Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA NĂM 1917 VÀ BÀI HỌC RÚT RA TRONG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM


-PVL-
Đảng lãnh đạo quân đội là một nguyên tắc bất di bất dịch, một vấn đề tối quan trọng trong lý luận và thực tiễn xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản do các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin sáng lập, đặc biệt là những quan điểm của lãnh tụ V.I.Lênin sau khi có sự kiện Cách mạng Tháng Mười “long trời lở đất” năm 1917.
Đối với Việt Nam, vấn đề Đảng lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với quân đội, thực chất là cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội đã được Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, nghiên cứu, xác định ngay từ rất sớm, thông qua những đội vũ trang đầu tiên. Trải qua thời gian, trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng không ngừng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của nhiệm vụ, đáp ứng với thực tiễn. Song có thể khẳng định rằng, để có cơ sở lý luận, thực tiễn cho Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập và thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội có cội nguồn gốc rễ vấn đề xuất phát từ những kinh nghiệm được rút ra sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại ngày 7/11/1917.
V.I.Lênin lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới trong Cách mạng Tháng Mười năm 1917.
Hồng quân Liên Xô đánh chiếm thủ đô Béclin của phát xít Đức năm 1945.

Quân đội nhân dân Việt Nam duyệt đội ngũ trên Quảng trường Ba Đình năm 2010.



“Ngược dòng thời gian, trở về quá khứ”, nghiên cứu và tìm hiểu về bối cảnh nước Nga năm 1917 chúng ta thấy rằng: Tình hình nước Nga rất phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố bất ổn cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Tháng 3 năm 1917, ở Nga tồn tại một thực tế khác thường về chính trị khi có hai chính quyền song song tồn tại, đó là: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và chính quyền của giai cấp công nhân, nhân dân lao động do Đảng Cộng sản Nga và lãnh tụ V.I.Lênin đứng đầu. Về kinh tế, nước Nga rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nền sản xuất bị đình chệ, nhất là sản xuất công nghiệp; lạm phát ra tăng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân cực kỳ cực khổ. Trong khi ấy, chính phủ tư sản lại tiếp tục tham gia và xa lầy vào Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) hao người, tốn của, mà nước Nga là nước bị thiệt hại nặng nề nhất… Nước Nga lúc này tồn tại mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp quyết liệt, nhất là cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, nhân dân lao động với giai cấp tư sản và bọn địa chủ, phong kiến Nga hoàng.
Để chuẩn bị cho một cuộc cách mạng lớn sắp nổ ra, Đảng Bôn-sê-vích và lãnh tụ V.I.Lênin đã quan tâm tiến hành chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả về đường lối chính trị, quân sự; chuẩn bị về tâm lý, tư tưởng, tinh thần; chuẩn bị về tổ chức, về lực lượng; cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, vũ khí và tài chính phục vụ cho cuộc cách mạng mà những người cộng sản Nga chân chính nhận định là “sắp nổ ra trong tương lai”. Trong đó, vấn đề xây dựng, tổ chức bộ máy hoạt động của Đảng trong lực lượng vũ trang, xác định cơ chế và thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt. V.I.Lênin và những người cộng sản Nga sớm quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động của các đội Cận vệ đỏ (tiền thân của quân đội cách mạng Nga và Hồng quân, hải quân Liên Xô sau này); đồng thời, thành lập các tổ chức đảng và thiết lập chế độ chính ủy bước đầu trong một số đơn vị quân đội.
Sau Cách mạng Tháng Mười, tháng 8 năm 1918, hệ thống tổ chức đảng, cơ quan chính trị, chế độ chính ủy được thiết lập và thực hiện thống nhất trong Hồng quân, làm cơ sở vững chắc về tư tưởng và tổ chức để xây dựng Hồng quân vững mạnh về mọi mặt, trước hết là vững mạnh về chính trị. Để thực hiện được chủ trương này, Đảng Cộng sản Nga và lãnh tụ V.I.Lênin đã điều động và bổ nhiệm hơn 3.200 đảng viên cộng sản giữ chức vụ chính ủy các cấp trong Hồng quân Liên Xô; củng cố hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn khi đất nước non trẻ vẫn đang phải đối mặt với “thù trong, giặc ngoài”, song vẫn thực hiện được mục tiêu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với các đơn vị Hồng quân.
Theo V.I.Lênin: giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó khăn hơn nhiều; một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ; không ai đánh bại được chúng ta trừ khi chúng ta tự đánh bại chúng ta… Vì vậy, muốn bảo vệ chính quyền cách mạng, cần có quân đội hùng mạnh, có số lượng đông, có chất lượng cao, cơ cấu phù hợp; đặc biệt là quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đối với quân đội và Hải quân Liên Xô là tất yếu khách quan, là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội. V.I.Lênin khẳng định: “Không có một vấn đề chính trị hay tổ chức quan trọng nào do một cơ quan nhà nước giải quyết mà không có chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương”[1]. Vì thế, trong số rất nhiều nhiệm vụ mà Đảng phải thi hành để xây dựng, củng cố, phát triển quân đội, thì vấn đề trước hết và trên hết là tuyên truyền, giáo dục ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho quần chúng, của quân nhân; giáo dục chính trị đồng thời với tăng cường kỷ luật tự giác, nghiêm minh và nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ chính trị, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động quân sự của quân nhân. Đảng Cộng sản Nga và V.I.Lênin đã thiết lập và thi hành chế độ công tác đảng, công tác chính trị, hệ thống cơ quan chính trị, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân. Nhờ vậy, quân đội đã giữ vững được bản chất cách mạng, có mục tiêu lý tưởng chiến đấu rõ ràng, có trình độ tổ chức, trình độ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cao, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chính quyền cách mạng, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới và là “chỗ dựa” tin cậy, tạo niềm tin cho nhân dân lao động trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Liên Xô sau này.
Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm hay, những bài học quý được rút ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vào thực tế và bối cảnh Việt Nam, trong đó có bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quán triệt và thực hiện rất sớm, rất nghiêm, rất chặt chẽ và có hiệu quả nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”; đồng thời thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội.
Cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội được xác định ngay từ khi những đội vũ trang đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng.
Ngay từ khi mới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944 (tổ chức quân sự tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), Đảng đã chủ trương phải có chi bộ đảng lãnh đạo, có chính trị viên bên cạnh người đội trưởng làm cơ sở cho tổ chức và duy trì hoạt động của Đội. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cơ chế lãnh đạo cũng như việc thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội có sự thay đổi về tên gọi, cơ chế, nguyên tắc hoạt động… song mục tiêu và bản chất vẫn không hề thay đổi.
Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành Việt Nam Giải phóng quân sau đó, Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định cần phải “… xác định rõ hơn việc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng và tiến hành công tác chính trị trong lực lượng vũ trang”[2], tập trung chỉ đạo xây dựng chi bộ đảng và ban công tác chính trị ở đại đội, bố trí chính trị viên từ trung đội trở lên, coi “công tác chính trị... là linh hồn của Việt Nam Giải phóng quân”[3]. Đây là những thuộc tính bản chất nhất của quân đội cách mạng, là nhân tố quyết định để Quân đội ta liên tiếp giành thắng lợi trong các trận chiến đấu ngay sau ngày thành lập, và chưa đầy một tuổi đã làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi vang dội trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, cũng như trong giai đoạn hiện nay, cả nước đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, quân đội đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, trên mọi phương diện. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội cũng đã trải qua nhiều lần được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dù trong hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi, Đảng vẫn luôn giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo đối với quân đội. Năm 1946, 1947, hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội được thiết lập từ Trung ương Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) xuống đến chi bộ; đồng thời toàn quân thực hiện chế độ “Chính trị ủy viên cùng đội trưởng phụ trách đơn vị”. Tháng 10 năm 1948, Đảng lập chế độ “Chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội” (hay còn gọi tắt là “Chế độ chính ủy tối hậu quyết định”). Tháng 9 năm 1949 dù chưa ban hành cơ chế cụ thể, song trên thực tế đã có những thay đổi, mà thực chất là trở lại mô hình “Đảng ủy lãnh đạo tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn trưởng, đội trưởng cùng chính ủy, chính trị viên phụ trách đơn vị”. Từ tháng 5 năm 1952 đến tháng 12 năm 1982, Đảng thiết lập cơ chế “Đảng ủy lãnh đạo, thủ trưởng quân chính phân công phụ trách” (theo Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 20/5/1952 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II). Từ tháng 12 năm 1982 đến tháng 7 năm 1985, Đảng thiết lập và thực hiện chế độ “Một người chỉ huy trong quân đội” theo Quyết định số 07 và Nghị quyết 27/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa V).
Tuy nhiên, sau 23 năm thực hiện chế độ một người chỉ huy, cơ chế này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Do vậy, kế thừa những kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công trong thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội, chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 20/7/2005, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết 51/NQ-TW về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nghị quyết 51 ra đời đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng, thực hiện nhiệm vụ của quân đội và sự mong mỏi, kỳ vọng của nhiều thế hệ cán bộ quân đội. Để thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), hệ thống các tổ chức trong quân đội từng b­ước được thành lập, hoàn thiện và vận hành đồng bộ theo cơ chế mới. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên; hiệu lực của ng­ười chỉ huy đ­ược tăng cường; vai trò chủ trì về chính trị của chính ủy, chính trị viên được khẳng định; chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong các đơn vị và toàn quân đ­ược nâng cao hơn trước.
Nhìn lại lịch sử chặng đường gần 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội gắn liền với nhiều lần bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng. Trong mỗi lần thay đổi cơ chế, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, các mối quan hệ của các tổ chức, các bộ phận hợp thành cơ chế lãnh đạo của Đảng cũng có những thay đổi nhất định, tương xứng, song mục tiêu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội”, bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc của Đảng đối với quân đội trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống là không hề thay đổi. Đây đồng thời cũng là nguyên tắc bất di bất dịch, bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam phát triển, không ngừng lớn mạnh, đủ sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ, và nhân dân tin tưởng giao cho.
Từ thực tế lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công của Quân đội ta và quân đội một số nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, bước đầu rút ra một số vấn đề trong thực hiện và bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong thời gian tới như sau:
Trước hết, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, cũng phải trung thành và kiên định, kiên trì thực hiện nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”. Đây là yếu tố cơ bản nhất, quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Phải thiết lập, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội vững mạnh, trong sạch, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo phân công cá nhân phụ trách; thực hiện tự phê bình và phê bình.
Hai là, duy trì hoạt động có hiệu quả hệ thống cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị cấp trên. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, một khâu quan trọng của cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội, là bài học kinh nghiệm thành công, là vấn đề có ý nghĩa quyết định để hoạt động công tác đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn” và duy trì “mạch sống của Quân đội ta”.
Ba là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức và lối sống cách mạng, có năng lực trí tuệ và tổ chức thực hiện, đặc biệt là có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức hoạt động quân sự, kỹ năng mềm, có trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu quân đội hội nhập quốc tế trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0).
Bốn là, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân. Coi đây là một yêu cầu cơ bản, nội dung hoạt động đặc biệt quan trọng và đặc thù của quân đội, của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Đây là vấn đề thuộc về bản chất, truyền thống và là chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội: “Vì nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; quân đội cách mạng “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Đồng thời, đây cũng là nguồn sức mạnh vô tận, là động lực để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.



[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 38.
[2] Lịch sử Tổng cục Chính trị, Tập 1 (1944 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, H. 2004, tr. 34.
[3] Lịch sử Tổng cục Chính trị, Tập 1 (1944 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, H. 2004, tr. 35.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét