“Cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ
của Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động
trong lĩnh vực quân sự, đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong Quân
đội nhân dân Việt Nam. Cán bộ chính trị gồm: cán bộ lãnh đạo và quản lý; cán bộ
công tác trong các ngành công tác đảng, công tác chính trị của cơ quan chính
trị các cấp; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về lý luận chính trị, khoa học xã hội
nhân văn quân sự; cán bộ hoạt động trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn
hoá, nghệ thuật…”[1].
Đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội
hiện nay về cơ bản đã đáp ứng đủ theo yêu cầu nhiệm vụ và tổ chức biên chế, một
số ít đơn vị đã có lượng dự trữ cần thiết. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ chính trị
cấp phân đội là trợ lý các cơ quan quân sự quận (huyện), chính trị viên phó đại
đội và tương đương còn thiếu tương đối lớn. Lực lượng này được đào tạo từ rất
nhiều nguồn, ở nhiều nhà trường khác nhau trong và ngoài quân đội. Tuyệt đại đa
số cán bộ chính trị cấp phân đội có lập trường chính trị tư tưởng kiên định, vững
vàng; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; có tình yêu nghề nghiệp và phẩm
chất đạo đức tốt; trình độ nhận thức và chuyên môn nghiệp vụ nhất là kiến thức
chuyên ngành công tác đảng, công tác chính trị cơ bản đáp ứng được theo yêu cầu
nhiệm vụ; phương pháp, tác phong công tác cụ thể, tỷ mỷ, khoa học; có uy tín
trong chi bộ (đảng bộ) và tập thể đơn vị; nhiều đồng chí có chiều hướng phát
triển tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, so với yêu cầu
nhiệm vụ theo chức trách, đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội còn bộc lộ một
số hạn chế, yếu kém như: kiến thức, kinh nghiệm và khả năng tiến hành hoạt động
công tác đảng, công tác chính trị chưa hiệu quả, nhất là tiến hành công tác
đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu,
phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tiến hành công tác tuyên
truyền đặc biệt, công tác chính sách hậu phương quân đội; kiến thức, kinh
nghiệm hoạt động quân sự của nhiều cán bộ chính trị cấp phân đội còn khoảng
cách khá xa so với người chỉ huy cùng cấp; cá biệt, một số cán bộ chính trị cấp
phân đội là chính trị viên, chính trị viên phó đại đội và tương đương khi giải
quyết mối quan hệ công tác trong cấp uỷ, với người chỉ huy cùng cấp và với đội
ngũ cán bộ quân sự, cán bộ chuyên môn kỹ thuật trong đơn vị còn nhiều lúng túng
và hạn chế.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều yếu tố, cả
nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó có nguyên nhân trực
tiếp là kiến thức, kinh nghiệm hoạt động quân sự và năng lực chỉ huy tham mưu
của đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội còn hạn chế. Do đó, nhiều cán bộ
chính trị cấp phân đội có biểu hiện ngại va chạm, thiếu tự tin khi tham gia các
hoạt động của đơn vị; chất lượng tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh
đạo thực hiện nhiệm vụ với cấp ủy cùng cấp và cấp ủy, chính ủy, chính trị viên,
người chỉ huy cấp trên còn hạn chế; khả năng quan sát, chỉ đạo, hướng dẫn và
trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị hiệu quả chưa
cao; kinh nghiệm quản lý, chỉ huy đơn vị còn hạn chế; cá biệt có một số đồng
chí uy tín trong chi bộ và trong đơn vị thấp không có khả năng tiếp tục phát
triển lên các cương vị cao hơn nên có biểu hiện phấn đấu cầm chừng, “trung bình
chủ nghĩa”.
Để khắc phục những hạn chế trên, đòi hỏi
phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp với sự tham gia của nhiều lực lượng, cần
phải tiến hành thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Trước mắt, theo tôi, cần
quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là,
phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ,
chỉ huy, cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên các cấp trong lãnh đạo,
chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức, kinh
nghiệm hoạt động quân sự và năng lực chỉ huy tham mưu cho đội ngũ cán bộ chính
trị cấp phân đội.
Đây là một giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, “giải
pháp của mọi giải pháp”. Bởi vì, chỉ khi nào cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính
trị, chính uỷ, chính trị viên có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, có sự quan tâm
lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện vấn đề này một cách quyết liệt thì
khi đó việc huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm hoạt động quân sự,
năng lực chỉ huy tham mưu cho đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội mới đi đúng
hướng và đạt hiệu quả thiết thực. Ngược lại, ở đâu, khi nào, lãnh đạo, chỉ huy,
cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên nhận thức không đầy đủ, không quan
tâm tới vấn đề này, thì ở đó năng lực của cán bộ nói chung và năng lực của cán
bộ chính trị cấp phân đội nói riêng còn nhiều hạn chế, uy tín của cán bộ chính
trị cấp phân đội không cao, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thấp.
Muốn thực hiện tốt vấn đề này, đòi hỏi cấp uỷ, chỉ huy,
chính uỷ, chính trị viên và cơ quan chính trị ở mỗi đơn vị căn cứ vào đặc điểm
nhiệm vụ, chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị để trong từng nhiệm kỳ đại hội,
từng năm, từng giai đoạn huấn luyện phải chủ động có nghị quyết lãnh đạo với
những chủ trương, nội dung, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể trong công tác bồi dưỡng,
đào tạo đội ngũ cán bộ của đơn vị, trong đó có cán bộ chính trị cấp phân đội.
Trên cơ sở nghị quyết của tổ chức đảng, kế hoạch, chỉ thị, hướng dẫn của cơ
quan chức năng cấp trên; cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên chủ động
tham mưu cho cấp uỷ cấp mình chỉ đạo tập trung thống nhất giữa bốn cơ quan,
tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật phối hợp xây dựng kế hoạch giáo dục, bồi
dưỡng, tập huấn cán bộ hằng năm sát với tình hình nhiệm vụ và đặc điểm đội ngũ
cán bộ trong đơn vị.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp
huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng quân sự tại chức cho đội ngũ cán bộ chính trị
cấp phân đội.
Quá trình sử dụng cán bộ là quá trình phải quan tâm huấn
luyện, bồi dưỡng cán bộ về mọi mặt, hay nói cách khác, sử dụng cán bộ phải đi
đôi với việc “đào tạo và đào tạo lại” cán bộ, hoặc bồi dưỡng, tập huấn cán bộ
một cách thường xuyên, có hiệu quả. Đối với đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân
đội nói chung, nội dung bồi dưỡng nên tập trung vào đường lối, quan điểm của
Đảng về xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến
tranh nhân dân; kiến thức về chiến thuật binh chủng hợp thành, chiến thuật
quân, binh chủng; kỹ thuật chiến đấu của cá nhân và phân đội; trình độ khai
thác, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. Riêng đối với cán bộ chính
trị cấp phân đội đảm nhiệm cương vị là chính trị viên, chính trị viên phó đại
đội, tiểu đoàn và tương đương phải được quan tâm huấn luyện, bồi dưỡng toàn
diện, song ưu tiên tập trung vào bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động quân
sự, kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy bộ đội.
Để thực hiện tốt vấn đề này, các cơ quan, đơn vị cần thực
hiện nghiêm các quy định của cấp trên về huấn luyện quân sự tại chức và học tập
chính trị hằng năm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ chính trị cấp
phân đội. Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị
huấn luyện về mọi mặt, trước hết là chuẩn bị tốt về lực lượng cán bộ (giáo
viên), lựa chọn đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng và bảo đảm cơ sở vật chất, địa
điểm, sắp xếp thời gian huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng phù hợp để huy động ở
mức cao nhất số cán bộ chính trị cấp phân đội ở từng đơn vị được tham gia tập
huấn, bồi dưỡng. Chủ động thực hiện tốt việc lồng ghép, kết hợp giữa công tác
giáo dục chính trị với các hoạt động của công tác tham mưu, hậu cần, kỹ thuật thường
xuyên tại đơn vị để trang bị kiến thức toàn diện, chú trọng nâng cao năng lực
chỉ huy tham mưu cho đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội. Triệt để vận dụng
phương châm yếu nội dung nào bồi dưỡng nội dung đó, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, cán bộ cơ quan bồi dưỡng cho cán bộ
đơn vị, để mỗi cán bộ chính trị cấp phân đội đều trở thành những cán bộ “đa
năng”, “giỏi một việc, biết làm nhiều việc”.
Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng phải toàn diện, nhưng ưu tiên
bồi dưỡng về quan điểm, đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng; những nội dung
cơ bản của học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội; tư tưởng Hồ Chí
Minh về quân sự, về công tác chính trị, về chính uỷ, chính trị viên trong Quân
đội nhân dân Việt Nam; các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Quân uỷ Trung
ương, Bộ Quốc phòng, của Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị…
Từng cơ quan, đơn vị cần chủ động lựa chọn những nội dung trọng tâm, những khâu
yếu, mặt yếu về chỉ huy tham mưu, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quân sự của
cán bộ chính trị đơn vị để xác định thời gian, nội dung, hình thức, phương pháp
huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn cho phù hợp. Đặc biệt, cần tập trung bồi dưỡng
khắc phục kịp thời những vấn đề lâu nay đã thành “điểm yếu cốt tử” của cán bộ
chính trị cấp phân đội như: năng lực huấn luyện quân sự; trình độ quản lý, chỉ
huy bộ đội; điều lệnh đội ngũ; điều lệnh
quản lý bộ đội; kỹ thuật bắn súng; thể lực; khả năng giải quyết các mối quan hệ
với cấp uỷ, người chỉ huy cùng cấp và với cán bộ quân sự, cán bộ chuyên môn kỹ
thuật trong đơn vị.
Ba là,
phát huy tinh thần chủ động, tự giác, ham
học hỏi, cầu tiến bộ của đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội trong học tập
nâng cao trình độ kiến thức, kinh nghiệm quân sự và năng lực chỉ huy tham mưu.
Đây là một giải pháp quan trọng, đồng thời cũng là một yêu
cầu trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Bởi vì, xét cho cùng tất cả nỗ
lực của các lực lượng trong công tác này vẫn chỉ là nhân tố khách quan. Để việc
huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ huy tham mưu và kiến thức, kinh
nghiệm quân sự cho cán bộ chính trị cấp phân đội đạt hiệu quả phải có sự đồng
thuận, quyết tâm và nỗ lực cao nhất của bản thân mỗi cán bộ chính trị cấp phân
đội - đối tượng và cũng là chủ thể của hoạt động này. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ
quan, đơn vị cần quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời việc
học tập nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ chính trị thuộc quyền;
thường xuyên động viên, khen thưởng kịp thời về vật chất và tinh thần những
đồng chí cán bộ có trách nhiệm cao, ham học hỏi, cầu tiến bộ, có kết quả thực
hiện nhiệm vụ tốt, có thành tích cao, có kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy đơn
vị, trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, có uy tín trong chi bộ và uy tín
trước đơn vị.
Bốn là,
tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện
phục vụ huấn luyện quân sự tại chức và thường xuyên tổ chức các hội thi, hội
thao quân sự ở đơn vị.
Để công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ huy
tham mưu cho đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội đạt hiệu quả, bên cạnh việc
chuẩn bị tốt về nhân tố con người (chủ thể và đối tượng huấn luyện), phải đồng
thời quan tâm đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho huấn
luyện quân sự nói chung và huấn luyện quân sự tại chức cho cán bộ chính trị cấp
phân đội nói riêng. Theo đó, các đơn vị cần triệt để tận dụng những vật chất
hiện có, kết hợp với các sản phẩm ứng dụng do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị làm
ra từ các hội thao, hội thi cải tiến mô hình, đồ dùng huấn luyện để đưa vào
phục vụ công tác huấn luyện quân sự tại chức cho cán bộ chính trị cấp phân đội.
Tăng cường đầu tư mua sắm, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, thao trường, bãi
tập của đơn vị, bảo đảm ngày càng tốt hơn cho công tác huấn luyện quân sự tại
chức. Trước mắt, cần nghiên cứu, sử dụng các
phương tiện trình chiếu, máy quay phim, thiết bị mô phỏng, tạo giả… để huấn
luyện bổ sung các nội dung về kiến thức quốc phòng hiện đại, kinh nghiệm các
trận chiến đấu, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật binh chủng hợp thành,
chiến thuật quân, binh chủng, điều lệnh đội ngũ, bắn súng… cho cán bộ chính trị
cấp phân đội.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào kế hoạch và điều
kiện thực tế của đơn vị mình cần phải thường xuyên tổ chức các hội thi, hội
thao quân sự, hội thi cán bộ chính trị, bí thư chi bộ (đảng bộ) giỏi, thi báo
cáo viên, tuyên truyền viên giỏi các cấp để rèn luyện cán bộ; đồng thời, khích
lệ tinh thần tự giác học tập, lòng tự trọng của cán bộ chính trị cấp phân đội trong
việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức, kinh nghiệm hoạt động quân
sự và năng lực chỉ huy tham mưu đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ theo
tinh thần Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết 513 của Đảng uỷ
Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một
người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội
nhân dân Việt Nam”./.
-PVL-
[1] Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Điều lệ Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt
Nam, Điều 24, Nxb, QĐND, H, 2009, tr. 66-67.