
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
(1) Tổng cục Chính trị, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Chiến thắng
của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012.
(2) Tổng cục Chính trị, Giáo trình Công tác đảng, công tác chính trị,
tập 1, Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời
kỳ kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975, Hà Nội, 2013.
(3) Quân chủng Phòng không - Không quân,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử
nghệ thuật chiến dịch phòng không 1972, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.
(4) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam, Tổng kết những trận then chốt chiến
dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội,
2011.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
[1] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng kết Chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa
sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (1965 - 1973), NXB Quân
đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 455.
[2] Bộ Quốc
phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những sự kiện quân sự, NXB Quân đội nhân
dân, Hà Nội, 1988, tr. 123.
[3] Quân chủng
Phòng không - Không quân, Viện Lịch sử
quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch phòng không (12-1972), NXB
Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 139.
[4] Bộ Quốc
phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng
kết Chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và
bom từ trường (1965-1973), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.
457-458.
[5] Hồ Chí Minh,
Biên niên những sự kiện và tư liệu về
quân sự, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203.
[6] Tổng cục
Chính trị, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên
không”, Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, NXB Quân đội nhân
dân, Hà Nội, 2012, tr. 68.
[7] Tổng cục
Chính trị, Giáo trình Công tác đảng, công
tác chính trị, tập 1, Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân
Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975, Hà Nội, 2013, tr. 107.
[8] Đảng Cộng sản
Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 145-146.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét