-PV L-
-TVH-
Hiện nay, trong toàn Đảng
về cơ bản đã thực hiện xong bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần
Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số
vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua kiểm điểm, từng tổ chức đảng,
đảng viên đã quán triệt và nghiêm túc tự kiểm điểm phê bình theo những nội dung
và yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành
Trung ương quy định. Theo đó, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, thậm chí là
sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên đã được chỉ ra; những nguyên nhân, bài học
kinh nghiệm và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cũng được các tổ chức đảng, đảng
viên đề xuất để khắc phục sửa chữa. Để việc tự phê bình và phê bình theo tinh
thần Nghị quyết Trung ương 4 không bị rơi vào “hình thức”, đòi hỏi phải có sự cố
gắng của toàn Đảng, của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên; đặc biệt là
sự vào cuộc và phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, nhất là người đứng đầu
cấp uỷ, chính quyền các cấp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm cho từng cán bộ, đảng
viên, từng tổ chức cơ sở đảng và toàn Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố niềm
tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Kết
quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các tổ chức đảng và đảng viên chứng tỏ,
sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên có nguyên nhân quyết định là: “Cán
bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách
nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân…”[1];
“Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều
khi mang tính hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách
mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương
người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán,
xử lý nghiêm minh”[2]. Công
tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, liên tục
nên hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế... Tuy nhiên, khi nói
đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán
bộ, đảng viên hiện nay, dư luận thường cho rằng, chỉ có cán bộ, đảng viên có vị
trí lãnh đạo chủ chốt mới có điều kiện “cậy chức, cậy quyền”, tham ô, lãng phí
và hối lộ; còn ở cấp cơ sở đa số cán bộ, đảng viên ít có (hoặc không có) điều
kiện để thoái hoá, biến chất. Đây là nhận thức chưa đúng đắn và có phần lệch lạc.
Bởi lẽ, ở cơ sở có tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở, nơi tập trung hầu
hết cán bộ, đảng viên và là nền tảng chính trị của Đảng, cơ sở kinh tế - xã hội
của đất nước. Đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt của cấp uỷ,
chính quyền cơ sở nắm trong tay tài sản không hề nhỏ của nhà nước, của nhân dân.
Đảng viên các cấp (kể cả cấp Trung ương) đều trưởng thành từ cơ sở, được tổ chức
cơ sở đảng giáo dục, rèn luyện, có sự phấn đấu, tu dưỡng bền bỉ, có đóng góp công
lao xứng đáng cho cách mạng nên được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm giao đảm
nhiệm những vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Vì vậy, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở cơ sở là vấn đề vừa cấp
bách, vừa cơ bản, lâu dài; là trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng, mà trực
tiếp và trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở.
Những
năm qua, công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện
đảng viên của các tổ chức cơ sở đảng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đội
ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở đã phát
huy tương đối tốt vai trò, trách nhiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình
trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, ở cơ sở vẫn còn hiện tượng cán bộ, đảng viên lạm dụng quyền lực,
tham ô, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, ăn chơi, xa đoạ, vô nguyên tắc trong
thực thi nhiệm vụ… Khi có dấu hiệu vi phạm chưa được thanh tra, kiểm tra, phát
hiện kịp thời. Khi xử lý kỷ luật, một số nơi có biểu hiện bao che, xử lý thiếu
công tâm nhằm che giấu hoặc giảm khuyết điểm và tội danh cho cán bộ, đảng viên
vi phạm. Một số bí thư cấp uỷ, người đứng đầu chính quyền chưa thể hiện rõ vai
trò, trách nhiệm trong những vụ việc, tình huống vi phạm của tổ chức, cán bộ, công
chức và đảng viên. Khi tổ chức, cơ quan, đơn vị xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm
trọng, một số người đứng đầu không dám chịu trách nhiệm cá nhân, tìm mọi cách đùn
đẩy cho tập thể. Công tác kiểm tra, giám sát đảng viên ở nhiều nơi rơi vào tình
trạng hình thức, hiệu quả thấp. Hầu hết, các vụ vi phạm của cán bộ, đảng viên đều
do phản ánh, đưa tin của các cơ quan báo chí, của công tác thanh tra, kiểm tra
và sự phát hiện, tố cáo, tố giác của quần chúng nhân dân… Khi “việc đã rồi” mới
thấy tổ chức cơ sở đảng, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và uỷ ban kiểm tra,
giám sát “vào cuộc” nhưng đôi khi lại không có kết luận xử lý rõ ràng, gây ra dư
luận xã hội xấu, tạo kẽ hở cho kẻ thù và các phần tử cơ hội lợi dụng, xuyên tạc,
bóp méo sự thật, chống phá Đảng và Nhà nước… Những vấn đề đó đã trực tiếp làm
giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền Nhà nước, mà trực tiếp là uy tín của
người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền Nhà nước ở cơ sở trước cán bộ, đảng
viên và quần chúng nhân dân địa phương.
Theo đó, để phát huy trách
nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền
cơ sở trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay, cần thực hiện tốt
một số vấn đề sau:
1. Tăng
cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong phòng
ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Trên thực tế, ở cơ sở, đại
bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn giữ được phẩm chất cách mạng, tích cực đấu tranh
chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một
bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng
viên đã nghỉ hưu vẫn dũng cảm tham gia đấu tranh, phòng chống các hiện tượng lợi
dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng, lãng phí, nhận hối lộ, chạy chức, chạy
quyền, lộng hành, o ép quần chúng, thoái hoá, biến chất, sống xa hoa, thực dụng,
chạy theo đồng tiền và lối sống tư sản… Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên, nhất
là cán bộ, đảng viên đương chức ở cơ sở chưa nhận thức sâu sắc vai trò, trách
nhiệm của bản thân trong phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay. Hoặc giả có nhận thức được nhưng
vì những lý do liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm cá nhân (sợ ảnh hưởng đến
thành tích cơ quan, lĩnh vực phụ trách, gia đình, người thân, họ hàng, bè bạn,
chiến hữu,…) nên có những biểu hiện như bao che, bao biện cho cán bộ, đảng viên
vi phạm. Vì vậy, bí thư cấp uỷ, người đứng đầu chính quyền cơ sở phải tăng cường
giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên thuộc quyền về vị
trí, ý nghĩa của phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện cán bộ, đảng
viên thờ ơ, lãnh đạm, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trước các biểu hiện phai
nhạt về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cục bộ, cơ hội, thực dụng,
chạy chức, chạy quyền, kèn cực địa vị, tiền tài, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện,
vô nguyên tắc,… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và tổ chức
thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng Đảng như: Nghị quyết
Trung ương 6 lần 2 (khoá VIII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương
3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh chống
tham nhũng, lãng phí; Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng
viên không được làm, nhất là khâu sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm
sau khi tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương
4 (khoá XI)… Đồng thời quán triệt và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên
ở cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng ngừa,
ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống như:
Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật thực hành tiết kiệm; quy chế dân
chủ cơ sở; phòng chống âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến”, “tự
chuyển hoá” của các thế lực thù địch... Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên
thông qua các hình thức học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng các đối tượng cảm tình đảng,
đảng viên mới; lĩnh vực công tác của từng đối tượng cán bộ, đảng viên; các kỳ
học tập, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ gắn với thực hiện việc “Học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ
Chính trị một cách hiệu quả, thiết thực. Từ đó trực tiếp góp phần làm cho đội
ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tích cực tham gia đấu
tranh, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối
sống hiện nay.
2.
Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở cần giải quyết tốt mối quan hệ công
tác, thực sự gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm, tích cực tham gia phòng
ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo
đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở cơ sở
Là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết ở cơ sở, được tổ chức
đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân tín nhiệm bầu và giao giữ cương vị trọng
trách của địa phương, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở phải thực sự trong
sạch, luôn gương mẫu, đoàn kết, thống nhất, lời nói đi đôi với việc làm, “xứng tâm,
xứng tầm” người lãnh đạo của tổ chức, cơ quan, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công
chức thuộc quyền và quần chúng nhân dân. Để làm được điều này, một mặt, người đứng đầu cấp uỷ, chính
quyền phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo,
trình độ quản lý nhà nước, rèn luyện phong cách làm việc, giải quyết hài hoà các
mối quan hệ công tác với tổ chức đảng, cấp uỷ, uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân,
các ban ngành, đoàn thể cấp trên, nhất là mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp uỷ,
chính quyền cơ sở cùng cấp. Phải tự giác rèn luyện, mẫu mực trong cả lời ăn, tiếng
nói và việc làm. Tự mình phải trong sạch, vững mạnh và “miễn dịch” trước mọi cám
dỗ, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, không rơi vào chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, vị kỷ,
luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của chiến sĩ cách mạng chân
chính để làm gương cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo. Tích cực
tham gia đấu tranh với những biểu hiện nhận thức lệch lạc, hành động sai trái
trong cơ quan, đơn vị. Đề cao tinh thần dân chủ, kỷ luật, phê bình và tự phê bình
trong sinh hoạt đảng, chính quyền đoàn thể và trước nhân dân địa phương. Có thái
độ kiên quyết trong đấu tranh, phê bình và giữ nghiêm kỷ luật. Khi tiến hành
xem xét và thi hành kỷ luật phải đúng người, đúng việc, giữ vững kỷ cương, kỷ
luật trong quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên.
Mặt khác, người đứng đầu cấp uỷ,
chính quyền cơ sở cũng phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân khi để cơ quan, đơn
vị, địa phương và tổ chức do mình trực tiếp phụ trách xảy ra vụ việc vi phạm kỷ
luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham ô, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trường hợp có vụ việc vi phạm
nghiêm trọng, ngoài trách nhiệm cùng với cấp uỷ, chính quyền kịp thời xử lý, khắc
phục hậu quả và định hướng dư luận xã hội, người đứng đầu nên chủ động nhận trách
nhiệm cá nhân, thậm trí là “từ chức” để giữ nghiêm kỷ luật, đồng thời tạo điều
kiện cho người có đủ năng lực, trình độ và uy tín đảm nhiệm chức danh người đứng
đầu của cấp uỷ, chính quyền cơ sở.
3. Tăng
cường hiệu lực công tác thanh tra, kiểm
tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình
trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng
là chức năng lãnh đạo, quản lý của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở, nhằm giữ vững
kỷ cương, kỷ luật, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các trường hợp sai phạm của cán
bộ, công chức và đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong
sạch, vững mạnh. Vì vậy, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở cần đề cao
vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân các cấp, mà
trực tiếp là Uỷ ban Kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng; các cơ quan thanh
tra, kiểm tra của chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong thanh tra, kiểm tra,
giám sát đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên (kể cả người đứng đầu cấp uỷ,
chính quyền cơ sở). Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nếu phát
hiện dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, người đứng đầu cùng với
cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo Uỷ ban kiểm tra, giám sát cùng cấp và phối hợp với
các cơ quan Thanh tra Nhà nước, Thanh tra nhân dân tiến hành kiểm điểm, xem xét
xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức sai phạm. Khi xử lý phải nắm chắc tình hình,
giữ nghiêm nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền, bảo đảm tính khách quan, toàn diện,
lịch sử, cụ thể và coi trọng công tác giáo dục thuyết phục để người vi phạm nhận
ra sai lầm, khuyết điểm. Đồng thời, tăng cường tính chất răn đe, cảnh báo với
những cán bộ, đảng viên khác trong cơ quan, đơn vị. Quá trình xem xét phải thẩm
tra, xác minh, có bằng chứng xác thực, làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền kết
luận lỗi phạm, ra quyết định thi hành kỷ luật chính xác. Cán bộ, công chức, đảng
viên vi phạm kỷ luật đến mức nào đều phải kiên quyết xử lý mức đó, bất kể người
đó là ai, giữ chức vụ gì. Chống biểu hiện bao che, trù dập, lợi dụng vụ việc để
trả thù cá nhân, nương nhẹ, sợ va chạm hoặc đơn giản, xem xét phiến diện, một
chiều, né tránh, “nhẹ trên nặng dưới”,... Sau khi thi hành kỷ luật, người đứng đầu
cần tham mưu cho cấp uỷ, cơ quan giao nhiệm vụ cho tổ chức, bộ phận, các cá nhân
có uy tín để giáo dục, theo dõi, giúp đỡ cán bộ, đảng viên có vi phạm phấn đấu khắc
phục sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ. Không được phân biệt đối xử với
những người có vi phạm, đồng thời phải ghi nhận sự cố gắng trong tu dưỡng, rèn
luyện, khắc phục sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm.
Kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương
về tính chất, nội dung và biện pháp xử lý kỷ luật đối với từng vụ việc, không tạo
kẽ hở cho các thế lực thù địch, phần tử cơ
hội, xét lại lợi dụng sự việc để tiến hành các hoạt động chống phá, góp phần phòng
ngừa, ngăn chặn, đấu tranh và đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng,
đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở cơ sở hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét