Trung tá, TS Phan Văn Lương
Khoa CTĐ, CTCT, Trường Sĩ quan Chính trị
Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường
Sa năm 1988, đỉnh cao là “Trận hải chiến Gạc ma” đã đi vào lịch sử dân tộc như
một sự kiện bi hùng, một biểu tượng sáng ngời về ý chí bất khuất, kiên cường,
“chấp nhận hy sinh” của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Hơn 35 năm
đã đi qua, nhưng nghiên cứu, tìm hiểu về trận chiến đấu này vẫn thu hút sự quan
tâm của nhiều học giả, chuyên gia quân sự, chính trị, ngoại giao cả trong và
ngoài nước. Bài viết của tác giả tập trung phân tích, luận giải về công tác đảng,
công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo
Trường Sa năm 1988.
Chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mọi quốc gia. Trong
đó, lãnh thổ và biên giới quốc gia là hai yếu tố gắn bó với nhau “như hình với
bóng”. Cho đến đầu thế kỷ XX, pháp luật quốc tế vẫn thừa nhận việc dùng vũ lực
để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Nhưng
sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hiến chương Liên hợp quốc ghi rõ: “Tất cả các thành viên của Liên hợp
quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình, sao cho
không tổn hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý…”[1].
Vì vậy, cuộc đấu
tranh của các dân tộc thuộc địa, trong đó có dân tộc Việt Nam có thêm cơ sở
pháp lý rõ ràng và được nhân loại tiến bộ ủng hộ. Tuy nhiên, các
cường quốc luôn tìm mọi lý do, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện âm mưu bành
trướng, nhất là về vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.
Cuộc chiến
đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa năm 1988 đến nay vẫn được nhiều người
thừa nhận “là một sự kiện quan trọng trong chuỗi mắt xích các sự kiện liên tục
khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa”[2].
Hiện nay, quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa vẫn bị Trung Quốc
chiếm đóng trái phép, song các cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân năm
1988 tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên các quần
đảo đó. Đây là một minh chứng khẳng định ý chí kiên cường của quân và dân ta trong đấu tranh bảo vệ
chủ quyền. Trong cuộc chiến đấu này, chúng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp về
vật chất và tinh thần, sức mạnh quân sự kết hợp với sức mạnh chính trị, ngoại
giao; sức mạnh của nghệ thuật quân sự với nghệ thuật chiến tranh nhân dân; phát
huy “thế trận lòng dân trên biển” cùng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết
sinh”, “có người, có đảo, còn người, còn đảo” của cán bộ, chiến sĩ Hải quân được
vận dụng sáng tạo và phát huy cao độ. Trong đó có những đóng góp rất quan trọng
của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong các trận chiến
đấu.
Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ
quyền biển đảo năm 1988, nhất là rạng sáng ngày 14/3/1988 tại các bãi san hô
thuộc quần đảo Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam diễn ra ác liệt và không
cân sức. Kết thúc trận chiến đấu, chúng ta đã mất 03 tàu vận tải và 64 cán bộ,
chiến sĩ hy sinh. “Những người lính Hải quân Việt Nam anh hùng đã không bỏ chạy,
không bỏ đảo, không bỏ đồng đội, quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao
và bãi Cô Lin”[3].
Trong các trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền
biển đảo năm 1988, hoạt động CTĐ, CTCT của các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, chiến
sĩ Hải quân được tiến hành thường xuyên, có nền nếp; có sự vận dụng khá linh hoạt,
sáng tạo trong một số hoạt động, một số đơn vị theo tình hình thực tế trên chiến
trường. Cùng với việc
chuẩn bị khá chu đáo về công tác quân sự, hậu cần, kỹ thuật, sự lãnh đạo của cấp
ủy, tổ chức đảng, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động CTĐ, CTCT của cán
bộ chủ trì, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị… đã góp phần xây dựng ý chí quyết
tâm chiến đấu, tinh thần chịu đựng gian khổ, “chấp nhận hy sinh” và niềm tin tất
thắng cho bộ đội.
Từ thực tế
cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa năm 1988, rút ra một số vấn
đề sau:
1. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thường xuyên,
trực tiếp là Thường vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp
Sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Thường vụ
và Đảng ủy Quân chủng Hải quân được thể hiện ở việc chủ động nghiên cứu, nắm và
dự báo tình hình, lãnh đạo tiến hành công tác tư tưởng, xây dựng yếu tố chính
trị tinh thần, xây dựng phương án tác chiến; lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, đấu
tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao; chuẩn bị về lực lượng, thế trận, cơ
sở vật chất, vũ khí trang bị, phương tiện,… cho bộ đội Trường Sa cả trước,
trong và sau các trận chiến đấu.
“Đầu năm 1988, lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc cho
quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa: Chiếm giữ đá Chữ Thập
(31 tháng 01), đá Châu Viên (18 tháng 02), đá Ga Ven (26 tháng 02),… ”[4].
Nắm được âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải
quân đã báo cáo cấp trên, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đưa vũ khí, khí tài và lực
lượng ra đóng giữ tại đá Tiên Lữ (26 tháng 01), Đá Lát (05 tháng 02), Đá Lớn
(06 tháng 02),… bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của
Trung Quốc.
Căn cứ tình hình khu vực Trường Sa và khả năng hỗ trợ
từ đất liền gặp nhiều khó khăn, Quân chủng nhận định: “Gạc Ma giữ vị trí quan
trọng, nếu Hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế đường tiếp tế của
Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa”. Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy Quân
chủng Hải quân tiếp tục hạ quyết tâm đóng giữ tại Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao… và
giao cho Lữ đoàn Vận tải 125 cử lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của
Thường vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng
1, ngày 11/3/1988, tàu HQ-604 rời cảng ra đá Gạc Ma. Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605
từ đảo Đá Đông đến giữ đảo Len Đao, đến ngày 14/3/1988, tàu đã đổ bộ lên đảo và
cắm cờ Tổ quốc. Ngày 13/3/1988, các tàu HQ-604 và
HQ-505 từ đảo Đá Lớn tiến về đảo Gạc Ma, Cô Lin để bảo vệ hai đảo này.
17giờ ngày 13/3/1988, tàu
Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang. Bị uy hiếp, hai tàu của ta
vẫn kiên trì neo đậu quanh bãi đá. Trước tình hình căng thẳng do Trung Quốc gây
ra, 21 giờ cùng ngày, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho các sĩ quan Trần Đức
Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết tâm giữ Gạc Ma, Cô Lin; chỉ
thị cho công binh khẩn trương dùng xuồng vận chuyển vật liệu xây dựng lên đá trong
đêm 13/3/1988. Lực lượng của Lữ đoàn 146 bí
mật thực hành đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai bốn tổ bảo vệ bãi đá Gạc Ma.
Sáng ngày 14/3/1988, các tàu
chiến của Trung Quốc ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang
hoạt động bình thường ở bãi đá Gạc Ma,
đồng thời dùng ba thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên giật cờ Việt Nam. Trận
chiến không cân sức diễn ra, mặc dù lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí
hạn chế, các chiến sĩ Hải quân của ta đã chiến đấu kiên cường, nhiều đồng chí
đã anh dũng hy sinh, điển hình là Thiếu úy Trần Văn Phương, chiến sĩ Nguyễn Văn
Lanh…
Như vậy, trong các cuộc chiến đấu trên vùng Trường Sa, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các cấp đều theo
dõi sát tình hình, đưa
ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, các chỉ thị, mệnh lệnh chính xác; kịp
thời tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung lực lượng, hoàn thiện
các phương án chiến đấu. Trong điều
kiện gặp nhiều khó khăn, hạn chế về lực lượng Hải quân trên thực
địa,
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo
Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức lực lượng không quân
tuần tra và hỗ trợ lực lượng Hải quân tác chiến. “... ngày 16/3,
Trung Quốc đưa 07 tàu chiến và nhiều
xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt
Nam trên đá. Tuy
nhiên, lần này
Việt Nam cho 07 máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra phía đá hỗ trợ
nên số tàu chiến của Trung Quốc bỏ đi, đụng độ không nổ ra, phía Việt Nam giữ được đá và
hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá”[5].
2. Quán triệt sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ;
nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng
viên; tinh thần chiến đấu dũng cảm “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” và “chấp nhận hy sinh” của cán bộ, chiến sĩ
Các cơ quan, đơn vị tham gia thực
hiện nhiệm vụ đã chủ động tiến hành
thông báo, quán triệt nhiệm vụ
trên giao tới cán bộ, chiến sĩ, nêu bật ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng cả về
quân sự và chính trị của việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; những thuận lợi và khó khăn trong
thực hiện nhiệm vụ; điều kiện khí hậu, thời tiết và tình hình hoạt động của nước
ngoài ở khu vực quần đảo Trường Sa. Tổ chức phân công, giao nhiệm vụ, hiệp đồng chặt chẽ cho các bộ phận, gắn trách
nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì
trong đơn vị. Trước khi lên
đường thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã tổ chức đăng ký thi đua, xây dựng ý chí quyết
tâm cho các bộ phận và từng cán bộ, chiến sĩ.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, đảng
viên đã phát huy
tốt tinh thần trách nhiệm, thể hiện bản lĩnh vững vàng, chuyên môn vững và kinh
nghiệm chiến đấu dày dạn, tạo niềm tin vững chắc cho đồng đội, cho cấp dưới.
Thực tế, trong trận đánh sáng
ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma với quân xâm lược Trung Quốc, cán bộ, chiến sĩ
tàu HQ-604 đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, đoàn kết, quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ quốc
đã cắm trên đảo. Trước lúc hy sinh, thiếu úy Trần Văn Phương hô to: “Thà hy
sinh chứ không chịu mất đảo”, “hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ vinh quang
của Tổ quốc”[6].
Chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh bị kẻ thù bao vây vẫn bình tĩnh cùng đồng đội kháng cự; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết
“quây thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc (mà sau này nhiều người gọi vòng
tròn ấy bằng cụm từ thiêng liêng: Vòng tròn bất tử”[7]...
Gương chỉ huy quả cảm, bình tĩnh, kiên cường của thuyền trưởng tàu HQ-505 trong
tình thế nguy cấp khi bị pháo trên tàu Trung Quốc tấn công, tàu bị bốc cháy,
thân tàu thủng, nước tràn vào khoang, hệ thống liên lạc bị hỏng, không thể báo
cáo với cấp trên... nhưng anh
đã bình tĩnh, hội ý chỉ huy tàu, yêu cầu và động viên bộ đội sửa chữa bằng được máy để sớm đưa
tàu lên đảo với ý chí kiên định: “Lúc này HQ-505 đã nghiêng và có nguy cơ chìm.
Để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà toàn bộ chiến sĩ cũng hy sinh, chỉ còn
cách đưa tàu lên bãi cạn”[8].
3. Chủ động và thường xuyên phối kết hợp tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động với công tác
thông tin đối ngoại trước, trong và sau trận chiến đấu
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu, thường
xuyên và cũng là trách nhiệm thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Tuy vậy, bờ biển trải dài hơn 3.200 km, với hàng ngàn đảo, hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, đầu
tư cho các lực
lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng,... còn nhiều hạn chế. Vì vậy,
cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chính
trị các đơn vị đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác
tuyên truyền, cổ động; kết hợp các hình thức của công tác tư tưởng với công tác
tổ chức và công tác chính sách; hoạt động CTĐ, CTCT
trong quân đội với công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước…
Thực tế đã chứng minh, từ năm
1987 đến đầu năm 1988, cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã được tuyên truyền, giáo dục,
quán triệt mệnh lệnh cũng là lời hiệu triệu, động viên của Đô đốc Giáp Văn
Cương: “Hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết, táo bạo,
với phương châm “có người, có đảo, còn người, còn đảo”[9].
Quá trình chuẩn bị và thực
hành chiến đấu, huyết mạch
thông tin được giữ vững, những gương điển hình chiến đấu dũng cảm
của các tập thể và cá nhân được thông báo kịp thời tới cán bộ, chiến sĩ các đơn
vị và về đất liền. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã cung cấp thông tin từ thực địa
nhanh chóng đến các cơ quan
ngoại giao, báo chí, phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước để
thu hút sự quan tâm của nhân dân, bạn bè quốc tế, nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thông báo kịp thời các chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương
quân đội với thân nhân, gia đình các cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm
vụ bảo vệ chủ quyền Trường Sa. Đây là những nỗ lực rất lớn nhằm động viên,
khích lệ tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân và gia đình họ./.
[1] Hiến chương Liên hiệp
quốc, (ký ngày 26/6/1945 tại San Francisco, Hoa Kỳ, có hiệu lực ngày
24/10/1945), tr.01.
[2] “Gạc Ma: Trận chiến
khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”, Nguồn: Báo Đại đoàn kết.
[3] Nguyễn Đình Quân, “Trận
Hải chiến Gạc Ma”, Nguồn: http://www.tienphong.vn.
[4] Đức Toàn, “Cuộc chiến
đấu bảo vệ Trường Sa 1988”, Nguồn: Petrotimes.
[5] Đức Toàn, “Cuộc chiến
đấu bảo vệ Trường Sa 1988”, Nguồn: Petrotimes.
[6] “Gạc Ma: Trận
chiến khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”, Nguồn: Báo Đại đoàn kết.
[7] “Trường Sa 1988:
“Vòng tròn bất tử” trên bãi Gạc Ma”, Nguồn: Báo Tuổi trẻ.
[8] Nguyễn Hưng,
“Quyết định lịch sử trong trận hải chiến Gạc Ma 1988”, Nguồn:
http://vnexpress.net.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét