-PVL-
Trận tập kích
Sân bay Biên Hòa của Đại đội 26, Tiểu đoàn 2, Đoàn Pháo binh 75 từ ngày 14 đến
ngày 26 tháng 4 năm 1975 là một trận chiến đấu pháo binh độc lập, dài ngày và
thắng lợi trọn vẹn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí
Minh. Gần 40 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học kinh nghiệm rút ra từ
trận tập kích này vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học về sự chuẩn bị chu đáo,
cụ thể về mọi mặt, nắm chắc thời cơ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nguyên
tắc trong sử dụng lực lượng, bố trí đội hình, sử dụng các thủ đoạn chiến đấu để
giành thắng lợi.
Sân bay Biên Hòa
cách thành phố Sài Gòn 30km về phía Đông Bắc, có địa hình tương đối bằng phẳng,
phía Nam là thành phố Biên Hòa, phía Bắc và phía Tây có sông Đồng Nai bao bọc.
Sân bay có diện tích khoảng 40km², có hai đường băng, chia làm 5 khu. Khu 1 chứa
máy bay B57, F5, máy bay chiến lược; khu 2 chứa máy bay tiêm kích; khu 3 chứa
máy bay vận tải, trực thăng (L19, OV10); khu 4 là nhà ở của phi công và nhân
viên kỹ thuật; khu 5 chứa đạn và xăng dầu…
Về địch, lực lượng bảo vệ sân bay gồm 01 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn tăng -
thiết giáp, từ 01 đến 02 tiểu đoàn dù, hơn 100 chó béc-rê, 09 đến 10 hàng rào
dây thép gai và hệ thống bãi mìn dày đặc. Các lực lượng bảo vệ sân bay tổ chức
tuần tra, canh gác chặt chẽ, cẩn mật cả ngày và đêm. Thủ đoạn của chúng là
thường xuyên cho quân và chó nghiệp vụ tuần tra, lùng sục xung quang; ban đêm
dùng đèn pha chiếu quét liên tục và thả chó nghiệp vụ đánh hơi phát hiện các
lực lượng tiếp cận sân bay từ xa.
Sau khi bị mất
Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung, địch co về lập tuyến phòng thủ Sài
Gòn, trọng điểm là tuyến phòng ngự Xuân Lộc. Tuy nhiên, khi Xuân Lộc bị quân ta
tiến công dữ dội, nguy cơ tan rã, địch càng quan tâm bảo vệ Sân bay Biên Hòa. Do vậy, ngoài lực lượng trực tiếp bảo vệ trong khu
vực sân bay, chúng huy động một lực lượng lớn máy bay, pháo binh thường xuyên
bắn phá vào các khu vực, các con đường nghi ta cơ động lực lượng. Sử dụng biệt kích, thám báo, hệ thống chỉ điểm ngầm lùng sục nhằm
phát hiện bộ đội ta từ xa (kể cả khu vực đã bị ta giải phóng trước đó).
Về ta, Đại đội 26 (pháo 130mm), Tiểu đoàn 2, Đoàn Pháo binh 75, là đơn vị có
bề dày truyền thống, đã từng lập thành tích xuất sắc ở Chiến dịch Đường 9 - Nam
Lào năm 1971, Bắc Lào năm 1972. Được tôi luyện qua cuộc hành quân cơ giới vượt
Trường Sơn. Sau Chiến thắng Phước Long, tinh thần của bộ đội rất phấn chấn, đặc
biệt là sau khi quân và dân ta giành thắng lợi ở Tây Nguyên và các tỉnh duyên
hải miền Trung. Tuy nhiên, trước khi nhận
nhiệm vụ, Đại đội cũng gặp không ít khó khăn: đơn vị đã giao những khí tài tốt
và một phần quân số cho các đơn vị bạn làm nhiệm vụ khác; Đại đội chỉ có ba
khẩu pháo, ba xe xích kéo pháo, tình trạng kỹ thuật xe pháo không tốt do dồn
ghép từ nhiều khẩu; quân số một khẩu chỉ có 04 đồng chí (trong khi biên chế đủ
là 09 đồng chí); thông tin hữu tuyến thiếu dây, thiếu máy; hệ thống liên
lạc vô tuyến đã chuyển từ khí tài P108 sang máy 71C, tính năng kỹ, chiến thuật
không bằng máy P108, trình độ hiểu biết cũng như thao tác sử dụng máy thông tin
của phần lớn chiến sĩ trong đại đội chưa thuần thục.
Nhận thức rõ vị
trí, ý nghĩa quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ tập kích Sân bay Biên Hòa và đặc
điểm đại đội, nắm chắc tình hình địch, địa hình, thời tiết khu vực tác chiến;
cấp ủy, chỉ huy Đại đội 26 đã chủ động, tích cực làm mọi công tác chuẩn bị để
bảo đảm cho trận chiến đấu thắng lợi. Đơn vị tập trung phổ biến, quán triệt
nhiệm vụ cụ thể, nhiều lần, dưới nhiều hình thức; xây dựng kế hoạch tác chiến
và kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị cụ thể, sát thực tế. Động viên bộ
đội làm công tác chuẩn bị, sửa chữa máy móc, súng pháo, tổ chức huấn luyện bổ
sung, tổ chức cho các bộ phận viết đăng ký quyết tâm và phát động thi đua trong
toàn đơn vị phấn đấu quyết tâm cao nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ, giảm thương
vong. Mọi công tác chuẩn bị của đơn vị xong lúc 12 giờ ngày 09 tháng 4 năm 1975
và sẵn sàng nổ súng.
Một số diễn biến chính của trận
tập kích: 17 giờ ngày 14
tháng 4, Đại đội 26 bắt đầu tập kích vào đường băng chính và khu để máy bay A37
và F5. Sau phút hoang mang, pháo binh địch bắn dữ dội vào khu vực trận địa,
nhưng nhờ làm tốt công tác ngụy trang, có công sự kiên cố, địch không phát hiện
vị trí chính xác nên phần lớn đạn pháo địch rơi cách xa trận địa khoảng 400 đến
500m. Kết quả, ta diệt 29 tên, 7 máy bay A37, F5 bị phá hủy, đường băng chính
của sân bay ngừng hoạt động trong nhiều giờ. Trong ngày 15 tháng 4, đơn vị được
tăng cường 01 tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp (37 và 57mm) bố trí thành hai cụm liên
hoàn bảo vệ trận địa. Ngày 16 tháng 4 địch bắn nhiều đợt vào trận địa, máy bay
L19 trinh sát, chỉ điểm cho máy bay trực thăng, máy bay phản lực phóng roóckét,
ném bom vào khu vực trận địa. Trận địa cao xạ của ta bị phát hiện, một số đồng
chí hy sinh và bị thương.
Từ ngày 17 đến
20 tháng 4, ta bắn nhiều đợt vào các mục tiêu trong sân bay, gây cho địch nhiều
tổn thất về người và phương tiện, nhiều đoạn trên đường băng, nhà kho bị phá
hủy, khả năng hoạt động của sân bay giảm sút rõ rệt. Ngày 20 tháng 4, đơn vị được Bộ Tư lệnh Miền thông báo đã đề nghị cấp
trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Từ ngày 21 đến 26 tháng
4, đơn vị tiếp tục tập kích nhiều đợt vào sân bay gây cho chúng nhiều tổn thất.
Kết quả, sau 12 ngày đêm chiến đấu, đơn vị đã bắn 326 viên đạn trong 60 lượt vào
13 mục tiêu các loại. Phá hủy 07 máy
bay A37, F5; cháy 05 kho đạn, 01 kho bom; đường băng bị khống chế làm giảm khả
năng khai thác 75%, máy bay không cất cánh được; nhiều tên địch bị tiêu diệt và
mất khả năng chiến đấu. Về phía ta, sau
12 ngày đêm, tuy bị địch ném trên 1.200 quả bom, hơn 3.000 quả đạn pháo và roóckét
vào khu vực trận địa, song đơn vị vẫn an toàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
được giao.
Một số kinh nghiệm rút ra từ trận tập kích Sân bay
Biên Hòa:
Một là, quán triệt sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trên
giao; nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ
cán bộ, đảng viên; tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, đoàn kết, vượt
khó của cán bộ, chiến sĩ.
Xác định đây là
trận chiến đấu quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến toàn chiến trường. Vì vậy,
đơn vị đã quán triệt nhiệm vụ, động viên tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu
cao cho cán bộ, chiến sĩ. Trước trận chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã thông
báo tin chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Tây Nguyên, các tỉnh duyên
hải miền Trung và nêu bật những truyền thống của đơn vị để cán bộ, chiến sĩ
phấn khởi, tự tin bước vào trận chiến đấu. Tiến hành thông báo nhiệm vụ trên
giao, nêu bật ý nghĩa, vai trò của trận chiến đấu này đối với đơn vị cũng như
đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên. Tổ chức phân công nhiệm vụ, hiệp
đồng chặt chẽ cho các bộ phận, gắn với trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ,
đảng viên. Trước khi bước vào chiến đấu, đơn vị đã tổ chức cho các bộ phận và cá
nhân đăng ký quyết tâm chiến đấu. Khi chiến đấu gặp khó khăn, chi bộ ra nghị
quyết lãnh đạo bổ sung nhiệm vụ với nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp, kịp
thời động viên bộ đội: “Chúng ta đã thắng lợi bước đầu, nhưng ngày tới sẽ ác
liệt hơn rất nhiều, đại đội sẽ chuyển sang bắn kiềm chế, khống chế sân bay
không cho nó cất cánh. Công sự ngụy trang thật tốt để chiến đấu dài ngày…”. Chỉ
huy đại đội tổ chức phát động thi đua “Ba
nhất” sốc lại tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ (một
là, bám trụ dài ngày nhất; hai là, bắn nhiều lần và chính xác nhất; ba
là, giữ bí mật tốt nhất). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, cổ động cũng
được tiến hành linh hoạt, sáng tạo, kịp thời. Trong điều kiện trận địa của đại
đội rộng, thông tin bị hạn chế, lực lượng mỏng, thường xuyên bị địch bắn phá
song đơn vị vẫn duy trì thường xuyên, kịp thời việc cung cấp thông tin chiến
thắng ở các chiến trường Xuân Lộc, Trảng Bom, Nha Trang..., góp phần động viên
tinh thần và duy trì quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Đại đội chỉ đạo các bộ
phận tăng cường nghi binh lừa địch, thành
lập khẩu đội “Cồn cỏ” do đồng chí Dương Thành Thuấn, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 3
làm khẩu đội trưởng, cơ động thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh vị trí, triển khai
đội hình chiến đấu cách trận địa chính 800m để thu hút hỏa lực địch.
Trong suốt quá
trình chiến đấu, đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy tốt tinh thần trách nhiệm,
thể hiện bản lĩnh và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, dũng cảm, kiên cường tạo
niềm tin vững chắc cho chiến sĩ kiên trì bám trụ chiến đấu. Tiêu biểu là khẩu
đội trưởng khẩu đội “Cồn cỏ”, dù biết thực hiện nhiệm vụ nghi binh thu hút địch
là cực kỳ nguy hiểm xong đã tự nguyện xung phong đi đầu, quá trình chiến đấu bị
thương nhưng vẫn vững vàng ở vị trí chiến đấu, bình tĩnh chỉ huy khẩu đội liên
tục nã đạn đúng thời cơ, đúng hiệp đồng của đại đội.
Hai là, sử dụng chiến thuật tập kích phù hợp để chiến đấu liên
tục, dài ngày.
Trong chiến
thuật tập kích pháo binh, thông thường chúng ta tập kích hỏa lực mãnh liệt xong
rút ngay lực lượng khỏi trận địa để tránh đòn phản kích bằng hỏa lực của địch. Tuy
nhiên, trong trận chiến đấu này, mục tiêu Sân bay Biên Hòa bị ta tập kích 6
lần, trong thời gian dài (12 ngày đêm). Xét về lý thuyết, xác định thời gian tập kích như vậy là chưa thực sự khoa học,
song trên thực tế cấp trên và chỉ huy đại đội đã nắm rất chắc tình hình chiến
trường khi đó. Vùng giải phóng được mở rộng, địch bị bao vây cô lập, ta đánh
mạnh trên toàn bộ chiến trường. Tinh thần của quân địch tuyệt đại đa số rất hoang
mang dao động, một số tên đã đào bỏ ngũ, lực lượng phân tán vì phải đối phó
nhiều nơi… đó là cơ sở rất quan trọng để đơn vị xác định quyết tâm chiến đấu,
động viên bộ đội tin tưởng vào cách đánh, việc bố trí, sử dụng lực lượng của
chỉ huy, tin vào thắng lợi của trận chiến đấu.
Trong suốt quá
trình chuẩn bị và thực hành chiến đấu, chỉ huy đơn vị không hề chủ quan, khinh
địch vì nhận định rằng, dù khó khăn nhưng chúng vẫn sẽ sử dụng mọi thủ đoạn và
biện pháp có thể để bảo vệ Sân bay Biên Hòa, bảo vệ “yết hầu” của chúng. Do đó,
ngay từ đầu, đơn vị đã chú trọng làm tốt công tác xây dựng, củng cố công sự
trận địa; bố trí lực lượng bí mật, bất ngờ; có lực lượng nghi binh lừa địch; có
trận địa chính, trận địa phụ và trận địa giả để phối hợp, hiệp đồng tác chiến.
Ba là, sử dụng lực lượng hợp lý, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, sử dụng
các thủ đoạn bắn thích hợp đạt hiệu xuất cao.
Trong trận tập
kích này, Bộ Tư lệnh Miền sử dụng 01 đại đội pháo 130mm tập kích vào mục tiêu
có diện tích gần 40km², có vị trí chiến lược là tương đối mỏng. Tuy nhiên, lúc
này chúng ta không thể sử dụng lượng pháo nhiều hơn vì cùng lúc phải tiến hành
tác chiến nhiều mục tiêu, trên nhiều khu vực theo hướng Đoàn 232 (hướng Tây Nam)
và ở mặt trận Xuân Lộc. Để giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu nhiệm vụ và khả
năng thực tế, đơn vị đã quyết định thực hiện nhất quán phương châm “sử dụng ít
pháo nhưng bắn nhiều đạn, bám trụ dài ngày, dùng thủ đoạn bắn thích hợp để đạt
hiệu xuất chiến đấu cao nhất”. Để tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ trận
địa pháo 130mm, cấp trên đã kịp thời tăng cường lực lượng pháo phòng không đánh
máy bay bay thấp; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ
giữa Đại đội 26 với các đơn vị công
binh, bộ binh, trung đội ĐKZ để duy trì chiến đấu liên tục, dài ngày. Bên cạnh
đó, đơn vị đã lựa chọn mục tiêu bắn phù hợp, đối với đường băng sân bay là mục
tiêu có diện tích lớn, cố định, xác suất trúng đích cao, đơn vị chỉ sử dụng 01
viên đạn bắn trúng mục tiêu là đường băng mất tác dụng, máy bay phản lực không
thể cất cánh được, nên đơn vị đã lựa chọn mục tiêu này để bắn ngay từ đầu. Đồng
thời, sử dụng linh hoạt các thủ đoạn bắn của pháo binh: bắn chế áp, tiêu diệt (trong
giai đoạn đầu), bắn kiềm chế, cầm canh, giám thị (trong các giai đoạn sau).
Đại đội bố trí
trận địa pháo ở Hiếu Liêm, đây là khu rừng rậm, nằm sát căn cứ của ta, có đặc
điểm che đỡ và ngụy trang tốt, gần nguồn nước. Các trận địa pháo đặt ở sườn
đồi, đỉnh đồi gây bất ngờ cho địch và làm cho chúng phán đoán sai vị trí trận
địa của ta. Các khẩu pháo bố trí phân tán, giãn cách xa, từ 500 đến 1.000m
nhưng có đường cơ động thuận lợi nên khi có tình huống, hỏa khí vẫn có thể cơ
động chi viện cho nhau, thực hiện đúng nguyên tắc “Hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”. Trong quá trình chiến đấu,
đơn vị liên tục nghi binh lừa địch: cho xe pháo chạy qua khu vực trận địa rồi
quay lại chiếm lĩnh, xây dựng nhiều trận địa giả, dùng pháo mồi để thu hút hỏa
lực địch. Hệ thống công sự được làm chắc chắn, liên hoàn, có thể chịu được hỏa
lực pháo binh, không quân ác liệt; đồng thời có thể tổ chức chiến đấu bộ binh
để tự bảo vệ người và trận địa. Chiến đấu dài ngày, song hỏa lực pháo binh của
Đại đội 26 bắn không thành quy luật, lúc bắn cấp tập, lúc bắn giám thị, khi bắn
ban ngày, lúc bắn ban đêm làm cho địch luôn luôn bị bất ngờ, tâm lý căng thẳng
và bị động đối phó. Bên cạnh đó, đơn vị đã làm tốt công tác hiệp đồng chiến đấu giữa các bộ phận, trong mọi
tình huống vẫn duy trì cung cấp đủ đạn, lương thực, thực phẩm, đảm bảo quân y phục
vụ chiến đấu liên tục, dài ngày. Quá trình chiến đấu hiệp đồng chặt chẽ giữa
trận địa và đài quan sát nên khi thông tin bị gián đoạn do bị hỏa lực địch bắn
phá đơn vị vẫn có thể bắn và sửa bắn chính xác thông qua các ký, tín, ám hiệu
hiệp đồng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét