Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng có
ý nghĩa quyết định kết thúc 20 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ và 30 năm đấu
tranh gian khổ của dân tộc Việt Nam để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân
chủ nhân dân trong cả nước. Thắng lợi vĩ đại ấy là kết quả tổng hợp của nhiều
nhân tố, song trước hết đó là nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh của Đảng
với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị,
Quân uỷ Trung ương cùng với sự chỉ huy kiên quyết tài tình của Bộ Tư lệnh Chiến
dịch.
Trước âm mưu và thủ đoạn của Mỹ nguỵ chống phá điên cuồng, nhưng xu thế
tất thắng của cách mạng Việt Nam
vẫn không bị đảo ngược, cục diện chiến tranh vẫn phát triển có lợi cho ta. Tháng
7 năm 1974 đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghe Bộ Tổng Tham mưu báo
cáo tình hình, đồng chí đã phân tích âm mưu mới của kẻ thù đồng thời giao nhiệm
vụ cho Bộ Tổng Tham mưu lập kế hoạch chiến lược giành thắng lợi trong năm 1975
và giành thắng lợi quyết định trong năm 1976 trình Bộ Chính trị. Ngay sau đó cuộc
họp đợt 1 của Bộ Chính trị từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 08 tháng 10 năm 1974 bàn
về chủ trương giải phóng miền Nam đã nhận định:
Chiến tranh đã bước vào giai đoạn
cuối so sánh lực lượng đã thay đổi ta mạnh lên, địch yếu đi... chúng ta đã thúc
đẩy cho thời cơ chiến lược chín muồi cho giai đoạn cuối cùng của chiến tranh, đã
tạo nên những yếu tố quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vì vậy một cuộc đọ sức cuối cùng
giành thắng lợi về ta là tất yếu xảy ra, sự sụp đổ hoàn toàn của nguỵ quân nguỵ
quyền là không tránh khỏi. Hội nghị khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm
1975 và 1976. Ngay sau hội nghị một
không khí khẩn trương chuẩn bị tưng bừng nhộn nhịp, tràn đầy khí thế lan toả khắp
chiến trường và các quân binh chủng trong quân đội và các địa phương.
Bám sát diễn biến mau lẹ của chiến trường, Hội nghị Bộ Chính trị đợt 2
tháng 1 năm 1975 đã khẳng định: cả năm
1975 là thời cơ và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức phải
giải phóng miền Nam
trong năm 1975. Yêu cầu cần thiết lúc này Đảng ta xác định phải tranh thủ
thời cơ thực hiện tổng tiến công và tổng
khởi nghĩa phải đánh nhanh để đỡ thiệt hại về người và của, của nhân dân,
giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá… giảm bớt sự tàn phá của chiến
tranh. Phải tranh thủ thời cơ làm cho địch không kịp xoay sở và các thế lực phản
động đế quốc không thể phá hoại ngay. Hội nghị đi đến kết luận chiến lược: chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân
sự, chính trị, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.
Có thể khẳng định, Hội nghị của Bộ Chính trị có ý nghĩa lịch sử trọng đại
thể hiện rõ sự lãnh đạo sát sao và đúng đắn của Đảng, đó là “bó đuốc chỉ đường”
cho quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Chấp hành
quyết định nói trên, ngày 10 tháng 3 năm 1975 sau khi tổ chức nghi binh chiến lược
ở bắc Tây Nguyên, ta tổng tiến công thị xã Buôn Ma Thuật rồi giải phóng Tây
Nguyên, tiếp đó ngày 26 tháng 3 giải phóng Huế - Đà Nẵng, quân nguỵ nguy cơ sụp
đổ hoàn toàn, còn Mỹ tỏ ra bất lực dù có can thiệp cũng không cứu vãn nổi cho
quân nguỵ. Thất bại về quân sự dẫn đến hàng loạt sai lầm chiến lược của giới chức
nguỵ quyền đặc biệt là cuộc lui quân hoảng loạn theo lệnh của Nguyễn Văn Thiệu co cụm trận địa về duyên hải miền Trung.
Ngày 13 tháng 3 năm 1975 Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương họp và nhận định:
thắng lợi ở Buôn Ma Thuật, Đức Lập, trên đường
19 và các hướng chứng tỏ ta có khả năng giành thắng lợi to lớn với nhịp độ
nhanh hơn dự kiến. Lần đầu tiên Hội nghị Bộ Chính trị các ý kiến đã thống
nhất khẳng định niềm tin tất thắng của ta có thể diễn ra nhanh hơn: trước đây ta dự kiến 2 năm giải phóng miền
Nam, nay có Phước Long, Buôn Ma Thuật, ta có thể đẩy mạnh hơn, phải chăng đây
là bước đẩy của cuộc tiến công chiến lược. Ngày 18 tháng 3 trước sự sụp đổ
của quân nguỵ nhanh hơn dự kiến, ta có thể tranh thủ thời cơ giành thắng lợi hoàn
toàn ngay trong năm 1975 theo phương châm kịp
thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng. Vậy
là, từ kế hoạch 2 năm, Bộ Chính trị chuyển sang kế hoạch giành thắng lợi ngay trong năm 1975. Đây là một quyết tâm lớn, táo
bạo, hết sức chính xác nhưng dựa trên căn cứ thực tiễn của tình hình chiến sự.
Ngày 25 tháng 3 Bộ Chính trị hạ quyết tâm mới hoàn toàn giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa năm 1975 (trước
tháng 5)… nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo: Thần tốc -
táo bạo - bất ngờ - chắc thắng. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,
đây là chiến dịch tiến công do trực tiếp cấp chiến lược tổ chức, chỉ đạo và chỉ
huy. Từ nhận định quyết tâm giải phóng
Sài Gòn trước mùa mưa, Bộ Chính trị đi tới xác định thời gian cụ thể giải
phóng Sài Gòn trong tháng 4 năm 1975.
Để đáp ứng yêu cầu đó ngày 01 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị chỉ định 3 đồng chí
Uỷ viên Bộ Chính trị có mặt tại chiến trường và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính
trị. Thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch (ngày 03 tháng 4 năm 1975) do trực tiếp đồng
chí Tổng Tham mưu trưởng làm tư lệnh, đồng chí Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng
làm chính uỷ chiến dịch. Các cơ quan tham mưu,
chính trị, hậu cần của Bộ Tư lệnh miền B2 chuyển thành cơ quan chỉ huy của Bộ
và các Tổng cục chuyển thành cơ quan chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến dịch.
Khác với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trong cuộc
chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này để huy động và động viên
toàn bộ cả nước, Đảng ta còn chỉ đạo thành lập Hội đồng chi viện cho tiền tuyến
do đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Thành lập khẩn cấp Quân đoàn
3 (ngày 26 tháng 3 tại chiến trường Tây Nguyên), cùng với các Quân đoàn 1, 2, 4
đã thành lập trước đó làm lực lượng nòng cốt
của đòn tiến công quân sự mạnh áp đảo để giải phóng Sài Gòn.
Ngày 14 tháng 4 năm 1975 Bộ Chính trị quyết định lấy tên chiến dịch giải
phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến
dịch Hồ Chí Minh và chỉ rõ cách đánh Sài Gòn là: đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn bằng lực lượng
đột kích mạnh, có binh chủng hợp thành. Tiến công thật mạnh và liên tục dồn dập
đến toàn thắng, vừa phát động tấn công ở ngoại vi, vừa có lực lượng sẵn sàng
nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm từ nhiều hướng, thực hiện trong đánh ra,
ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy…
mục đích của chiến dịch là đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng,
kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để. Đối tượng là lực lượng địch
chiến lược chủ yếu cuối cùng, hướng tiến công chủ yếu là Bắc và Tây Bắc, hướng Đông
và Tây Nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng. Từ các hướng mũi khác nhau quân
ta thẳng tiến vào trung tâm Sài Gòn bao vây cô lập với các khu vực xung quanh.
Thắng lợi nhanh chóng của Chiến dịch Hồ Chí Minh (trong vòng 3,5 ngày)
còn có vai trò quan trọng của việc Đảng ta mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Chiến dịch
đã xác định chính xác các mục tiêu chủ yếu quan trọng nhất (Dinh Độc Lập, Bộ Tổng
Tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô) vì vậy mà có
biện pháp tập trung binh hoả lực đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu nhanh chóng làm
chủ toàn bộ Sài Gòn. Song song với việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức sử dụng lực
lượng quân sự chiến dịch thì tổ chức chuẩn bị lực lượng chính trị của quần chúng
làm nòng cốt nổi dậy cũng là nét độc đáo trong nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo
chiến tranh của Đảng ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước khi bước vào chiến
dịch ta đã tăng cường vào vùng ven đô và nội đô 1.700 cán bộ, chuẩn bị cho nhập
thành 1.300 cán bộ trong đó có 12 đồng chí là thành uỷ viên, 60 quận uỷ viên. Vùng
nội và ngoại thành có khoảng 10.000 quần chúng làm nòng cốt và hơn 400 tổ chức
công khai với gần 25.000 người. Do vậy thế và lực ta hơn hẳn địch, đây là nét
tiêu biểu lần đầu tiên xuất hiện trong kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy bước vào
chiến dịch địch đã bị thiệt hại 35% quân sư, 40% hậu cần, 40% binh khí kỹ thuật.
Tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch đạt tỷ lệ 1,7/1 về chủ lực và 3/1
về đơn vị tập trung. Kế thừa kinh nghiệm từ các giai đoạn trước đó, trong Chiến
dịch Hồ Chí Minh ta phát huy hiệu quả thế trận hai lực lượng, ba thứ quân, thực
hiện hai đòn tiến công quân sự và nổi dậy tăng sức mạnh lên gấp đôi. Đặc biệt là
hình thức đấu tranh chính trị phong phú đa dạng, hiệu quả cao lôi kéo nhiều tầng
lớp và đối tượng tham gia. Tổ chức cho quần chúng ra đường đấu tranh, làm công
tác địch vận, tán phát tài liệu tuyên truyền, may cờ, viết biểu ngữ, truy lùng ác
ôn, dẫn đường cho bộ đội… công nhân tổ chức bảo vệ nhà máy, kho tàng, giữ gìn
an ninh trật tự, chống cướp bóc, hôi của…
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tư tưởng cách mạng tiến công được duy trì từ
đầu cho tới cuối chiến dịch không chút lơ là. Ngày 30 tháng 4 mặc dù Dương Văn
Minh kêu gọi ngừng bắn để điều đình giao
chính quyền song ta vẫn kiên quyết tiếp tục tiến công với khí thế dũng mãnh
theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Đảng uỷ mặt trận là: tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch
giải phóng và chiếm lĩnh thành phố, tước vũ khí, giải tán chính quyền các cấp đập
tan mọi kháng cự của địch.
Có thể nói với tinh thần một ngày
bằng 20 năm thiếu sự chỉ đạo đó không thể có hành động thần tốc - táo bạo - bất ngờ giành thắng lợi nhanh chóng như Chiến
dịch Hồ Chí Minh, thậm chí dễ chủ quan thoả hiệp với địch về một số điều khoản,
chính sách khi chuyển giao chính quyền - điều này đã từng xảy ra với nhiều nước
trên thế giới, dẫn tới thắng lợi không triệt để, để lại những hệ luỵ về chính
trị sau này.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thắng lợi đỉnh cao của
cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Là thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn
nhất kết thúc 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho
dân tộc - kỷ nguyên độc lập tự chủ, thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã
hội. Thắng lợi này đã đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ ở
Việt Nam ,
mở ra thời kỳ mới và động viên nhân loại tiếp tục cuộc đấu tranh vì các mục tiêu
của thời đại: “Hoà bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc là dịp để mỗi
chúng ta khơi dậy lòng tự hào dân tộc, biết ơn và trân trọng với những thành quả
cách mạng to lớn của đất nước được mở ra từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh
cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu
về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Hồ Chí Minh và tầm vóc vĩ đại
của sự kiện này giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ
đạo, tiến hành và kết thúc chiến tranh của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị,
Quân uỷ Trung ương, sự chỉ huy xuất sắc của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, nỗ lực cố gắng
của quân dân cả nước, sự đoàn kết ủng hộ của bạn bè quốc tế tạo nên cội nguồn sức
mạnh vô địch làm nên thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Thắng lợi này tiếp tục khẳng định trong
bất cứ nhiệm vụ nào, khi nào mà vai trò lãnh đạo của Đảng với đường lối chính
trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, trên cơ sở có sự đồng thuận của nhân dân
và sự giúp đỡ của nhân loại tiến bộ, sẽ là yếu tố tiên quyết bảo đảm cho mọi
thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội
nhân dân Việt Nam./.
-PVL-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét