Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ TRONG ĐÀO TẠO CÁN BỘ CHÍNH TRỊ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ TRONG TÌNH HÌNH MỚI


-PVL-
Sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, trong đó có đội ngũ cán bộ chính trị luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, bởi vì đây là vấn đề xây dựng lực lượng nòng cốt, vấn đề xây dựng con người, xây dựng tổ chức - yếu tố tối quan trọng của nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Lịch sử gần 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam mặc dù bối cảnh lịch sử và nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ có khác nhau; đặc điểm, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung, thời gian và phương pháp đào tạo cán bộ chính trị của quân đội trong mỗi giai đoạn cũng có sự thay đổi, song nhìn chung số lượng, chất lượng đào tạo cán bộ chính trị đều đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội trong từng thời kỳ.





Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo cán bộ trong quân đội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều mặt công tác, trong đó công tác đảng, công tác chính trị là một yếu tố đặc biệt quan trọng, trực tiếp tham gia và quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị nói riêng.
1. Công tác đảng, công tác chính trị với tính cách là công tác lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ quá trình đào tạo cán bộ chính trị
Công tác đảng, công tác chính trị là bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, một mặt công tác cơ bản của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp trong quân đội; là công tác xây dựng Đảng, xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức; là công tác vận động quần chúng của Đảng trong quân đội, nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao... Trải qua các giai đoạn lịch sử, mặc dù tên gọi hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội có lúc không giống nhau, nhưng mục đích, vai trò, ý nghĩa và bản chất của hoạt động này không hề thay đổi (trước năm 1980 là “Công tác chính trị”; từ 18/01/1980 - 19/7/1993 là “Công tác đảng - công tác chính trị”; từ 19/7/1993 - 12/1994 gọi là “Công tác chính trị”; từ 12/1994 đến nay gọi là “Công tác đảng, công tác chính trị”).
Có thể khẳng định, trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực công tác, mọi điều kiện hoàn cảnh, mọi nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam đều có hoạt động công tác đảng, công tác chính trị và nó đã thực sự là “linh hồn”, “mạch sống” của mỗi cơ quan, đơn vị và trong quân đội nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng đối với quân đội; đồng thời, công tác đảng, công tác chính trị tham gia trực tiếp vào quá trình định hướng tư tưởng, chỉ đạo hành động và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác khác trong toàn quân.
Đào tạo cán bộ quân đội nói chung và đào tạo cán bộ chính trị nói riêng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nhiệm vụ này phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước với sự tham gia của nhiều lực lượng. Nhưng dù với cách thức tổ chức đào tạo như thế nào cũng phải hướng tới trả lời cho được đào tạo nhằm mục đích gì? Đào tạo với nội dung và phương thức ra sao? Quy trình như thế nào? Quá trình đào tạo có gắn kết chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội hay không, điều này phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả tiến hành công tác đảng, công tác chính trị với mục đích lãnh đạo tư tưởng, xây dựng tổ chức, xây dựng con người và thực hiện công tác chính sách trong toàn bộ quá trình đào tạo.
Công tác đảng, công tác chính trị với tính cách là hoạt động lãnh đạo của toàn bộ quá trình đào tạo cán bộ chính trị nó phải “đi trước một bước” và phải tham gia quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, tư tưởng cơ bản của Đảng về đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội. Trên thực tế, để chuẩn bị nguồn cán bộ, trong đó có cán bộ chính trị cho lực lượng vũ trang, ngay từ trước khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944), Đảng và Bác Hồ đã tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị, đặc biệt là công tác cán bộ trong lực lượng vũ trang. Theo đó, Đảng và Bác Hồ đã sớm lựa chọn và gửi một số cán bộ sang học tập tại một số trường quân sự ở Trung Quốc. Trong giai đoạn (1945 - 1954) để chuẩn bị lực lượng cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã thực hiện công tác chỉnh huấn cán bộ.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (năm 1954) phát triển đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng, Nhà nước và Quân đội thực hiện chủ trương đào tạo cán bộ chính trị tập trung tại các nhà trường và cơ sở đào tạo trong quân đội với thời gian đào tạo là 03 năm. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta chuyển sang thực hiện chủ trương đào tạo cán bộ chính trị “cấp tốc”, “ngắn hạn” để kịp thời đáp ứng yêu cầu về số lượng cán bộ cho các chiến trường.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), cả nước độc lập thống nhất quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước, Quân đội thực hiện chủ trương đào tạo cán bộ quân đội “tập trung, cơ bản, chính quy”, trong đó có nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị. Bám sát tình hình thế giới và trong nước, bám sát nhiệm vụ cách mạng, trong mỗi giai đoạn, thời kỳ, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng đúng đắn và toàn diện tới nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị từ việc xác định mô hình, mục tiêu, yêu cầu đào tạo tới đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các nhà trường, cơ sở đào tạo cán bộ chính trị phát triển toàn diện về mọi mặt.
Hiện nay, thực hiện quan điểm của Đại hội XII của Đảng về giáo dục, đào tạo “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”[1]; “tiếp tục đổi mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”[2], công tác đảng, công tác chính trị tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo, định hướng và trực tiếp tham gia vào các nhiệm vụ, các giai đoạn của quá trình đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội. Cho dù đào tạo cán bộ chính trị với hình thức nào, quy mô ra sao thì công tác đảng, công tác chính trị vẫn đã, đang và sẽ là kim chỉ nam, là “linh hồn”, “mạch sống” với tính cách lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác đào tạo cán bộ chính trị. Thực tế lịch sử cho thấy, các nhà trường, cơ sở đào tạo trong toàn quân đã đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp hàng vạn cán bộ chính trị cho các chiến trường, các đơn vị, các lĩnh vực công tác trên khắp mọi miền đất nước và sắp tới có thể bao gồm cả các đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thành phần Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; phát huy sức mạnh tổng hợp của quân đội làm nên những chiến thắng, những kỳ tích mới và viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
2. Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị là mô hình, kiểu mẫu, bài học trực quan sinh động để bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho học viên ở các nhà trường, cơ sở đào tạo cán bộ chính trị
Cùng với các mặt công tác khác, công tác đảng, công tác chính trị tham gia trực tiếp và toàn diện vào thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị ở các nhà trường, cơ sở đào tạo trong quân đội với nhiều biểu hiện, tính chất và tầm mức khác nhau:
Thứ nhất, công tác đảng, công tác chính trị luôn “đi trước, đón đầu”, bám sát thực tế, bám sát nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị để trực tiếp tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng thái độ, động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao cho các lực lượng sư phạm. Kiên quyết phê phán, ngăn ngừa và loại bỏ tư tưởng tiêu cực, lạc hậu trong quá trình đào tạo ở nhà trường và cơ sở đào tạo cán bộ chính trị của quân đội với quan điểm: “Tất cả vì học viên thân yêu”; “Tất cả vì sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội”. Thông qua thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các kế hoạch và chương trình giáo dục chính trị; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm cho các đối tượng (nhất là cán bộ, giảng viên, học viên)..., công tác đảng, công tác chính trị tuyên truyền, giáo dục, động viên tư tưởng các lực lượng sư phạm chủ động, tích cực, vượt qua khó khăn thử thách vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ theo cương vị chức trách được giao.
Thứ hai, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các nhà trường, cơ sở đào tạo và ở các đơn vị cơ sở trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn và đưa học viên tham gia vào quá trình chỉ đạo, tổ chức, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Đồng thời, thông qua các hoạt động thực tế, công tác đảng, công tác chính trị trực tiếp tạo ra “môi trường trực quan” và “sân chơi” sinh động, hấp dẫn, phong phú, mang tính chuẩn mực để bổ trợ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tay nghề công tác đảng, công tác chính trị cho học viên trong quá trình học tập tại trường và thực tập tại đơn vị cơ sở.
Thứ ba, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quá trình đào tạo cán bộ chính trị tại các nhà trường và cơ sở đào tạo cũng như ở từng loại hình đơn vị, từng quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường... trở thành hệ “tham chiếu” để “kiểm nghiệm” tính đúng đắn, khoa học, tính thực sự, thực tế của nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo cán bộ chính trị cũng như uy tín, thương hiệu của các nhà trường, cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong quân đội.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị và uy tín của cán bộ chính trị ở đơn vị cũng là cơ sở thực tế khách quan và chính xác nhất để kiểm nghiệm và đánh giá việc thực hiện phương châm gắn kết lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành, nhà trường với đơn vị, nhà trường với chiến trường trong quá trình đào tạo cán bộ nói chung và cán bộ chính trị nói riêng.
3. Công tác đảng, công tác chính trị là một khoa học trong quá trình đào tạo cán bộ chính trị
Thứ nhất, là môn khoa học xã hội, công tác đảng, công tác chính trị nghiên cứu nguyên lý, quy luật về xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền và xây dựng tổ chức đảng trong quân đội; nghiên cứu quy luật, nguyên tắc tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác quần chúng và công tác chính sách trong quân đội; công tác đảng, công tác chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị, từ đó cung cấp cơ sở luận cứ khoa học để Đảng, Nhà nước, Quân đội và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện, phát triển lý luận về công tác đảng, công tác chính trị, trong đó có công tác đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị.
Thứ hai, công tác đảng, công tác chính trị là môn học chuyên ngành trong chương trình đào tạo của các nhà trường và cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong quân đội, trực tiếp trang bị tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề và bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, rèn luyện bản lĩnh, phương pháp tác phong công tác cho học viên theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo cán bộ chính trị. Nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy công tác đảng, công tác chính trị có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị, những người sau này sẽ là những chính ủy, chính trị viên chủ trì về chính trị và trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, tiến hành các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị sau khi ra trường hoặc những giáo viên, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự làm công tác nghiên cứu và giảng dạy ở các học viện, nhà trường quân đội.
Thứ ba, cùng với các công tác khác, công tác đảng, công tác chính trị góp phần đổi mới, chuẩn hóa mục tiêu, nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giảng dạy và học tập môn học chuyên ngành công tác đảng, công tác chính trị góp phần đào tạo cán bộ chính trị ở các nhà trường và cơ sở đào tạo trong quân đội “vừa hồng”, “vừa chuyên”.
Thứ tư, công tác đảng, công tác chính trị góp phần định hướng chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước trong các nhà trường và cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong quân đội.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trong đó có đào tạo cán bộ chính trị trong quân đội. Do vậy, để sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị thu được những thắng lợi mới, cung cấp cho xã hội, cho quân đội nguồn “nhân lực chất lượng cao”, đội ngũ cán bộ chính trị “vừa hồng”, “vừa chuyên” góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Trong thời gian tới, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các lực lượng trong quân đội nhận thức đúng về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị. Đặc biệt, công tác đảng, công tác chính trị cần phát huy vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo trong việc tuyên truyền hướng nghiệp cho thí sinh, người nhà thí sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc chủ động đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, xét tuyển quân sự hoặc chuyển loại cán bộ chính trị trong các nhà trường, cơ sở đào tạo cán bộ chính trị để phấn đấu rèn luyện trở thành những chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị và giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong quân đội, trong đó có đào tạo tại Trường Sĩ quan Chính trị và Học viện Chính trị.
2. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác đảng, công tác chính trị nói chung và công tác đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị nói riêng.
3. Hoàn thiện cơ chế chính sách bảo đảm cho việc giữ vững và phát huy vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội nói chung và công tác đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị nói riêng.
4. Các cơ sở đào tạo cán bộ chính trị các cấp, đặc biệt là Trường Sĩ quan Chính trị, Học viện Chính trị cần phải thường xuyên xây dựng tổ chức đảng, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp đủ về số lượng, có chất lượng cao và cơ cấu hợp lý, có năng lực toàn diện và sức chiến đấu cao để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị cũng như tham gia vào kiểm định, đánh giá, định hướng cho các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân, nhất là trong những lĩnh vực mới, nhiệm vụ khó, đơn vị hoạt động mang tính chất đặc thù.
5. Phát huy vai trò của đội ngũ chính ủy, chính trị viên, đội ngũ cán bộ chính trị ở các nhà trường, cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học nói chung, dạy học công tác đảng, công tác chính trị nói riêng cũng như toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị trong quân đội, bảo đảm cho các hoạt động đó phải thực sự mẫu mực, là những bài học trực quan sinh động, bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội.
6. Các đơn vị cơ sở thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, hợp tác tích cực cùng với các nhà trường và cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong việc tạo nguồn đào tạo và tổ chức chặt chẽ, có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ thực tập, kiến tập, nghiên cứu, khảo sát thực tế của học viên và cán bộ chính trị ở các nhà trường khi đến đơn vị. Đồng thời, đơn vị cơ sở cần chủ động cung cấp cơ sở thực tiễn có lien quan tới hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; luân chuyển cán bộ chính trị có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị về các nhà trường để tham gia đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội, đặc biệt là về công tác tại khoa chuyên ngành công tác đảng, công tác chính trị, cơ quan chính trị, cán bộ chủ trì về chính trị ở các nhà trường và cơ sở đào tạo cán bộ chính trị./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
(2) Quân đội nhân dân Việt Nam, tổng cục Chính trị quá trình hình thành tổ chức và chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, Biên niên sự kiện và tư liệu, tập 1 (1944-1954), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.
(3) Đảng ủy Quân sự Trung ương, Nghị quyết về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét