Trung tá, TS PHAN VĂN LƯƠNG Khoa CTĐ, CTCT, Trường Sĩ quan Chính trị |
* Tóm tắt: Sự
nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội, trong đó có đội ngũ cán bộ chính trị
đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc
biệt quan tâm. Bởi vì, đây là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nhân tố con
người, xây dựng tổ chức - yếu tố quyết định trong xây dựng quân đội vững mạnh
về chính trị. Bài viết phân tích, luận giải về vai trò của công tác đảng, công
tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị ở các học viện, nhà trường quân
đội hiện nay.
* Từ khóa: Công tác đảng,
công tác chính trị; cán bộ chính trị; đào tạo cán bộ chính trị.
Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt
Nam mặc dù bối cảnh lịch sử và nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ có khác
nhau; đặc điểm, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung, thời gian và phương pháp
đào tạo cán bộ chính trị của quân đội trong mỗi giai đoạn cũng có sự thay đổi,
song nhìn chung số lượng, chất lượng đào tạo cán bộ chính trị đều cơ bản đáp
ứng yêu cầu phát triển của tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội
trong từng thời kỳ.
Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo
đội ngũ cán bộ trong quân đội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều mặt công tác,
trong đó công tác đảng, công tác chính trị là yếu tố đặc biệt quan trọng, trực
tiếp tham gia và quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo đội ngũ cán
bộ, trong đó có đào tạo cán bộ chính trị ở các học viện, nhà trường quân đội.
Vai trò của công tác đảng, công tác chính trị được biểu hiện tập trung trên một
số vấn đề sau:
1. Công tác đảng, công tác chính
trị là công tác lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ quá trình đào tạo cán bộ
chính trị ở các học viện, nhà trường quân đội
Công tác đảng, công tác chính trị là bộ phận rất quan trọng trong hoạt
động lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, một mặt công tác cơ bản của cấp ủy,
chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp trong quân đội; là công tác xây dựng
Đảng, xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; là công tác
vận động quần chúng của Đảng trong quân đội, nhằm giữ vững và tăng cường sự
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho
quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc
sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận
và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao... Trải qua các giai đoạn, thời
kỳ lịch sử, mặc dù tên gọi công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội
không giống nhau, nhưng mục đích, vai trò, ý nghĩa và bản chất của hoạt động
này không hề thay đổi (trước năm 1980 là “Công
tác chính trị”; từ 18/01/1980 - 19/7/1993 là “Công tác đảng - công tác chính trị”; từ 19/7/1993 - 12/1994 gọi là
“Công tác chính trị”; từ 12/1994 đến
nay gọi là “Công tác đảng, công tác chính
trị”).
Có thể khẳng định, trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực công tác và từng
nhiệm vụ của Quân đội ta đều có hoạt động công tác đảng, công tác chính trị và
nó đã thực sự là “linh hồn”, “mạch sống” của mỗi cơ quan, đơn vị và trong toàn
quân nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”
của Đảng đối với quân đội. Đồng thời, công tác đảng, công tác chính trị tham
gia trực tiếp vào quá trình định hướng tư tưởng, chỉ đạo hành động, hướng dẫn,
kiểm tra và tổng kết thực tiễn việc thực hiện các nhiệm vụ trên tất cả mọi lĩnh
vực, mọi mặt công tác khác trong toàn quân.
Đào tạo cán bộ quân đội nói chung và đào tạo cán bộ chính trị nói riêng
là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nhiệm vụ này phải trải qua nhiều khâu, nhiều
bước với sự tham gia của nhiều lực lượng. Nhưng dù với cách thức tổ chức đào
tạo như thế nào cũng hướng tới trả lời câu hỏi: Đào tạo nhằm mục đích gì? Đào
tạo với nội dung và phương thức ra sao? Quy trình như thế nào? Quá trình đào
tạo có gắn kết chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ cách mạng, nhiệm
vụ quân đội hay không? Điều này phụ thuộc rất lớn vào chất lượng, hiệu quả tiến
hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quá trình đào tạo với
mục đích chính là lãnh đạo tư tưởng, xây dựng tổ chức, xây dựng con người và
thực hiện công tác chính sách trong toàn bộ quá trình đào tạo.
Công tác đảng, công tác chính trị với tính cách là hoạt động lãnh đạo của
toàn bộ quá trình đào tạo cán bộ chính trị phải “đi trước một bước” và tham gia
quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, tư tưởng cơ bản của Đảng về giáo dục, đào
tạo, về cán bộ, công tác cán bộ mà trực tiếp là đào tạo đội ngũ cán bộ trong
quân đội.
Trên thực tế, ngay từ trước khi thành
lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944), Đảng và Bác Hồ đã
tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị, đặc biệt là công tác cán bộ
trong lực lượng vũ trang. Theo đó, Đảng và Bác Hồ đã sớm lựa chọn và gửi cán bộ
sang học tập tại một số trường quân sự ở Trung Quốc và Liên Xô. Trong giai đoạn
(1945 - 1954) để chuẩn bị lực lượng cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu của cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã thực hiện công tác “chỉnh huấn cán bộ” ngay trên chiến
trường, sau mỗi trận chiến đấu, góp phần chấn chỉnh đội ngũ, bồi dưỡng phẩm
chất, năng lực thực tiễn và phong cách công tác cho cán bộ toàn quân, trong đó
có cán bộ chính trị.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng
(năm 1954) phát triển đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa và thực hiện cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng,
Đảng, Nhà nước và Quân đội ta thực hiện chủ trương đào tạo cán bộ chính trị tập
trung tại các nhà trường và cơ sở đào tạo trong quân đội với thời gian đào tạo
là 03 năm. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta chuyển sang thực hiện
chủ trương đào tạo cán bộ chính trị “cấp tốc”, “ngắn hạn” để kịp thời đáp ứng
yêu cầu về số lượng cán bộ cho các chiến trường.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), cả nước thống nhất quá
độ đi lên chủ nghĩa xã hội, để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình
hình mới, Đảng, Nhà nước, Quân đội thực hiện chủ trương đào tạo cán bộ quân đội
“tập trung, cơ bản, chính quy”. Bám
sát tình hình thế giới và trong nước, bám sát nhiệm vụ cách mạng, trong mỗi
giai đoạn, thời kỳ, Đảng, Nhà nước, Quân ủy
Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, định
hướng đúng đắn và toàn diện tới nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
chính trị từ việc xác định mô hình, mục tiêu, yêu cầu đào tạo tới đổi mới nội
dung, chương trình và phương pháp đào tạo; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng
các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các nhà
trường, cơ sở đào tạo cán bộ chính trị phát triển toàn diện.
Hiện nay, tiếp tục thực hiện quan điểm của Đảng về giáo dục, đào tạo “tạo
chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng
ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của
nhân dân”[1];
“tiếp tục đổi mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo
hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”[2], “Đào
tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công
dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,
công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”[3].
Công tác đảng, công tác chính trị tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo, định hướng
và trực tiếp tham gia vào các nhiệm vụ, các giai đoạn của quá trình đào tạo cán
bộ chính trị quân đội. Cho dù đào tạo cán bộ chính trị với hình thức nào, quy
mô ra sao thì công tác đảng, công tác chính trị đã, đang và sẽ tiếp tục là kim
chỉ nam, là “linh hồn”, “mạch sống” với tính cách lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện,
thường xuyên công tác đào tạo cán bộ chính
trị ở các học viện, nhà trường quân đội.
Thực tế lịch sử cho thấy, các nhà
trường, cơ sở đào tạo trong toàn quân đã đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp hàng
vạn cán bộ chính trị cho các chiến trường, các cơ quan, đơn vị, các lĩnh vực
công tác trên khắp mọi miền đất nước và trong các nhiệm vụ quốc tế, bao gồm cả
các đơn vị của Quân đội ta trong thành phần Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên
hiệp quốc, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng Quân đội
nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
2. Hoạt động công tác đảng, công
tác chính trị là “mô hình”, “kiểu mẫu”, “bài học trực quan sinh động” để bồi
dưỡng, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho học viên ở các học viện, nhà trường, cơ
sở đào tạo cán bộ chính trị trong quân đội
Cùng với các mặt công tác khác, công
tác đảng, công tác chính trị tham gia trực tiếp và toàn diện vào thực hiện
nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị ở các học viện, nhà trường và các cơ sở đào
tạo trong quân đội với nhiều biểu hiện, tính chất và tầm mức khác nhau:
Thứ nhất, công tác đảng, công
tác chính trị luôn “đi trước, đón đầu”, bám sát thực tế, bám sát nhiệm vụ đào
tạo cán bộ chính trị để trực tiếp tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng,
xây dựng thái độ, động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn, tinh thần tự lực, tự
cường, chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ cho các lực lượng sư
phạm. Kiên quyết phê phán, ngăn ngừa và loại bỏ tư tưởng tiêu cực, lạc hậu
trong quá trình đào tạo ở các học viện, nhà trường và cơ sở đào tạo cán bộ
chính trị quân đội với phương châm: “Tất
cả vì học viên thân yêu”; “Tất cả vì sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị cho
quân đội”. Thông qua thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động,
các kế hoạch và chương trình giáo dục chính trị; công tác tuyên truyền, cổ
động; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng môi trường
văn hóa, công tác văn hóa quần chúng, tổ chức phong trào thi đua quyết thắng;
công tác cán bộ và công tác chính sách cho các đối tượng,… công tác đảng, công
tác chính trị trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, động viên tư tưởng các lực
lượng sư phạm ở các học viện, nhà trường và cơ sở đào tạo cán bộ chính trị
trong quân đội chủ động, tích cực, vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ theo
cương vị chức trách được giao.
Thứ
hai, hoạt động công tác đảng,
công tác chính trị trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn và đưa học viên tham gia vào
quá trình chỉ đạo, tổ chức, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị ở học
viện, nhà trường và các cơ sở đào tạo cán bộ chính trị. Đồng thời, thông qua các
hoạt động thực tiễn, công tác đảng, công tác chính trị trực tiếp tạo ra “môi
trường trực quan” và “sân chơi” sinh động, hấp dẫn, phong phú, có tính chuẩn
mực để bổ trợ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tay nghề công tác đảng, công tác
chính trị cho học viên trong quá trình học tập tại trường và thực tập, thực tế
tại đơn vị cơ sở.
Thứ ba, hoạt động công tác
đảng, công tác chính trị trong quá trình đào tạo cán bộ chính trị tại các học
viện, nhà trường và các cơ sở đào tạo cũng như các hoạt động công tác đảng,
công tác chính trị ở từng loại hình đơn vị, từng quân chủng, binh chủng, học
viện, nhà trường... trở thành hệ “tham chiếu” để “kiểm nghiệm” tính đúng đắn,
khoa học, tính thực sự, thực tế của nội dung, chương trình, phương pháp và thời
gian đào tạo cán bộ chính trị cũng như góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu
của các học viện, nhà trường, các cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong quân
đội.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị và uy
tín của cán bộ chính trị ở đơn vị cũng là cơ sở để kiểm nghiệm và đánh giá hiệu
quả thực hiện phương châm đào tạo “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “lý thuyết
đi đôi với thực hành”, “nhà trường gắn với đơn vị, nhà trường sát với chiến
trường” trong quá trình đào tạo cán bộ nói chung và cán bộ chính trị nói riêng.
3. Công tác đảng, công tác chính
trị là một khoa học trong quá trình đào tạo cán bộ chính trị
Thứ nhất, với tư cách là môn
khoa học xã hội, công tác đảng, công tác chính trị nghiên cứu những nguyên lý,
quy luật về xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm
quyền; xây dựng tổ chức đảng trong quân đội; nghiên cứu quy luật, nguyên tắc tiến hành công tác tư tưởng, công tác
tổ chức, công tác quần chúng và công tác chính sách trong quân đội… công tác
đảng, công tác chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng việc tổng kết thực tiễn,
nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị, tiến
hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, từ đó cung cấp
những luận cứ khoa học để Đảng, Nhà nước, Quân đội và các cơ quan chức năng
tiếp tục hoàn thiện, phát triển lý luận về công tác đảng, công tác chính trị
trong Quân đội, trong đó có công tác đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán
bộ chính trị.
Thứ hai, công tác đảng, công
tác chính trị là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của các học viện,
nhà trường và cơ sở đào tạo trong quân đội; đồng thời, đây là môn học chuyên ngành trong đào tạo cán
bộ chính trị, trực tiếp trang bị tri thức, truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng, tay
nghề và bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, rèn luyện bản lĩnh, phương pháp tác
phong công tác cho học viên theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Nội dung, hình thức
và phương pháp giảng dạy công tác đảng, công tác chính trị có ý nghĩa quyết
định đến chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị, những người sau này sẽ là
những chính ủy, chính trị viên - người chủ trì về chính trị và trực tiếp tổ
chức, chỉ đạo, tiến hành các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn
vị sau khi ra trường hoặc có thể là những giáo viên, giảng viên, cán bộ khoa
học xã hội và nhân văn quân sự công tác ở các học viện, nhà trường, các cơ
quan, đơn vị và doanh nghiệp quân đội.
Thứ ba, cùng với các công tác
khác, công tác đảng, công tác chính trị góp phần đổi mới, chuẩn hóa mục tiêu,
nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giảng dạy và phương pháp học tập
môn học chuyên ngành công tác đảng, công tác chính trị ở các học viện, nhà
trường và các cơ sở đào tạo trong quân đội. Đồng thời, góp phần định hướng chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực,
phương pháp tác phong công tác, góp phần “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ, giảng viên
ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước trong các học viện, nhà trường và
cơ sở đào tạo cán bộ chính trị.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực
hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trong đó có đào tạo cán bộ
chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày
20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng
Quân đội trong tình hình mới”.
Do vậy, để sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị thu được những thắng lợi mới,
cung cấp cho xã hội, cho quân đội nguồn “nhân lực chất lượng cao”, đội ngũ cán
bộ chính trị “vừa hồng”, “vừa chuyên”, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về
chính trị. Trong thời gian tới, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị
trong đào tạo cán bộ chính trị ở các học viện, nhà trường và các cơ sở đào tạo
trong quân đội cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục các lực lượng trong quân đội
nhận thức đúng về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác đảng, công tác chính
trị trong đào tạo cán bộ chính trị. Đặc biệt, công tác đảng, công tác chính trị
cần phát huy vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo trong việc tuyên truyền
hướng nghiệp cho thí sinh, người nhà thí sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc để chủ
động đăng ký dự thi hoặc tham gia dự xét tuyển sinh quân sự, chuyển loại cán bộ
chính trị trong các học viện, nhà trường và các cơ sở đào tạo cán bộ chính trị
trong quân đội để phấn đấu rèn luyện trở thành những chính ủy, chính trị viên,
cán bộ chính trị và giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ưu tú trong quân đội.
Hai
là, tiếp tục nghiên cứu, bổ
sung, hoàn thiện lý luận về công tác đảng, công tác chính trị nói chung và công
tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trạng, công tác đảng, công tác
chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị quân đội nói riêng.
Ba
là, hoàn thiện cơ chế chính
sách, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo đảm cho các
hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội và nhất là công tác
đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị.
Bốn
là, các học viện, nhà trường và
cơ sở đào tạo cán bộ chính trị các cấp, đặc biệt là Trường Sĩ quan Chính trị,
Học viện Chính trị cần thường xuyên quan tâm hơn nữa tới nhiệm vụ xây dựng tổ
chức đảng, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên, giảng viên
khoa học xã hội và nhân văn đủ về số lượng, có chất lượng cao, có cơ cấu hợp
lý, có năng lực toàn diện và sức chiến đấu cao để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính
trị cũng như tham gia vào quá trình kiểm định, đánh giá chất lượng theo “chuẩn
đầu ra” tiếp cận Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; đồng thời, định hướng,
chỉ đạo, “làm mẫu” cho các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong
toàn quân, nhất là trong những lĩnh vực mới, nhiệm vụ khó, những đơn vị hoạt
động mang tính chất đặc thù.
Năm
là, phát huy hơn nữa vai trò và
khẳng định vị thế của đội ngũ chính ủy, chính trị viên, đội ngũ cán bộ chính
trị ở các học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong việc đổi
mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học nói chung, dạy học công tác đảng,
công tác chính trị và dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị nói
riêng cũng như toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị
trong quân đội, bảo đảm cho các hoạt động đó thực sự mẫu mực, là những bài học
trực quan sinh động, bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
cán bộ chính trị cho quân đội.
Sáu là, các cơ quan, đơn vị toàn quân cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị tại đơn vị; tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả phối hợp với các học viện, nhà trường và cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong việc tạo nguồn đào tạo và tổ chức chặt chẽ, có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ thực tập, kiến tập, nghiên cứu, khảo sát thực tế của học viên và cán bộ ở các học viện, nhà trường quân đội khi các lực lượng này đến đơn vị cơ sở công tác. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cơ sở cần chủ động cung cấp những “bài học thực tiễn” sinh động, những vướng mắc, bất cập có liên quan tới hoạt động công tác đảng, công tác chính trị và tham gia tích cực hơn trong việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ chính trị có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị về các nhà trường để tham gia đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội, nhất là về công tác tại khoa chuyên ngành công tác đảng, công tác chính trị, cơ quan chính trị, cán bộ chủ trì về chính trị ở các học viện, nhà trường, các cơ sở đào tạo cán bộ chính trị trong quân đội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét