-PVL-
Đã từ lâu, các tổ chức
phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài, nhất là tại Mỹ luôn dùng mọi thủ đoạn
để chống phá cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây. Điều
này đặt ra cho các tổ chức, các lực lượng và cơ quan chức năng của nước ta nhiều
thách thức trong công tác đấu tranh, phòng chống hoạt động phá hoại của các tổ
chức người Việt lưu vong ở nước ngoài nhằm giữ vững an ninh quốc gia, góp phần
bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, theo thống kê
của Cục A67, Bộ Công an Việt Nam, trên thế giới có hơn 400 tổ chức phản động
người Việt lưu vong chống phá cách mạng nước ta, trong đó hơn 200 tổ chức với
khoảng trên 20 tổ chức có thực lực có trụ sở ở Mỹ, điển hình nhất là tổ chức Việt
Tân. Lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là trong lĩnh vực
công nghệ thông tin, internet và các trang mạng xã hội; núp dưới hoạt động của
các tổ chức phi chính phủ; các hoạt động hợp tác, giao lưu, trao đổi về kinh tế,
thương mại, giáo dục, đào tạo cũng như lợi dụng các vấn đề nhân đạo, dân tộc,
tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,… các tổ chức phản động người Việt lưu vong tiến
hành nhiều hoạt động chống phá cả công khai và bí mật, hòa bình và bạo lực đan
xen phức tạp, dưới nhiều hình thức, sử dụng nhiều lực lượng cả trong và ngoài
nước phối hợp, trong đó điển hình là thông qua các ứng dụng, phần mềm công nghệ
thông tin, tiện ích của internet như: blog, email, chat, facebook, zalo, web,…
để tuyên truyền chống phá, xuyên tạc, kích động, tập hợp lực lượng, huấn luyện,
đào tạo cốt cán, hỗ trợ tài chính, trang bị,… cho các lực lượng chống phá cách
mạng, trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương
và trên cả nước.
Do
vậy, nghiên cứu, nhận diện rõ hoạt động chống phá của các tổ chức phản động người
Việt lưu vong ở nước ngoài là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết không chỉ đối
với các cơ quan chức năng, lực lượng chuyên trách mà với toàn xã hội, nhất là
các cấp ủy tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền
viên các cấp.
Một là,
các tổ chức phản động người Việt lưu vong
ở nước ngoài lợi dụng các phương tiện truyền thông, internet và các trang mạng
xã hội để tuyên truyền phá hoại, kích động tư tưởng chống đối, cực đoan, chia rẽ
nội bộ.
Hiện nay, có hàng trăm
các đài phát thanh truyền hình, cơ quan báo, tạp chí của người Việt lưu vong ở
nước ngoài có hoạt động thực tế tuyên truyền chống phá sự nghiệp đổi mới, mục
tiêu, đường lối phát triển của nước ta, bôi nhọ, nói xấu, hạ thấp uy tín của nước
ta và cá nhân cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Đặc biệt,
thời gian gần đây chúng tập trung tuyên truyền tấn công phủ nhận nền tảng tư tưởng
của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng: “Chủ
nghĩa Mác - Lênin đã hết thời”, “Chủ nghĩa Mác chỉ phù hợp ở châu Âu và thời kỳ
sơ khai của chủ nghĩa tư bản”, “ở Việt Nam chỉ cần lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng”. Bên cạnh đó chúng xuyên tạc đường lối chính trị, ngoại giao
của Đảng, Nhà nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội,
đặc biệt là phủ nhận nguyên tắc “Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân Việt
Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội và Công
an. Xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam; bôi nhọ,
hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta. Thông qua
internet, các trang mạng xã hội, các tổ chức phản động người Việt lưu vong sử dụng
nhiều thủ đoạn tuyên truyền chống phá như thiết lập hệ thống website, blog cá
nhân có tài khoản hoặc máy chủ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam để tuyên truyền phá
hoại; tiến hành các chiến dịch tập hợp lực lượng, tạo dư luận, gây áp lực với
chính quyền cơ sở, nhất là nhân các sự kiện lớn như Quốc hội khóa XIV chuẩn bị
thông qua Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu; các vụ việc lien quan tới thu hồi đất
và giải phóng mặt bằng ở Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương… để vu khống Đảng, Nhà nước
ta. Kêu gọi, tập hợp nhân dân ký tên hoặc mạo danh chữ ký người dân vào các
“Phiếu điều tra”, “Đơn cầu cứu”, “Kiến nghị”, “Thư ngỏ” gửi lên các cơ quan chức
năng của ta và các đài, báo nước ngoài; kêu gọi người dân tham gia các hoạt động
biểu tình ôn hòa, thậm chí là biểu tình, gây bạo loạn vũ trang để gây thanh thế,
đòi hỏi chính quyền phải nhân nhượng từng bước, điển hình là các vụ bạo loạn ở
Tây Nguyên năm 2001, 2004, 2011, ở Mường Nhé Điện Biên năm 2015; Bình Thuận,
Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018.
Vài năm gần đây, các tổ
chức phản động người Việt lưu vọng, đáng chú ý nhất là Việt Tân còn tổ chức các
cuộc thi có thưởng trên mạng internet để kích động tụ tập, khiếu kiện đông người,
biểu tình, gây rối, lật đổ như: Cuộc thi “2X” do Cổng Thông tin “Đàn Chim Việt”
tổ chức; Đài phát thanh “Đáp lời sông núi” của cái gọi là “Lực lượng dân tộc cứu
nguy Tổ quốc” hay Đài Phát thanh “SBTN”, “Radio Chân trời mới” do Việt Tân
thành lập để tuyên truyền chống phá cách mạng nước ta.
Hai là,
các tổ chức phản động người Việt lưu vong
ở nước ngoài lợi dụng innernet và các trang mạng xã hội để liên lạc, móc nối tập
hợp lực lượng, chỉ đạo huấn luyện, phát triển lực lượng chống đối ở trong nước.
Thực hiện các gọi là “kết
hợp trong ngoài cùng đánh”, “đấu tranh kết hợp bạo động và bất bạo động”, “mưu
dầm thấm lâu”,… các tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài thời
gian gần đây đặc biệt quan tâm và đầu tư mọi nguồn lực để tập hợp, huấn luyện,
phát triển lực lượng chống đối ở trong nước, coi đây là “lực lượng tại chỗ”, “lực
lượng hậu bị dồi dào” để phối hợp với các lực lượng ở nước ngoài chống phá cách
mạng nước ta. Trong đó, internet và các trang mạng xã hội như: Blog, website,
zalo, facebook,… được chúng triệt để lợi dụng. Việt Tân xác định rõ: “Internet là phương tiện chiến lược để phá
vỡ sự bưng bít thông tin và huy động quần chúng”[1]
ở Việt Nam.
Thông qua internet, các
trang mạng xã hội, các tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài tìm
chọn, phát hiện, chọn đầu mối và các cá nhân có quan điểm, tư tưởng chống đối,
bất mãn, cơ hội chính trị ở trong nước, nhất là số cán bộ, đảng viên, trí thức
và cán bộ, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang suy thoái, bị kỷ luật, bị xử
lý theo quy định của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và pháp luật của Nhà nước
như: Lê Nguyên, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ,… để tuyên truyền,
phổ biến, tung hô, cổ vũ cho các tư tưởng bất mãn, chống đối, nói xấu Đảng, Nhà
nước, sự nghiệp đổi mới, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Chính phủ
“Kiến tạo và liêm chính” ở Việt Nam. Trong đó Việt Tân đã đầu tư kinh phí,
trang thiết bị, nhân lực để huấn luyện, đào tạo cách thiết lập và sử dụng
Facebook cho các thành viên tham gia các diễn đàn, xây dựng lực lượng thành
viên tham gia cái gọi là “Việt Tân online” hay “Facebookers Việt Tân” để tập hợp
lực lượng, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc, kích động các đối tượng có tư tưởng chống
đối ở trong và ngoài nước, nhất là hướng vào thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên,
công nhân trong nước.
Ba là, các tổ chức phản động người Việt
lưu vong ở nước ngoài lợi dụng internet, các trang mạng xã hội và tán phát truyền
đơn, đơn, thư nặc danh để kích động biểu tình, gây rối phá hoại theo phương
châm “bất bạo động” và “bạo động có giới hạn”.
Hiện nay, các tổ chức
phản động người Việt lưu vong tuyên truyền, huấn luyện các lực lượng trong nước
học tập, noi theo cách làm của các nước Trung Đông, Bắc Phi theo dạng thức “bất
bạo động” hoặc “bạo động có giới hạn” theo kiểu “cách mạng đường phố”, “cách mạng
nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng hoa Nhài”, “cách mạng hoa Tuy líp”. Riêng tổ
chức Việt Tân xác định chủ trương, phương thức huấn luyện, triển khai các hoạt
động chống đối theo phương châm “đấu tranh bất bạo động”, hướng dẫn biểu tình,
gây mất an ninh trật tự một cách ôn hòa. Thông qua việc tán phát tin tức, tranh
ảnh, video đã được chỉnh sửa, cắt ghép trên internet, mạng xã hội hoặc tán phát
truyền đơn, thư ngỏ, tờ rơi ở những khu công nghiệp, khu dân cư, địa bàn phức tạp
về an ninh trật tự theo hướng hành động “bất tuân dân sự”, nghĩa là kêu gọi
không chấp hành đường lối, chính sách của chính quyền địa phương. Kêu gọi người
dân không nghe, không tin, không làm theo đường lối, chủ trương, chính sách, kế
hoạch của tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ sở tại. Lợi dụng
các vấn đề chính trị, đối ngoại của Đảng, Nhà nước để kêu gọi, ủng hộ các hoạt
động “bài Trung, thân Mỹ”; kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh
tế, các doanh nghiệp nước ngoài không đầu tư hoặc rút dần vốn, nguồn lực đầu tư
ra khỏi Việt Nam…
Trên
đây là một số ý kiến của tác giả trên cơ sở nghiên cứu thực trạng hoạt động của
các tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài chống phá cách mạng Việt
Nam góp phần cung cấp cho độc giả cách nhìn nhận rõ hơn, chính xác hơn về vấn đề
này để có các chủ trương và giải pháp đấu tranh có hiệu quả./.
[1] Tạp chí Khoa học và Giáo dục an
ninh, số 09 năm 2017, tr. 31.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét