Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Bản Hiến pháp hợp lòng dân

     Ngày 28/11/2013 tại Thủ đô Hà Nội, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết nhất trí thông qua bản Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bổ sung, sửa đổi năm 2013 - sau đây gọi tắt là Hiến pháp năm 2013). Đây là bản Hiến pháp lần thứ 5 của nước ta cho đến thời điểm này, tiếp nối các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992. 
     Mỗi bản Hiến pháp đều có vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử riêng ở những thời điểm lịch sử rất khác nhau. Do đó, có thể khẳng định việc so sánh giữa các bản Hiến pháp của nước ta hoặc giữa Hiến pháp năm 2013 của nước ta với Hiến pháp của một số nước trên thế giới cũng cần phải cân nhắc và thận trọng.
     Tuy nhiên, nếu xét về nội dung, quy trình, thủ tục và kỹ thuật lập pháp thì ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy, bản Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới, tiến bộ, hiện đại và đặc biệt là đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận nhân dân Việt Nam. Thế nhưng, có một điều “kỳ lạ” là, vẫn có một số người dù cố tình hay “vô ý” vẫn lên tiếng phản đối trực tiếp hoặc gián tiếp bản Hiến pháp này, nhất là trên các trang mạng xã hội, trên Internet và một số tài liệu tán phát ở cộng đồng dân cư dưới các luận điểm kiểu như: “Bản Hiến pháp mới không có gì mới”, “Quá trình lấy ý kiến nhân dân và biểu quyết thông qua ở Quốc hội chỉ là hình thức”, “Hiến pháp 2013 không đại diện cho đa số người dân Việt Nam”...
     Vậy, dụng ý thực sự của những quan điểm này là như thế nào, xin miễn bàn về điều đó. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, tự thân bản Hiến pháp năm 2013 và quy trình xây dựng bản Hiến pháp này đã chứng minh được tính hiện đại, tiến bộ của nó, điều mà đối với những người có mặt bằng nhận thức không cao cũng dễ dàng nhận thấy. Cụ thể:
     Thứ nhất, ta không thể so sánh Hiến pháp của nước này với Hiến pháp của nước kia, hay lấy một “khuôn mẫu”, “mô hình” Hiến pháp một nước nào đó để áp đặt, đánh giá giá trị của Hiếp pháp nước khác. Bởi vì, Hiến pháp là đạo luật gốc của mỗi quốc gia, dân tộc. Mà mỗi nước lại có đặc điểm riêng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... nhất là có thể chế chính trị rất khác nhau. Do đó, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam có nét riêng của Việt Nam âu cũng là lẽ thường tình.
     Thứ hai, quá trình xây dựng Hiến pháp lần này được tổ chức chặt chẽ, quy mô rộng rãi chưa từng có trong lịch sử lập pháp nước nhà, từ trong nhận thức cho tới hành động thực tế của các đại biểu Quốc hội khóa XIII và quảng đại quần chúng nhân dân đều thể hiện rõ điều này. Hiến pháp năm 2013 đã được trên 26 triệu lượt ý kiến của nhân dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài cho ý kiến dưới nhiều hình thức và phương pháp khác nhau: tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học; xin ý kiến các chuyên gia lập pháp; lấy ý kiến của nhân dân; học tập kinh nghiệm hay của một số nước trên thế giới...
     Thứ ba, quá trình thảo luận và đi đến biểu quyết thông qua Hiến pháp năm 2013 được tổ chức dân chủ, chặt chẽ, nghiêm túc, công khai, minh bạch và với tỷ lệ phiếu thuận của các đại biểu quốc hội (đại diện của nhân dân) rất cao: 97,59% số phiếu tán thành.
     Thứ tư, kết cấu, nội dung trong Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới; là bản Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung và phát triển nhiều nhất so với các Hiến pháp trước đây của nước ta. Cụ thể: Hiến pháp năm 2013 có Lời nói đầu, 11 chương, 120 điều; so với Hiến pháp 1992 thì Hiến pháp mới giảm 27 điều, giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều hoàn toàn mới và sửa đổi 101 điều.
Trong các nội dung được bổ sung, điều đáng lưu tâm là có nhiều nội dung liên quan đến con người và quyền con người - điều mà nhiều nước trên thế giới và nhiều tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam lâu nay vẫn hay “ý kiến”. Các nội dung trong Hiến pháp đã đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng...; quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; phân định rõ ràng hơn quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các địa phương trong việc quản lý Nhà nước... 
     Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đề cập đến một số nội dung thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế như: tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bảo vệ tài nguyên và môi trường, quyền sở hữu đất đai, quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ, tín ngưỡng và tôn giáo...
     Từ những chứng cứ trên có thể khẳng định, Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bản “Hiến pháp hợp lòng dân”; có nhiều điểm mới, tiến bộ và hiện đại, thể hiện được nguyện vọng và ý chí của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế. Do vậy, những ý kiến của một số người cho rằng Hiến pháp năm 2013 là “không mới”, “không đại diện cho đa số người dân Việt Nam”... là phiến diện, thiếu khách quan, không chính xác và không có thiện chí - nó không đại diện cho tiếng nói của nhân dân Việt Nam và chắc chắn thực tế lịch sử sẽ phủ nhận những quan điểm này./.
                                                                                                            Phan Lương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét