Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

NHẬN DIỆN “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HOÁ” TRÊN LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY


-PVL-

Kể từ sau khi bức tường Bec-lin (Đức) sụp đổ, chiến tranh lạnh được tuyên bố công khai chấm dứt, ngay sau đó là sự kiện chính trị Liên Xô và một số nước ở Đông Âu sụp đổ, chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực với tư cách là một hệ thống chính trị tiến bộ - đối lập với chế độ tư bản chủ nghĩa sụp đổ. Các thế lực thù địch, đứng đầu là Mỹ và các nước đồng minh chuyển trọng tâm chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại ở châu Á, châu Mỹ La - tinh và các nước dân chủ, tiến bộ không đi theo quỹ đạo của Mỹ, trong đó có Việt Nam bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ kết hợp với thúc đẩy “tự diễn biến” (TDB), “tự chuyển hoá” (TCH) trong lòng các nước đối lập.
Bản chất của hiện tượng TDB, TCH trên thực tế đã manh nha xuất hiện từ rất lâu đời, với các biểu hiện như: tuyên truyền kích động, chia rẽ nội bộ đối phương; mua chuộc những cá nhân và bộ phận giữ vai trò quan trọng, chính yếu trong bộ máy chính quyền của lực lượng đối lập; tuyên truyền, phổ biến lối sống thực dụng, xa hoa, lãng phí, văn hoá phẩm đồi truỵ vào hàng ngũ đối phương…
Ở nước ta, việc nhận diện những biểu hiện của TDB, TCH đã được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới từ khá sớm, nhất là khi Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức trở thành đảng cầm quyền. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần hai) khoá VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tuy chưa đề cập tới thuật ngữ TDB, TCH nhưng đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của hiện tượng này ở một số cán bộ, đảng viên. Tiếp sau đó, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Đảng ta đã chỉ ra bốn nguy cơ ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và đe doạ sự tồn vong của chế độ chính là sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí… - đây thực chất chính là những biểu hiện của TDB, TCH trong một bộ phận cán bộ của Đảng. Thuật ngữ TDB, TCH lần đầu tiên xuất hiện trong văn kiện Đaị hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, khi Đảng ta chỉ ra: “Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”[1].


Trong điều kiện hiện nay, có thể quan niệm TDB, TCH là quá trình tự chuyển hoá từ bên trong mỗi tổ chức, mỗi cá nhân theo hướng từ tích cực chuyển sang giai đoạn trung gian sau đó là tiêu cực, phản động; từ lập trường, quan điểm xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa, giữa lúc tình hình trong nước, thế giới diễn biến phức tạp, những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, những khó khăn trong đời sống sinh hoạt về vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và trong điều kiện kẻ thù đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, lôi kéo, mua chuộc, gây chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, Nhà nước và chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang với quần chúng nhân dân.
Trong quá trình này, TDB được xác định là giai đoạn đầu, diễn ra âm thầm và rất khó nhận biết bên trong tư tưởng mỗi con người, mỗi tổ chức. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, đúng định hướng của các cá nhân, tổ chức cách mạng và bản thân mỗi chủ thể TDB không sớm giác ngộ và nhận ra tác hại của vấn đề thì sớm muộn đối tượng sẽ chuyển dần sang giai đoạn TCH; từ nhận thức tư tưởng sẽ chuyển sang những hành động cụ thể, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước trong hệ thống các cơ quan công quyền; sâu xa hơn TDB, TCH trở thành nguyên nhân trực tiếp, “ngọn nguồn” của những mối đe doạ gây mất ổn định chính trị xã hội và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vậy biểu hiện của TDB, TCH trong cán bộ, đảng viên hiện nay như thế nào? Đặc biệt TDB, TCH trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay ra sao? Biện pháp phòng chống hiện tượng này như thế nào? Bài viết này của tôi xin góp phần làm rõ những vấn đề trên.
1. Biểu hiện và mối quan hệ của TDB, TCH trên lĩnh vực chính trị tư tưởng và đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay
TDB, TCH trong cán bộ, đảng viên hiện nay diễn biến rất phức tạp, có thể xuất hiện trên mọi lĩnh vực từ chính trị, tư tưởng; đạo đức lối sống; kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh đến đối ngoại… trong mọi không gian (cả trong nước và ngoài nước), mọi điều kiện thời gian, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa bàn, nhất là ở những nơi mà hệ thống chính trị yếu kém, nội bộ mất đoàn kết, kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp, tình hình dân tộc, tôn giáo diễn biến phức tạp và kẻ thù tập trung chống phá.
Vấn đề quan trọng trước hết hiện nay trong phòng chống TDH, TCH và phòng chống “diễn biến hòa bình” là phải thống nhất về quan niệm, nhận diện rõ bản chất, biểu hiện và tác hại của TDB, TCH cũng như mối quan hệ của TBD, TCH với “diễn biến hoà bình” để có các biện pháp chủ động đấu tranh phòng chống tích cực, có hiệu quả.
TDB, TCH trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên được biểu hiện trước hết ở sự phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng; sự hoang mang dao động trước những khó khăn, thử thách của cách mạng; thiếu niềm tin vào học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, thiếu niềm tin vào thành công của sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đòi xét lại hoặc phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đối lập giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập... Tiếp đó, chủ thể TDB, TCH dần chủ động hơn trong tìm kiếm, thu thập và tiếp nhận các thông tin trái chiều; tiếp xúc, giao lưu với các phần tử cơ hội về chính trị, bất mãn với chế độ, các tổ chức phản động ở trong và ngoài nước. Sau nữa là đưa ra các quan điểm đi ngược lại đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của tổ chức đảng các cấp, luôn thường trực tư tưởng chống đối cách mạng, chống đối tổ chức và cuối cùng là chuyển hoá thành các hành động chống phá trên lĩnh vực chính trị tư tưởng một cách cụ thể như: công khai, bí mật tán phát, tuyên truyền phản động, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước; phê phán, xuyên tạc, phủ nhận thành quả của cách mạng; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Biểu hiện TDB, TCH về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là sự đề cao lối sống thực dụng, tư sản chủ nghĩa, từ bỏ các giá trị văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vi phạm nguyên tắc trong sinh hoạt và công tác; ngại học tập chính trị, coi thường lý luận; chủ quan, giáo điều hoặc kinh nghiệm chủ nghĩa; độc đoán, chuyên quyền; vô tổ chức, vô kỷ luật; xa vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bè phái; quan liêu, tham nhũng; lối sống xa hoa, lãng phí; nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo… có các biểu hiện “xa dân”, và “làm quan cách mạng”.
TDB, TCH trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đôi khi chuyển hoá, đan cài vào nhau rất khó phân biệt một cách rạch ròi. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, TDB, TCH về chính trị, tư tưởng là điều kiện, tiền đề, là “mảnh đất” màu mỡ để dẫn tới TDB, TCH về đạo đức, lối sống và cuối cùng là phản bội lại mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, lợi ích của dân tộc, của tập thể, của nhân dân.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, một trong số các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân trực tiếp quyết định dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu trong những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX và sự thất bại nhanh chóng của các chính quyền đi ngược lại quỹ đạo, lợi ích của Mỹ và đồng minh trong thời gian qua ở một số nước như I-Rắc, Áp-ga-nix-tan, Li-Bi, Ai-Cập,Tuy-ni-di, Yênmen hay gần đây là bất ổn chính trị, nội chiến kéo dài ở Xi-Ri, Nam Xu-đăng… có nguyên nhân chủ quan, trực tiếp từ sự suy thoái, biến chất, xa rời mục tiêu lý tưởng đã chọn và nhanh chóng đầu hàng, phản bội lại chế độ của hàng ngũ lãnh đạo chóp bu cũng như của các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát - những biểu hiện cụ thể của TDB, TCH.
2. Những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống TDB, TCH trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay
Đấu tranh phòng, chống TDB, TCH trong cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ chính trị rất khó khăn, phức tạp, một yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nhiệm vụ này chỉ thực sự phát huy hiệu quả và tác dụng khi có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, phòng chống TDB, TCH trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất. Nếu thực hiện triệt để vấn đề này sẽ là cơ sở, điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng chống TDB, TCH trên các lĩnh vực khác, cũng như trong cuộc đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thực tế nhiệm vụ đấu tranh phòng chống TDB, TCH nói chung và TDB, TCH trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đang đứng trước rất nhiều những khó khăn, phức tạp.
Thứ nhất, đây là vấn đề bên trong của mỗi chủ thể nên rất khó nhận diện, khó phân định rạch ròi nên việc nhận diện và đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay vẫn còn gặp nhiều thử thách; nhiều vấn đề thực tế diễn ra nhưng công tác nghiên cứu, phát triển lý luận vẫn chưa luận giải được một cách thuyết phục, chưa đưa ra được những dự báo sát thực mang tính chỉ dẫn hành động có hiệu quả như: vấn đề phát triển kinh tế tư bản tư nhân; vấn đề đảng viên làm kinh tế; vấn đề mở rộng quan hệ đối ngoại và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, củng cố quốc phòng, an ninh; vấn đề xác định đối tượng, đối tác trong điều kiện hội nhập quốc tế... đang từng ngày, từng giờ tác động đa chiều tới tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh những yếu tố tích cực thì mặt trái của nó cũng tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý và hành động của cán bộ, đảng viên. Nhất là tình hình kinh tế - xã hội đất nước diễn biến phức tạp, đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc, ăn, ở, sinh hoạt của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh dễ bị các yếu tố “cơm, áo, gạo, tiền” của cuộc sống đời thường làm phai nhạt niềm tin, dao động về tư tưởng, gục ngã trước cám dỗ vật chất tầm thường và xa vào lối sống xa hoa, thực dụng, tham ô, lãnh phí.
Thứ ba, chủ thể của TDH, TCH trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống là những cán bộ, đảng viên, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị - những người vốn đã từng đi tiên phong trong sự nghiệp cách mạng, những cá nhân, tổ chức vốn là “máu thịt”, là đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp của cán bộ, đảng viên trong Đảng; là “đầy tớ thật trung thành của nhân dân” nay suy thoái về chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống... nên rất khó phòng ngừa, phát hiện. Không loại trừ khả năng, trong một số ít trường hợp cán bộ, đảng viên e dè, nể nang, “dĩ hoà vi quý” trong đấu tranh, góp ý, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc không dám đấu tranh vì tâm lý lo sợ bị trù dập, bị cô lập, bị trả thù cá nhân.
Thứ tư, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt trong chiến lược “diễn biến hoà bình” để chống phá cách mạng nước ta. Thực hiện kết hợp “diễn biến hoà bình” với thúc đẩy TDB, TCH trong nội bộ, thực hiện phương châm “nội công, ngoại kích” hòng xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ Đảng, Nhà nước và với nhân dân; cô lập, gây khó khăn đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.../.




[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 29.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét